'Liệu có xảy ra những vụ giống ngân hàng SCB trong thời gian tới'

06/11/2023 14:48 GMT+7

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhiều đại biểu đề nghị giải trình việc xử lý các ngân hàng yếu kém chậm, chưa đạt tiến độ. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lo lắng liệu có xảy ra những vụ giống như vụ SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn) trong thời gian tới.

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 6.11, nhiều đại biểu đề cập việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt tiến độ. Đại biểu Phạm Văn Hòa nói bà con cử tri nhắn tin cho ông đặt vấn đề về tình hình các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng hiện đang được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như SCB.

'Liệu có xảy ra những vụ giống ngân hàng SCB trong thời gian tới' - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sáng 6.11

GIA HÂN

"Xin Thống đốc cho biết liệu có khả năng sắp tới xảy ra những vụ giống như SCB thời gian qua nữa hay không, để cho khách hàng có tiền gửi họ yên tâm", đại biểu Hòa nói và cho biết, hiện 4 - 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là "hết sức nguy hiểm".

Hồi đáp đại biểu chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thực sự là rất khó.

"Trong điều kiện bình thường đã khó rồi, trong bối cảnh kinh tế chịu tác động của Covid-19, tác động kinh tế thế giới thời gian qua, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn", bà Hồng nói.

Nhiều khó khăn được Thống đốc Ngân hàng chỉ ra. Bà nhấn mạnh, đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là đề án khó, chưa có tiền lệ, trong khi cán bộ tham gia chưa có kinh nghiệm.

Cạnh đó, việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia đề án cũng khó khăn. Ngoài ra, về nguồn lực để thực hiện, bà Hồng cho biết cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan, có sự đồng thuận, thống nhất.

"Việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã xin ý kiến cấp có thẩm quyền, có chủ trương và đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch này trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng đề án", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Thống đốc trả lời chất vấn: Liệu còn những vụ giống ngân hàng SCB trong thời gian tới?

Một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao

Từ năm 2015 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt ra quyết định kiểm soát đặc biệt và chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng gồm: Ngân hàng Xây dựng (Việt NamCB, sau đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

'Liệu có xảy ra những vụ giống ngân hàng SCB trong thời gian tới' - Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn chiều 6.11

GIA HÂN

Tuy nhiên, tới nay việc thực hiện chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng nói trên vẫn chưa hoàn tất.

Tới tháng 10.2022, sau khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt.

Liên quan vấn đề này, trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay).

Theo Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm kiểm toán (tháng 8), việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc. Một ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc là DongABank.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước nhận định, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn. Cụ thể là nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cảnh báo một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống. 

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.

Đối với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, Kiểm toán Nhà nước đề nghị cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân; không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.