Lịm rồi một giọng ngâm thơ...

18/08/2022 08:41 GMT+7

Trong giới nghệ sĩ ngâm thơ vốn khá ít ỏi ở TP.HCM, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Vân Khanh nổi lên như một người anh đầy bản lĩnh, sôi nổi nhiệt tình. Vậy mà giờ đây giọng ngâm ấy đã lịm dần và vụt tắt.

Tôi quen biết anh Vân Khanh đã hơn 20 năm từ dạo còn “sinh hoạt bên ly bia” ở CLB Nghệ Sĩ (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM), ở đó hầu như lúc nào cũng quy tụ nhóm nghệ sĩ gốc Huế: Châu Kỳ, Tô Kiều Ngân, Trương Minh Dũng, Võ Ngọc Lan, Hồ Đắc Thiếu Anh, Trụ Vũ, Song Nguyên, Vũ Ban, Vân Khanh, Bảo Cường, Cao Quảng Văn... Phải nói rằng bàn nào có mặt anh Vân Khanh là nơi đó sôi nổi hẳn, bởi có chút hơi men là anh “thao thao bất tuyệt”, anh vừa là hoạt náo viên vừa trổ tài ngâm những bài thơ đã trở thành danh tác hoặc anh ứng tác thơ tại chỗ tùy theo diễn biến trong bàn. Giọng ngâm trầm ấm, rặt âm sắc Huế của anh dường như được hơi men đưa đến cảnh giới “nhập đồng” nghe hay đến rùng minh và những câu thơ ứng tác rất hài hước của anh như: “Ngày xưa ta ở trên trời/Do không biết nhậu (nên trời) đày xuống đây/Xuống đây ta uống cho say/Xơ gan cổ trướng (thì) lại bay lên trời” khiến ai nấy cười rần rần tán thưởng...

Vân Khanh và phu nhân

t.l

Từ chỗ quen biết này, tôi thường được tham dự các chương trình văn nghệ của CLB Hương Việt (do anh Vũ Ban làm chủ nhiệm) hoặc ở CLB Thơ ca Phú Nhuận (do chính Vân Khanh làm chủ nhiệm), hầu như lúc nào Vân Khanh cũng diện com-lê cà vạt, chững chạc trong vai trò MC hoặc cất giọng diễn ngâm trong tiếng sáo dìu dặt của Song Nguyên hay của Bảo Cường. Dẫn chương trình lưu loát, ngâm thơ xuất thần cho nên dù xuất hiện trên truyền hình, trên các sân khấu lớn nhỏ, họp mặt bạn bè, tiệc cưới, tân gia, thôi nôi... thì Vân Khanh vẫn là tâm điểm của sự chú ý. Tôi cũng may mắn được đi cùng anh, các nghệ sĩ diễn ngâm khác, gồm các anh chị: Đoàn Yên Linh, Hồng Vân (tam ca Đông Phương), Thúy Vinh, Mai Hiên... đi diễn thiện nguyện ở các ngôi chùa vùng sông nước miền Tây. Trên xe, lúc nào cũng không ngớt những tràng cười vì những mẩu chuyện tiếu lâm cùa anh và chị Hồng Vân...

Nhiều lúc Vân Khanh rủ tôi đi “bổ sung vitamin C” (anh rất hảo món này), khi đã “chén chú, chén anh” - anh tâm sự về cuộc đời mình: tên thật là Nguyễn Văn Khánh, trên giấy tờ ghi năm sinh 1945 nhưng tuổi thiệt sinh 1944, ở làng Mỹ Á, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Thuở ấu thơ gia đình anh nghèo lắm, cha mẹ phải gửi anh vào Huế học trường Dục Anh (một dạng cô nhi viện), tự biết gia cảnh của mình anh ráng sức học, may mắn cũng qua được bậc trung học. Năm 1965, Vân Khanh quyết định vào Nam và thi khóa đầu tiên vào Trường Sư phạm Cộng đồng Tân An (Long An). Ra trường, anh làm giáo viên tiểu học ở Cam Ranh (Khánh Hòa), sau đó anh dự khóa tu nghiệp sư phạm (khoa Văn, trực thuộc Viện Đại học Đà Lạt) để rồi về Sài Gòn dạy môn Quốc văn ở các trường trung học Nguyễn Thái Học và Thủ Thiêm. Chính nhờ dạy văn nên anh yêu thích thơ ca rồi tập tành ngâm thơ từ các bậc đàn anh, đàn chị như Trần Thị Tuyết, Đinh Hùng, Tô Kiều Ngân, Quách Đàm, Hồ Điệp, Thái Hằng, Giáng Hương, Châu Loan... thường được radio phát sóng trên các chương trình Tao đàn của Sài Gòn, Ngâm thơ của Huế và Tiếng thơ của Hà Nội.

Vân Khanh ở Nhật Bản

t.l

Từ những kỹ năng diễn ngâm ban đầu, Nguyễn Văn Khánh mon men đi vào thế giới thơ ca Sài Gòn, anh lấy nghệ danh là Vân Khanh, rồi được cụ Bửu Lộc (1911-1986) một nghệ sĩ bậc thầy về nghệ thuật đàn ca Huế nhận làm con nuôi và nghệ sĩ Tô Kiều Ngân dẫn dắt thêm nên Vân Khanh ngày càng chững chạc, tự tin trong phong cách biểu diễn. Những bài thơ anh ưa diễn ngâm là: Thề non nước (Tản Đà), Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Nguyệt cầm (Xuân Diệu), Hồ trường (Nguyễn Bá Trác dịch), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Đôi mắt người Sơn Tây (Quang Dũng), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Một mùa đông (Lưu Trọng Lư), Tràng giang (Huy Cận), Tương tư (Nguyễn Bính), Thời hoa đỏ (Thanh Tùng), Tạm biệt Huế (Thu Bồn), Từ cánh bay chim Lạc (Trần Mạnh Hảo)...

Không chỉ ngâm thơ, Vân Khanh còn làm thơ (anh là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM). Tính đến nay anh đã có 5 tập thơ được xuất bản: Hồn Huế vẫn đây (2015), Huế tìm trong mắt em (2016), Tiếng thời gian (2018), Lời của lá (2019) và Những hoàng hôn ký ức (2000). Là người con xứ Huế nên dù sống ở phương Nam hồn thơ của anh luôn đau đáu nhớ về quê hương. Đọc thơ anh sẽ thấy anh dành cho Huế một tình cảm - phải nói là “đắm đuối”. Tuy vậy, Sài Gòn cũng có lúc làm tâm hồn chàng thi sĩ thăng hoa bay bổng: “Mỗi lần tà áo bay lên/Hai làn mỏng mảnh bắt đền không gian/Mắt tôi rơi giữa ngỡ ngàng/Đường cong giông bão bàng hoàng hồn tôi/Nhẹ như một tiếng lá rơi/Mà sao động đậy một thời ca dao”(Hôm nay ra phố Sài Gòn).

Năm 2019, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ Nhân Ưu tú ở lĩnh vực diễn ngâm. Đó cũng là sự đánh giá tích cực về người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến suốt 60 năm cho nghệ thuật diễn ngâm.

Hôm nay, giọng ngâm thơ ấy đã trút hết cho đời như một sự trả ơn. Xin vĩnh biệt người anh thân thiết. Anh đi thanh thản nhé!

NNƯT Vân Khanh từ trần lúc 11 giờ 45 ngày 17.8 thọ 79 tuổi. Linh cửu quàn tại tư gia số 85/1 Nguyễn Phi Khanh Q.1, TP.HCM. Động quan lúc 13 giờ ngày 21.8, an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.