Gánh mưu sinh oằn vai khiến họ quên đi sự nguy hiểm rình rập, cả trong mùa lũ dữ.
Không đi thì thiếu ăn, đói mặc !
Hôm ấy, Rơmah Châm và hai thanh niên cùng làng H’de dùng bè tạm vượt sông Đăk Rong lên rẫy. Buổi sáng, trời đổ mây đen kịt, già làng đã dặn có đi rẫy thì về sớm. Nhưng mọi người ham việc nên nhá nhem mới đến bờ sông trong cơn mưa rừng nặng hạt. Nước sông chảy xiết đục ngầu. Cả ba liều mình vượt sông, không may đến gần bờ thì bè bị lật. Họ bị dòng lũ dữ cuốn đi hơn 30 m và thoát chết trong gang tấc khi may mắn vớ được nhành cây mọc vươn ra sông. Chuyện này không hiếm khi họ đánh cược tính mạng của mình trong cuộc mưu sinh mỗi ngày.
Kể cả những ngày mưa, người làng H’de cũng vượt sông lên rẫy rất nguy hiểm |
TRẦN HIẾU |
Nhiều năm nay, phương tiện qua sông Đăk Rong của người dân làng H’de là chiếc bè tự tạo cũ kỹ. Đó là những mảnh gỗ ghép lại, bên dưới là những thùng phuy được cố định lại với nhau. Dây cáp lớn nối hai bờ giúp người dân kéo bè qua lại mỗi ngày. Trừ những ngày lũ lớn quá không thể qua sông, số ngày còn lại mọi người vẫn phải vượt sông trên cái bè thô sơ ấy. Toàn bộ đất canh tác bên kia sông, không đi thì thiếu ăn, đói mặc!
Hơn 60 tuổi rồi nhưng bà Nhung vẫn đều đều ngày 2 lượt dùng bè để qua sông Đăk Rong sang khu rẫy 2 ha của gia đình. Bà kể: “Mùa khô, lòng sông Đăk Rong chỉ chừng hơn 30 m. Nước cũng chảy êm nên việc qua sông không khó khăn. Nhưng vào mùa lũ thì lòng sông đầy nước, rộng đến 60 - 70 m. Mùa mưa, nước sông hỗn lắm, chảy xiết rất nguy hiểm. Đám thanh niên trai tráng trong làng khỏe là vậy nhưng ghì mãi chiếc bè mới đi theo ý chúng khi vượt sông. Mọi người cả trên bờ lẫn dưới bè cứ lo thon thót”.
Theo bà Nhung, do cầu bắc qua sông không có nên việc đi lại phải vất vả. Hễ mùa mưa là người làng lo lắng khi nước sông cứ cuồn cuộn, thủy điện trên kia xả lũ lại càng nguy hiểm hơn. Mà hoa màu lúc ấy cũng đến kỳ thu hoạch, không thể bỏ được. “Tui chỉ sợ nước cuốn đứt dây cáp hay lật bè. Người dân đi làm rẫy không phải ai cũng biết bơi, có nhiều cháu nhỏ đi cùng nữa nên càng sợ”, bà Nhung nói.
Những chuyến đi về như vậy còn có nhiều em nhỏ |
Bên kia sông Đăk Rong hiện có hơn 100 ha đất canh tác. Đây là nguồn sống của 61 hộ dân người Ba Na của làng H’de. Người lớn lên rẫy, trẻ con ở nhà không có người trông nên cũng đi theo. Cả nhà chất chồng trên bè tạm mong manh vượt sông trong cuộc mưu sinh đầy bất trắc. Trên chiếc bè mong manh ấy có lúc chất lên cả gần chục người, cả già lẫn trẻ qua sông.
Ngày vui thành cơn họa
Cách đây chừng chục năm, thấy cảnh đi lại qua sông quá nguy hiểm, người làng H’de góp tiền, góp công làm một cây cầu treo để lên rẫy. Nói là cầu nhưng thực ra chỉ là mấy sợi dây sắt mong manh kéo sang sông và cố định ở hai bên bờ. Thành cầu và nền cầu là những thanh ván, tre nứa ghép lại với nhau. Ngày cầu làm xong, cả làng thịt luôn mấy con heo để mừng. Vậy là từ nay có thể lên rẫy cả trong những ngày lũ về, mưa lớn. Cây cầu lắt lẻo ấy chỉ có thể chịu được tải trọng vài trăm kí lô gam. Nhưng chừng ấy cũng vui rồi.
Chiều về, người già ra sông chứng kiến cảnh người làng đi rẫy về, lái xe máy chở nông sản làm được về nhà trong lấp lánh niềm vui. Nhưng cây cầu treo ấy chỉ tồn tại được hơn hai năm. Cơn lũ lớn đã cuốn phăng tất cả. Thế là người làng phải quay lại cách lên rẫy nguy hiểm bằng cách dùng bè vượt sông.
Anh Rơ Châm Chương (28 tuổi) ở làng H’de nói: “Biết là đi trên bè gỗ qua sông nguy hiểm, nhưng đó là cách duy nhất mà người làng mình sang sông để canh tác mì, bời lời. Mấy hôm bận việc không lên rẫy cùng vợ, mình cứ lo lắng. Hai đứa con, đứa lớn 3 tuổi, đứa nhỏ 3 tháng phải cùng đi với vợ. Lỡ có chuyện gì thì sống sao nổi. Chỉ mong người ta làm cho cây cầu để đi xe, hay đi bộ cũng được. Mong như vậy thôi!”.
Cây cầu tạm của người dân đã bị lũ cuốn trôi từ nhiều năm nay |
Mong ước của người dân tưởng như thành sự thật vào năm 2019, một nhà hảo tâm ở TP.HCM tài trợ 700 triệu đồng để xây một cây cầu treo cho người dân qua sông an toàn. Chuyện tưởng như có cái kết đẹp khi người làng H’de hể hả vui mừng trong ngày khởi công. Nhưng chỉ vài ngày sau, tai họa ập tới.
Số là khi đào đất làm móng cầu, do không thể đưa phương tiện cơ giới vượt sông nên đơn vị thi công đã chọn giải pháp một móng cầu đào bằng tay. Họ thuê người làng đào luôn. Buổi chiều hôm ấy, tai họa ập tới. Hai anh em ruột là Trương (40 tuổi) và Áp (25 tuổi) khi đang đào hố thì bất ngờ đất sập xuống. Mọi người lao đến đào đất lên nhưng đã muộn. Chuyện vui bỗng trở thành tang tóc trong phút chốc.
Cây cầu mới chỉ bắt đầu thi công đã phải tạm dừng. Rồi công an vào cuộc, khởi tố đơn vị thi công. Nhà hảo tâm thấy cảnh vậy cũng không còn mặn mà. Cây cầu mơ ước của người dân ngày càng xa dần.
Mơ ước từ thung sâu
Chuyện xe cộ, tài sản bị chìm hay người bị rơi xuống sông Đăk Rong không còn là lạ. Nhu cầu về một chiếc cầu dân sinh để sang khu sản xuất của người dân là hết sức bức thiết.
Đứng trên bờ sông Đăk Rong đang trong mùa mưa, nước cuồn cuộn đỏ ngầu phù sa, già Ben, người làng H’de, lo lắng: “Hai đứa con mình và mấy đứa cháu nữa mới vượt sông bằng bè từ sáng để lên rẫy. Mong chúng về an toàn. Sáng nay thấy nước lớn, mình bảo chúng thôi, ở nhà đi! Nhưng chúng nói đang kỳ thu hoạch nên phải đi. Mình và mọi người mong mỏi có cái cầu để đi lại cho tiện, an toàn nữa. Năm nay mình 76 tuổi rồi. Ngày về với ông bà không còn xa. Mong là trước khi nhắm mắt nhìn thấy cây cầu được xây. Vậy cũng mãn nguyện rồi!”.
Bao phận người đang đánh cược phận mình trong mùa lũ dữ khi vượt sông lên rẫy. Nỗi cơ cực đó có thể sẽ giải được khi có cây cầu bắc qua sông. Chỉ có vậy, họ mới đưa được phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất, vận chuyển hàng hóa, phân bón cũng thuận lợi. Mong rằng mọi chuyện mừng vui đến với thung sâu này không quá muộn!
Ông Trần Thành Trung, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Tơ Ver, cho biết làng H’de có 61 hộ dân với 293 nhân khẩu. Toàn bộ là người Ba Na, quá nửa là hộ nghèo và cận nghèo, đời sống hết sức khó khăn. Đây là làng đặc biệt khó khăn của xã Đăk Tơ Ver. Toàn bộ đất sản xuất của dân nằm bên kia sông. Việc đi lại rất khó khăn, mất an toàn.
“Địa phương cũng tuyên truyền người dân hạn chế qua sông vào những ngày mưa. Chúng tôi mong mỏi các cấp, nhà hảo tâm chung tay giúp cho người dân cây cầu kiên cố để đảm bảo cho nhân dân đi lại, thúc đẩy lao động sản xuất của người dân”, ông Trung bày tỏ.
Bình luận (0)