Liệu chứng khoán Mỹ có thể tăng điểm 10 năm liên tiếp?

11/03/2018 09:21 GMT+7

Thị trường giảm điểm tồi tệ nhất từ Đại suy thoái kết thúc cách nay 9 năm.

Theo CNN, ít người biết đến thông tin rằng thị trường chứng khoán Mỹ chạm mức thấp nhất trong thời khủng hoảng tài chính vào ngày 9.3.2009. Hôm đó, chỉ số Dow đóng cửa ở 6.547 điểm, và chỉ số S&P 500 hạ xuống 677 điểm.
Kristina Hooper, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết: “Cuối năm 2008, đầu năm 2009 là thời điểm kinh khủng. Thị trường có rất nhiều nỗi sợ hãi”. Dù vậy, nỗi sợ cuối cùng được thay thế bằng sự tham lam khi nền kinh tế phục hồi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bơm hàng tỉ USD để kích thích nền kinh tế.
S&P 500 tăng gấp bốn lần trong thị trường tăng điểm dài và mạnh thứ nhì lịch sử. Chỉ số Dow cuối cùng vượt lên mốc 26.000 điểm.
Câu hỏi lúc này là liệu thị trường con bò, tức thị trường tăng điểm, có thể kéo dài qua năm thứ 10 hay không. Cách nay 5 tuần, cải cách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thông tin tích cực từ nền kinh tế khỏe mạnh hơn giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh. Dù vậy, các nhà đầu tư nhanh chóng “quay về mặt đất” khi lo ngại về lạm phát và lợi suất trái phiếu tăng khiến thị trường chứng khoán lao dốc vào đầu tháng 2, điều chỉnh giảm 10% từ mức cao kỷ lục.
Gần đây nhất, mối lo về chương trình nghị sự thương mại của ông Trump làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại. Chủ nghĩa bảo hộ đi lên là một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường tăng điểm vì tất cả các bên đều sẽ thua trong một cuộc chiến thương mại, bà Hooper cho biết.
Dưới đây là những rủi ro lớn nhất đối với thị trường:
Tổng thống Trump mạnh tay với thương mại
Kế hoạch áp thuế cao lên thép và nhôm nhập khẩu kéo theo nguy cơ trả đũa từ Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác thương mại lớn khác. Jeffrey Saut, chiến lược gia đầu tư tại hãng Raymond James, cho hay sai lầm chính sách lớn như việc áp thuế cao có thể kéo tuột chứng khoán. Hôm 8.3, ông Trump dịu giọng về chuyện thuế khi cho biết sẽ loại trừ Canada và Mexico khỏi danh sách các nước bị áp thuế nhôm, thép xuất khẩu đến Mỹ. Điều quan trọng lúc này là liệu các đối tác thương mại khác sẽ phản ứng ra sao và ông Trump có đưa ra động thái nào mạnh mẽ hơn hay không.
Fed tăng tốc
Phố Wall hoan nghênh kế hoạch tăng lãi suất từ từ của Fed. Lãi suất thấp giúp cổ phiếu, vốn được xem là rủi ro hơn trái phiếu, trở nên hấp dẫn hơn. Song nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang trở thành vấn đề và Fed có thể từ bỏ chiến lược tăng lãi suất từ từ. Nếu Fed hành động nhanh hơn, thị trường chứng khoán sẽ thất vọng.
Lo ngại về lãi suất cao hơn cũng tăng lên khi ông Trump tích cực cắt giảm thuế doanh nghiệp và đẩy mạnh ngân sách 300 tỉ USD. Điều này sẽ khiến Mỹ phải vay mượn nhiều hơn.
Dự báo suy thoái kinh tế 
Kinh tế Mỹ đang khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở 4,1% còn niềm tin người tiêu dùng cao nhất trong 17 năm. Song đợt phục hồi kinh tế này là lâu thứ nhì trong lịch sử, nhiều chuyên gia cho rằng chu kỳ kinh doanh đang ở giai đoạn sau. Tỉ phú Ray Dalio nhận định có 70% khả năng Mỹ suy thoái trước cuộc bầu cử năm 2020. Song một số chuyên gia khác lại chẳng lo lắng về suy thoái kinh tế.
Thảm họa địa chính trị
Phố Wall bị buộc phải theo dõi diễn biến ở Bình Nhưỡng trong nhiều năm qua. Cuộc xung đột hạt nhân với Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư hoảng sợ. May mắn thay, căng thẳng trên bán đảo Triều tiên nguội đi đáng kể. Ông Trump còn đồng ý đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.