Cho tới những tháng giữa năm 2023, vào thời điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII, lần đầu tiên trong các văn bản chính thức của Đảng, Nhà nước đề cập tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu.
Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định), tình trạng này không phải chưa từng có, song tới nay tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đang gây ra những ách tắc lớn đối với sự phát triển chung của đất nước.
"Khi người ta nói bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu nghĩa là người dân nhìn thấy thực trạng nói trên nên người ta lo. Mà người dân đã lo rồi thì điều đó báo hiệu đây là vấn đề trong xã hội rất cần phải quan tâm", ông Vũ Trọng Kim nói.
* Trên nghị trường, khi tranh luận với các đại biểu khác về tình trạng này, ông có nói rằng nguyên nhân chính khiến cán bộ né tránh, sợ sai, không làm là do việc chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua quá mạnh?
- Ông Vũ Trọng Kim: Gần 3 năm vừa qua có thể nói là đỉnh cao của quá trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng tại sao Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ khóa XIII (Hội nghị T.Ư 7) vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nhấn mạnh cùng với kiên trì, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải chấn chỉnh, loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại phòng, chống tham nhũng quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí cán bộ; cùng đó là tình trạng làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp?
Chống tham nhũng là việc phải làm, không có lý do gì mà ngưng lại, mà nhụt chí không làm. Tôi cho rằng kiểu bàn lùi như vậy là một biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Mà anh suy thoái nên anh sợ trách nhiệm, anh né tránh, anh đùn đẩy. Điều này là logic với nhau.
*Thực tế là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm đang gây ra những ách tắc lớn cho sự phát triển chung. Theo ông, cách nào để giải quyết tình trạng này?
Tôi nghĩ rằng từ thực tế vừa qua thì cần phải có sự thức tỉnh, tức là không thể làm như cũ được mà phải đổi mới. Đổi mới thực sự ở chỗ phải đòi hỏi tính tự giác của cán bộ chứ không phải anh này kiểm soát anh kia, anh kia kiểm soát anh nọ. Chúng ta nói về cơ chế kiểm soát quyền lực, song khi quyền lực "hóa thân" vào từng con người cụ thể thì tính tự giác phải đặt lên cao. Tôi nghĩ cần phải xốc lại lực lượng từ Ban Chấp hành T.Ư, nghĩa là cấp chiến lược cho tới cấp cơ sở.
Cạnh đó, tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực "không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai" cần phải tiếp tục. Song cũng phải bình tĩnh, phân tích từng trường hợp, từng vụ việc cụ thể, xem xét yếu tố khách quan, chủ quan, làm ở đâu chắc ở đó, làm sao mà dân phục, dân tin mà người bị xử lý kỷ luật cũng thấy đúng, tâm phục, khẩu phục.
*Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng đề xuất mà ông vừa nêu cũng là nhằm tạo cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Ông kỳ vọng như thế nào về việc thể chế hóa kết luận nói trên?
Điều quan trọng là phải tạo ra hành lang pháp lý an toàn, bảo vệ cán bộ để cán bộ vượt qua rào cản, hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, phát triển kinh tế của nước ta theo chiều sâu, chiều rộng nên mọi quan hệ kinh tế dễ động chạm tới người cán bộ. Nhưng cái động chạm nào mình cũng quy vào mối quan hệ rất khắc nghiệt, tức là hình sự hóa nó thì họ không dám làm.
Ví dụ, lần đầu có sai sót nhưng không vụ lợi thì có thể phạt, nhắc nhở, khiển trách hay gì đó. Hành lang chính là chỗ đó. Nghĩa là ta chấp nhận cái sai sót, thiếu sót lần đầu. Bởi vì các quan hệ kinh tế rất phức tạp, một người đâu thể nhìn nhận hết được. Cho nên, tôi ủng hộ quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.
Nếu anh gây thiệt hại về kinh tế, anh đền bù kinh tế chứ không nhất thiết bắt anh phải ngồi tù; chỗ nào quy định phạt gấp 2 - 3 lần thì cứ phạt. Có như thế, anh em cũng mới dám mạnh mẽ làm.
Còn nếu việc thể chế hóa Kết luận 14 vướng mắc về cơ sở pháp lý khi phải có những quy định vượt luật, trái luật thì tôi ủng hộ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm. Nghị quyết của Quốc hội sẽ mở ra cơ chế, còn sau đó Chính phủ có thể cụ thể hóa là phù hợp.
* Có ý kiến nói rằng để cán bộ dám nghĩ, dám làm, không còn né tránh, đùn đẩy thì cái thiếu không hẳn là cơ chế mà thiếu những người lãnh đạo thực sự dám nghĩ, dám làm, dám bảo vệ cán bộ của mình "xé rào" vì lợi ích chung?
Đúng là vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Tôi nói thẳng vào lĩnh vực đầu tư công chẳng hạn. Một mình ông chủ tịch UBND tỉnh không thể quyết hết được. Quan trọng là bộ phận tham mưu có chịu làm không. Bộ phận này do không móc ngoặc được nên không làm, rồi đổ cho nhiều cái khách quan, lý do này lý do nọ để không làm, chứ không phải do ông chủ tịch không làm.
Do đó, người lãnh đạo bây giờ phải có bản lĩnh chính trị, đồng thời phải có chuyên môn sâu thì mới giải quyết được chứ ngồi phòng lạnh chờ người ta báo cáo thì không giải quyết được việc gì. Lãnh đạo phải ra ngoài quan sát, nghe nhiều kênh thông tin rồi mới nghe tham mưu xem đúng bao nhiêu phần trăm.
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)