Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tháng 9.2020, nhà chức trách Anh đã phát hiện một biến thể SARS-CoV-2, được đặt tên là B.1.1.7, có khả năng lây nhiễm cao hơn 25 - 40% so với loại vi rút cũ. Một tháng sau, Nam Phi thông báo đã xác định được một biến thể độc lập nữa, được gọi là B.1.351. Tháng 1 vừa qua, Brazil cho biết đã tìm ra một biến thể khác với tên gọi P.1. Theo đánh giá bước đầu của các chuyên gia, hai chủng biến thể mới này đều có tốc độ lây lan nhanh và phức tạp.
Các chuyên gia của CDC giải thích đây là một hiện tượng phổ biến trong tự nhiên và xảy ra khi vi rút tiến hành sao chép gien và mắc lỗi. Theo đó, xét trên nhiều phương diện, thế giới có thể đã gặp may bởi SARS-CoV-2 có tốc độ đột biến chậm hơn khá nhiều so với các loại vi rút khác, chẳng hạn như vi rút cúm.
Cũng theo CDC, để có thể phát triển đến mức “vượt mặt” vắc xin, các biến thể này còn phải cần rất nhiều thời gian nhằm tích lũy thêm đột biến bên trong protein. Do đó, quá trình này không thể là chuyện một sớm một chiều.
Bên cạnh đó, công nghệ làm vắc xin hiện đại, tiêu biểu là công nghệ protein tái tổ hợp, không chỉ giúp ngăn chặn hiệu quả vi rút mà còn có thể giúp nhà sản xuất dễ dàng nâng cấp vắc xin để đối phó với các chủng biến thể mới của SARS-CoV-2. Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), nhà sản xuất vắc xin Pfizer/BioNTech, tuyên bố với những tiến bộ hiện tại cùng sự ủng hộ của nhiều nhà hoạch định chính sách, họ sẽ nhanh chóng tạo ra loại vắc xin có thể thích ứng với các biến thể của SARS-CoV-2 chỉ trong 6 tuần.
Ngoài ra, một xu hướng cũng đang thu hút nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu là tạo ra loại vắc xin “lưỡng trị”, tức chế phẩm vừa có tác dụng chống lại chủng vi rút ban đầu và cả các chủng đột biến. Công ty Moderna (trụ sở tại Mỹ) đã lên kế hoạch nghiên cứu một hợp chất tăng cường, có thể kết hợp với hầu hết vắc xin hiện có, giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể trước những chủng biến thể mới của SARS-CoV-2.
Bình luận (0)