ĐÁNH CƯỢC MẠNG SỐNG
Có dịp đi qua tuyến QL40B, đoạn qua địa phận xã Trà Tập (H.Nam Trà My, Quảng Nam), chúng tôi không khỏi rùng mình khi bắt gặp hình ảnh từng tốp người dân làng Tắc Rối (cả người lớn lẫn trẻ em) ngồi trên bè tự chế để vượt hơn 150 m qua sông Tranh. Thời điểm vượt sông, trên bè không có một chiếc phao cứu sinh hay áo phao nào.
Làng Tắc Rối ở thôn 3 (xã Trà Tập) có gần 40 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Ca Dong. Nằm chơi vơi lưng chừng núi giữa đại ngàn Trường Sơn, từ trước đến nay, làng biệt lập với bên ngoài bởi dòng sông Tranh ngăn cách, muốn lưu thông đều phải tự tìm cách vượt sông mùa nắng. Còn mùa mưa, nước sông dâng cao chảy xiết, họ bị cô lập gần như hoàn toàn.
Đầu năm 2019, dân làng được đưa về tái định cư ở ngôi làng mới cách làng cũ khoảng 2 km. Người dân phấn khởi vì được đầu tư xây dựng khu dân cư khang trang, hạ tầng gần như đầy đủ, nhưng cây cầu nối từ làng Tắc Rối ra QL40B vẫn chưa có, khiến việc đi lại tiếp tục gặp khó. Vì vậy, để thuận tiện qua lại cũng như vận chuyển hàng hóa vào làng, người dân làng Tắc Rối đã "sáng tạo" ra chiếc bè bằng cách kết từ 6 chiếc thùng nhựa, ván gỗ, dây nhựa rộng chừng 4 m2. Men theo sợi dây cáp đã được cố định ở trên sông, người dân qua lại đôi bờ. Việc người dân tự làm bè vượt sông chẳng khác nào "đánh cược mạng sống với tử thần".
Anh Nguyễn Văn Vương (25 tuổi, ở làng Tắc Rối) cho biết chiếc bè mà mỗi ngày người dân dùng để qua lại là chiếc thứ 10 kể từ tháng 10.2020 đến nay, vì qua mỗi mùa mưa lũ, bè lại bị cuốn trôi. Mất bè thì không thể vận chuyển hàng hóa vào làng, bởi xung quanh là núi và bị chia cắt bởi sông Tranh nên buộc người dân trong làng phải góp tiền để đóng bè mới. "Biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác, người dân đành phải liều mình trên chiếc bè tự chế để đi làm, học sinh rời núi tìm con chữ", anh Vương buồn bã nói.
Theo anh Vương, mùa nắng, khi dòng sông chảy chậm thì bà con có thể dùng thuyền bè vượt sông, còn mùa mưa thì không thể đi được, chỉ quanh quẩn trong làng. Trường hợp, có người đau ốm nặng phải đi bộ vòng đường rừng mất hơn 2 giờ đồng hồ. "Ước mơ lớn nhất của bà con nơi đây là có được một cây cầu từ làng nối với QL40B để người dân yên tâm qua lại, không còn cảnh đi bè nguy hiểm như hiện tại nữa. Ngoài ra, có cầu sẽ xóa đi cảnh biệt lập với thế giới bên ngoài", anh Vương nói.
CUỐI NĂM SẼ CÓ CẦU ?
Bà Hồ Thị Liên (45 tuổi, ở làng Tắc Rối) cho hay những năm trước đây để vượt sông Tranh, người dân trong làng chủ yếu dùng lốp ô tô bơm căng lên. Tuy nhiên, khi di chuyển đã gặp cây nhọn đâm thủng nên càng nguy hiểm, do đó người dân mới chuyển sang sử dụng bè tự chế. "Nỗi lo lớn nhất vẫn là các em học sinh từ tiểu học đến THCS, THPT. Các em muốn đến trường, về lại nhà cũng chỉ có cách là ngồi bè vượt sông. Mùa mưa lũ thì các em phải nghỉ học vì nước sông dâng cao, chảy xiết quá nguy hiểm", bà Liên kể.
Ông Phùng Bá Nghĩa, cán bộ địa chính xã Trà Tập, cho hay địa phương rất trăn trở với khó khăn của người dân, nhưng kinh phí để xây dựng một cây cầu treo bắc qua sông Tranh là vượt quá khả năng của địa phương. "Xã không đủ khả năng để xây cầu treo cho người dân qua lại nên đã nhiều lần đề xuất lên huyện sớm có nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng một cây cầu nối từ làng Tắc Rối với QL40B để người dân yên tâm qua lại", ông Nghĩa nói.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, thừa nhận việc chưa thể đầu tư xây cầu qua sông Tranh khiến việc lưu thông qua lại của người dân làng Tắc Rối gặp vô vàn khó khăn. "Huyện cũng muốn làm cầu sớm chứ bà con qua lại sông bằng bè như vậy thì nguy hiểm quá. Hiện huyện đã phê duyệt dự án xây dựng cầu treo dài hơn 150 m nối làng này với QL40B với kinh phí khoảng 8 tỉ đồng. Dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ việc đi lại của bà con", ông Mẫn thông tin.
Bình luận (0)