Linh hoạt… gây khó

22/10/2021 04:44 GMT+7

Lâu nay, chữ “linh hoạt” được hiểu là sự ứng biến một cách nhanh chóng cũng như điều chỉnh kịp thời trong việc thích nghi với hoàn cảnh mới , những khó khăn của cuộc sống.

Tất nhiên, sự ứng biến đó bao gồm cả siết chặt lẫn nới lỏng. Nhưng lâu nay, đối với việc áp dụng các quy định hành chính, thì chữ “linh hoạt” thường được hiểu theo nghĩa tích cực là nhằm tạo điều kiện để người dân thuận lợi hơn trong việc thực thi các quy định này. Thế nhưng, cách mà nhiều địa phương đang “linh hoạt” trong việc phòng chống dịch theo các chỉ thị mới lại khiến người dân, dư luận không khỏi bức xúc.

Hơn 10 ngày trước, ngày 11.10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt. Bộ Y tế cũng đã ban hành thêm hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế cho Nghị quyết 128.

Thế nhưng, từ đó đến nay, dù đã hơn 10 ngày thì tình trạng bất nhất trong việc áp dụng Nghị quyết 128 vẫn tồn tại ở các cấp chính quyền. Ví dụ, hướng dẫn của Bộ Y tế đã quy định: Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch cấp độ 3.

Quy định rõ như thế, nhưng dù TP.HCM từ hôm qua đã đạt cấp độ 2 (vàng) sau một thời gian ở cấp độ 3 (cam), thì những ngày qua vẫn có một số địa phương quy định người về từ TP.HCM phải xét nghiệm theo định kỳ.

Mọi chuyện có lẽ bắt nguồn trong việc Nghị quyết 128 cho phép các địa phương “linh hoạt” áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Và kết quả là sự “linh hoạt” ở đây dường như đã trở thành cái lý để đặt thêm rào cản - dù nghị quyết cũng có nêu rõ trong quy định về đi lại là: “Đảm bảo không trái với quy định của T.Ư, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”.

Chính vì thế, cách mà một số địa phương đang “linh hoạt” với Nghị quyết 128 không chỉ trái tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, mà còn bất nhất với cả hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế. Cứ thế, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin từ TP.HCM và một số tỉnh phía nam khi về đến các địa phương vẫn phải “cách ly tại nhà đủ 7 ngày”. Có địa phương thì “uyển ngữ” bằng khái niệm “tự theo dõi sức khỏe” mà bản chất gần như chẳng khác biệt với “cách ly tại nhà”.

Thực tế, Nghị quyết 128 đưa ra nhằm nỗ lực hồi phục kinh tế, song hành cùng việc phòng chống dịch. Nhưng kinh tế cả nước làm sao có thể phục hồi khi mỗi tỉnh thành áp dụng một kiểu, dẫn đến gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa lẫn việc đi lại của người dân. Cứ thế, bao nhiêu nỗ lực cùng hàng chục ngàn tỉ đồng đổ ra để tiêm phủ vắc xin cho người dân để làm gì?

Tất cả dường như phản ánh tình trạng nhiều lãnh đạo địa phương vẫn chưa từ bỏ tư duy chống dịch “zero Covid” - vốn đã không còn phù hợp tình hình chung. Điều này cần phải được chấn chỉnh một cách nghiêm khắc, không chỉ để đảm bảo kỷ luật hành chính, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, mà quan trọng hơn là sớm đưa kinh tế hồi phục sau những đứt gãy do tình hình dịch bệnh phức tạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.