Liệu pháp tâm lý cho đội tuyển Việt Nam

26/01/2024 19:36 GMT+7

Nhà báo Phan Đăng đã có bài viết về đội tuyển Việt Nam mà theo ông 'không xem bóng đá theo kiểu thắng khen, thua chê nên tôi khá hài lòng với những thể hiện chuyên môn của đội tuyển Việt Nam ở VCK Asian Cup 2023'.

Đúng là phần chuyên môn của đội tuyển Việt Nam vẫn còn những điều cần khắc phục, ví dụ như sự bế tắc trong việc kiểm soát bóng ở 1/3 sân đối thủ – chỉ dấu cho thấy sự thiếu sắc nét của các cầu thủ đá biên; rồi khả năng bịt không chiến khi đối thủ chơi bài đánh biên - tạt bổng.

Rồi đây đó là những dấu hỏi về việc tại sao không dùng Hùng Dũng trong trận quyết đấu với Indonesia, khiến chúng ta gãy tuyến giữa trong phần lớn thời gian bóng lăn. Tuy nhiên, những vấn đề này cá nhân tôi nhìn ra thì một nhà chuyên môn lão luyện như HLV Troussier chắc chắn cũng đã nhìn ra, và tôi tin là ông biết phải làm gì cho đến trước tháng 3.2024, thời điểm Việt Nam có 2 trận quyết đấu với Indonesia tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026.

Highlight Iraq 3 - 2 Việt Nam: Trận đấu quả cảm chia tay Asian Cup 2023 | Asian Cup 2023

Liệu pháp tâm lý cho đội tuyển Việt Nam - Ảnh 1.

HLV Troussier tại Asian Cup 2023

Ngoại trừ những điều mang tính tiểu tiết trên, về đại thể, màn trình diễn của đội tuyển là khá hứa hẹn. Một lứa cầu thủ mới, rất mới nhưng dám từ bỏ thứ bóng đá rình rập, chờ đợi sai lầm của đối phương để chuyển sang đá chủ động, đấy thực sự là một cuộc cách mạng. Và đấy không phải là một cuộc cách mạng viển vông, vì đã có những thời điểm ta thể hiện khá ổn sự chủ động này.

Nhiều người thắc mắc: đã ổn thì phải có kết quả tốt, chứ thua 3/3 trận, bị loại ngay từ vòng bảng thì sao ổn được! Tôi không nghĩ thế, vì đây mới chỉ là giai đoạn bắt đầu của một cuộc cách mạng, và không có bất cứ cuộc cách mạng nào có thể thành công ngay từ đầu. Để thành công, người ta phải trải qua rất nhiều hy sinh, rất nhiều đau khổ, và vấn đề quan trọng là trong quá trình hy sinh - đau khổ ấy, người ta nhìn thấy ánh sáng tương lai.


Liệu pháp tâm lý cho đội tuyển Việt Nam - Ảnh 2.

Các cầu thủ trẻ sẽ chững chạc hơn

Đội tuyển Việt Nam ở 3 trận đã qua thể hiện chính xác điều này: có đau, có buồn, có thất vọng, nhưng có ánh sáng. Và đấy là lý do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn đặt niềm tin vào ông Troussier. Tôi nghĩ, khi đặt bút ký hợp đồng với Troussier, VFF cũng đã nghĩ đến điều này, tức là giữa hai bên có những giao kèo về một cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt, để thay đổi tâm thế chơi bóng, chứ không đơn thuần chỉ là gặt một vài thành công chớp nhoáng ở những giải đấu trước mắt.

Sở dĩ phải nghĩ đến “một cuộc cách mạng” là vì những gì diễn ra dưới thời HLV Park Hang-seo cho thấy: chúng ta thực sự đã đi tới giới hạn của một chu kỳ. Chu kỳ ấy quá đẹp, HLV Park đã và mãi mãi là chỉ chỉ dấu chói sáng trong lịch sử các đời thầy ngoại, nhưng hai lần thua Thái Lan ở hai kỳ AFF Suzuki Cup liên tiếp - mà thua tâm phục khẩu phục, cho thấy sự giới hạn đó. Tám trận thua ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng cho thấy giới hạn đó. Cho nên hy sinh một vài giải đấu trước mắt, để tạo nên một cuộc cách mạng cho một cái đích 5 năm, 10 năm là điều bắt buộc phải tính đến.


Liệu pháp tâm lý cho đội tuyển Việt Nam - Ảnh 3.

Nhưng để cuộc cách mạng diễn ra trơn tru hơn, tôi muốn đóng góp một tiếng nói - điều mà tôi thấy chưa ai nói trong những mổ xẻ đã qua về đội tuyển, liên quan đến năng lực làm chủ cảm xúc của các tuyển thủ. Như đã nói, cả VFF lẫn HLV Troussier đều đang đặt cược vào những cầu thủ trẻ, mà đã là người trẻ thì việc trận này hay, trận kia dở; lúc này tốt, lúc kia xấu là điều rất dễ xảy ra. Hai thái cực khác nhau ở hai trận đấu liên tiếp với Nhật Bản (thua ấn tượng) và Indoensia (thua toàn diện) chứng minh điều đó.

Pha kéo áo không đáng có của Nguyễn Thanh Bình trong trận gặp Indonesia, dẫn đến quả phạt 11 m và cú giơ chân phạm lỗi không đáng có của Khuất Văn Khang trong trận gặp Iraq, dẫn đến một chiếc thẻ đỏ cũng chứng minh điều đó.

Nhiều người đã phân tích hai điểm chết này ở góc độ chuyên môn, nhưng thật ra những chỉ dấu chuyên môn chỉ là hệ quả của những chỉ dấu tâm lý. Cái tay kéo áo của Nguyễn Thanh Bình và cái chân phạm lỗi của Khuất Văn Khang chỉ diễn ra sau những mệnh lệnh phát đi từ hai cái đầu và hai trái tim. Từ cái đầu, trái tim đến những phản ứng của tay chân là một dẫn truyền thần kinh tất yếu. Với trường hợp của Thanh Bình, đấy là một cái đầu lo lắng, sợ hãi thái quá, trong tình thế đối thủ đang ép sân dữ dội. Với trường hợp Khuất Văn Khang, đấy là một cái đầu hưng phấn, quyết liệt thái quá, trong tình thế đội nhà bất ngờ dẫn bàn và chơi khá trơn tru trước một đối thủ mạnh.

Lo lắng thái quá và hưng phấn thái quá đều rất nguy hiểm. Phải quản trị được sự lo lắng và hưng phấn mới giúp cầu thủ có khả năng làm chủ với quả bóng, thực hiện đúng ý đồ chiến thuật của HLV. Không biết trong công tác chuẩn bị, hàng loạt cầu thủ trẻ Việt Nam đã được hướng dẫn những kỹ thuật quản trị tâm lý này chưa? Tôi rất chú ý tới phát biểu của trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh sau trận gặp Indonesia, rằng toàn đội bị bất ngờ với sự quây ráp và lối tấn công ồ ạt của Indonesia.

Nhìn vào nhân sự ra quân hôm ấy, rõ ràng ta không có ý đồ phòng thủ, nhưng sức mạnh vượt trội của Indo ép ta phải thủ, do vậy sự “bất ngờ” mà Việt Anh nói đến là rất logic. Ta có thể gọi đây là một tình huống bất như ý. Trong bóng đá cũng như đời sống, bất như ý luôn có thể xảy ra, nhưng không phải ai cũng biết cách ứng xử tốt với bất như ý. Tôi có cảm giác, trước trận đấu chúng ta mới chỉ lên các kịch bản “như ý”, chứ chưa lên các kịch bản “bất như ý”, và các cầu thủ cũng chỉ có khả năng thực hiện chiến thuật trong các tình huống “như ý”, chứ chưa biết cách ứng xử với “bất như ý”.

Highlight Việt Nam 0 - 1 Indonesia: Đội tuyển Việt Nam dừng chân ở vòng bảng Asian Cup 2023

“Bất như ý” đến, ta gãy đổ hoàn toàn. Ứng xử với bất như ý, do vậy cũng là một thao tác tâm lý mà các cầu thủ trẻ cần phải được trang bị. Không biết HLV Troussier - người có kinh nghiệm làm việc với các cầu thủ trẻ ở các nền bóng đá khác nhau có trang bị kiến thức tâm lý này cho học trò mình không? Mà có cảm giác chính HLV Troussier trong những thời điểm đây đó cũng có những biểu hiện không thoải mái về tâm lý. Nhìn gương mặt có phần hồi hộp của ông trong trận gặp Iraq, và nhớ lại việc ông nói: “80% người hâm mộ muốn tôi từ chức” trước khi dự giải khiến tôi phải nghĩ đến điều này. Ông Troussier đã gần 70 tuổi, và đang phải chịu những sức ép rất lớn từ phần đông những người hâm mộ “chỉ thích bóng đá chiến thắng”. Do vậy, ông cũng cần trải nghiệm những kỹ thuật tâm lý để giải phóng sức ép, từ đó đưa bộ não trở lại trạng thái tĩnh nhất và sáng nhất cho những trận đánh quyết định của ông tại vòng loại World Cup vào tháng 3.

Hơn lúc nào hết, đội tuyển Việt Nam của một HLV gần 70 tuổi và hàng loạt cầu thủ mới ngoài 20 tuổi cần những liệu pháp tâm lý cho một cuộc cách mạng đường dài!

Xem Trực tiếp & Trọn vẹn Asian Cup 2023 trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.