Đầu tiên phải nói rằng, chuyện chênh lệch vốn đầu tư giữa các phương án là hết sức bình thường. Yêu cầu, mục tiêu, chất lượng, dịch vụ, hạ tầng, thiết kế, tư vấn, thời điểm... đều tác động rất lớn đến vốn đầu tư. Ở tuyến cao tốc bắc - nam đang gây tranh cãi cũng không ngoại lệ, việc chọn vận tốc 350 km/giờ hay 200 km/giờ sẽ là đầu ra cho hàng loạt các vấn đề liên quan như công nghệ, kỹ thuật, nhân sự... Tất nhiên kéo theo các đáp số về vốn rất khác nhau.
Nhưng ngoài vốn thì ý tưởng, phương án, đề xuất của các cơ quan quản lý trước những vấn đề, những dự án, nhất là những dự án có tác động sâu rộng tới sự phát triển của đất nước thể hiện rõ nhất cái tâm, cái tầm của những người, những đơn vị xây dựng đề án. Nếu xét ở góc độ đó sự lãng phí, tốn kém có thể còn hơn rất nhiều so với khoản chênh lệch 32 tỉ USD đang gây sốc dư luận trong phương án của Bộ GTVT đưa ra.
Đầu tiên, trong bối cảnh ngân sách khó khăn và rất nhiều dự án đang xếp hàng đợi vốn mà chọn phương án với tổng vốn lớn hơn tới 32 tỉ USD để đầu tư dự án đường sắt tốc độ 350 km/giờ chỉ để chở khách mà không phục vụ vận tải hàng hóa là quá lãng phí. Trong khi bất cập lớn lâu nay là vận chuyển hàng hóa phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ, gây tình trạng quá tải, dẫn đến rủi ro, nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chính Bộ GTVT nhiều năm trước cũng loay hoay tìm giải pháp để đường sắt, đường thủy chia tải với đường bộ. Nhưng do đường sắt hiện tại cũ kỹ, năng lực vận chuyển kém, chi phí cao nên không thu hút được các doanh nghiệp sử dụng. Vậy nên lẽ ra khi tính toán xây dựng tàu cao tốc bắc - nam , Bộ GTVT phải tối ưu hóa hiệu quả hoạt động đường sắt tương xứng.
Thứ hai, vốn đầu tư quá lớn thì giá thành dịch vụ, sản phẩm chắc chắn sẽ rất cao. Nếu giá tàu cao tốc bắc - nam quá cao, liệu bao nhiêu người dân sẽ chọn hoặc có khả năng đi tàu cao tốc? Liệu tàu cao tốc có cạnh tranh được với vé máy bay giá rẻ? Xin nhắc thêm là vốn đầu tư cao tốc bắc - nam chúng ta sẽ phải đi vay, đó là nợ quốc gia, phải trả bằng thuế do người dân đóng góp.
Vẫn biết Trung Quốc đã có hệ thống đường sắt cao tốc dài 30.000 km, Nhật sắp có tàu 500 km/giờ và chia sẻ với Bộ GTVT nỗi lo tầm nhìn nếu chúng ta đi sau mà lại vẫn dùng tàu 200 km/giờ, nhưng nền kinh tế của mỗi nước có “sức khỏe” khác nhau. Chúng ta chưa sở hữu công nghệ, chúng ta phải đi vay vốn, chúng ta cần ưu tiên chở hàng hóa, chúng ta còn nhiều công trình đang xếp hàng chờ vốn, chúng ta cần một mức giá tàu cao tốc mà đa số người dân có thể mua được... nên chăng liệu cơm gắp mắm (?).
Cuối cùng thì một dự án lớn thế này, nên mở rộng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước để có lựa chọn tối ưu, phù hợp nhất trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bình luận (0)