Thảo luận về việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự với BTS diễn ra vào ngày 25.11 |
Chụp màn hình |
Kpopstarz đưa tin, cuộc họp liên quan đến một số sửa đổi trong Đạo luật nghĩa vụ quân sự sẽ diễn ra tại Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Hàn Quốc vào ngày 25.11 tới. Cuộc thảo luận được quan tâm ở việc các nghệ sĩ nhạc pop và BTS có được miễn nhập ngũ hay không.
Trong vài năm qua, cư dân mạng đã chỉ trích tiêu chuẩn đặc biệt miễn trừ quân sự vốn chỉ dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cổ điển và thể thao. Đạo luật hiện hành quy định những người đoạt giải cao nhất trong các cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế, các nhà vô địch Á vận hội hoặc đoạt huy chương đồng trở lên tại Thế vận hội đều được miễn trừ. Năm nay, các đại biểu đã đề xuất sửa đổi một phần Đạo luật nghĩa vụ quân sự, bao gồm việc các nghệ sĩ nhạc pop có thành tích xuất sắc sẽ được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt này.
Đại biểu Seong Il Jong cho biết: “Mặc dù BTS luôn đi đầu trong việc thúc đẩy uy tín quốc gia, nhưng các nghệ sĩ nhạc pop không được tính vào phạm vi nghệ thuật và thể thao theo quy định của pháp luật hiện hành về nghĩa vụ quân sự”.
Cầu thủ bóng đá Son Heung Min được miễn nghĩa vụ quân sự |
Chụp màn hình |
Mặt khác, một cuộc họp kiểm toán liên quan đến 11 cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 10, chỉ ra rằng dù văn hóa, nghệ thuật đại chúng có đóng góp lớn trong việc nâng cao tầm ảnh hưởng quốc gia nhưng các nghệ sĩ trong lĩnh vực này vẫn chưa được công nhận.
“Theo kết quả khảo sát về nhận thức của người nước ngoài đối với Hàn Quốc, điều đầu tiên họ nghĩ đến xứ kim chi là văn hóa. Và trong văn hóa, họ nhớ đến trước tiên là BTS, phim truyền hình và điện ảnh”, đại biểu Jeong Cheong Rae của Đảng Dân chủ nói. Ngoài ra, ông cũng chỉ trích Hội đồng Nghệ thuật Hàn Quốc vì đã loại chủ tịch Hiệp hội Ca sĩ Hàn Quốc ra khỏi các thành viên của ủy ban.
Đại biểu Jeong Cheong Rae nói thêm, việc chỉ công nhận một số lĩnh vực và hình thức nhất định để “thúc đẩy uy tín quốc gia” đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Vì văn hóa và nghệ thuật đại chúng hiện đang đóng vai trò mũi nhọn để nâng cao hình ảnh đất nước.
K-Culture đang là cơn sốt trên toàn cầu |
Chụp màn hình |
Tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách Đặc phái viên của Tổng thống, BTS được xem như bộ mặt của Hàn Quốc. Trong khi đó, loạt phim ăn khách Trò chơi con mực của Netflix đã thúc đẩy cơn sốt K-Culture trên toàn cầu. Nhiều bộ phim Hàn Quốc cũng đã được đón nhận khắp thế giới.
Trước đây, khi văn hóa đại chúng Hàn Quốc, bao gồm cả Kpop bắt đầu nở rộ, có ý kiến cho rằng nên đưa các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này vào trường hợp ngoại lệ của nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng đã bác bỏ với lý do ảnh hưởng đến vấn đề bình đẳng trong việc nhập ngũ.
Hàn Quốc xôn xao vì bộ phim Netflix về săn đuổi lính đào ngũ |
Hiệp hội Nội dung Âm nhạc Hàn Quốc cũng đã tuyên bố: “Với trường hợp nghệ thuật cổ điển, ngay cả khi họ giành chiến thắng trong cuộc thi do một tờ báo trong nước tổ chức, họ sẽ nhận được quyền lợi về nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, điều đó đi ngược lại sự công bằng vì các nghệ sĩ Kpop không được ưu đãi như vậy”. Nhiều người tán thành và nói đó chính là sự phân biệt đối xử.
BTS là nghệ sĩ Hàn đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 |
Chụp màn hình |
Trong khi đó, BTS đã xô đổ nhiều kỷ lục với tư cách là nghệ sĩ Kpop, bao gồm cả việc trở thành ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 vào năm ngoái. Gần đây, nhóm cũng đã khởi hành đến Mỹ để tổ chức buổi concert đầu tiên sau đại dịch Covid-19.
Hiện, sự chú ý đang dồn vào việc liệu các đề xuất có được thông qua trong quá trình xem xét lại Đạo luật nghĩa vụ quân sự hay không.
Bình luận (0)