Linh hoạt lựa chọn giữa ưu tiên phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội

11/08/2021 11:50 GMT+7

Chính phủ khẳng định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 nhưng cần linh hoạt, có ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ khẳng định bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, không cứng nhắc để tùy từng thời điểm, từng nơi mà lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế -  xã hội.

Chủ động thích ứng với dịch kéo dài

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nhấn mạnh như vậy khi trình bày báo cáo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại phiên họp trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương diễn ra vào sáng 11.8. 
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nêu lên những quan điểm lớn trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 trên nguyên tắc linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ động xây dựng giải pháp khả thi thích ứng với bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, coi nội lực là yếu tố cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, cần thiết, đột phá.
Tăng cường đổi mới, sáng tạo, có cách tiếp cận mới, tạo đột phá trong bối cảnh mới. Tập trung tháo gỡ khó khăn về thể chế theo hướng cấp nào ban hành cấp đó phải tháo gỡ, vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; tổng kết, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo.

Tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020

Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế; kiên quyết không để xảy ra khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Các mục tiêu cụ thể trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 gồm 23 chỉ tiêu; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt hơn 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn 42%.
Để hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra, Chính phủ xác định 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đầu tiên là quyết tâm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết; kiên định mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Hai là củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Ba là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Bốn là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách hiệu quả.
Năm là đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là hạ tầng kinh tế và hạ tầng văn hóa, xã hội; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia. Sáu là thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.