'Giả sử có vì công trình trùng tu mà ngã xuống tôi cũng rất là vui vì tôi chết trong bổn phận của mình', vị linh mục nói.
Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn còn được người dân TP.HCM và du khách gần xa biết đến với tên gọi Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Đây là công trình có ý nghĩa kiến trúc, nghệ thuật, một trong những biểu tượng khi nhắc đến TP.HCM.
Bên trong công trình đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Bắt đầu cuộc đại trùng tu từ ngày 1.7.2017, Giáng sinh 2023, nhà thờ 143 năm tuổi rực sáng bởi dàn đèn treo dọc giàn giáo cao 60 m cùng ngôi sao giáng sinh dài 6 m. Tổng chiều dài của dàn đèn led lên đến con số 80.000 m bởi để tạo nên dàn đèn rực rỡ nói trên, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn phải dùng đến hơn 1.000 sợi đèn led.
Ở độ tuổi đáng lẽ ra được nghỉ hưu, nhưng linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vẫn dành trọn tâm huyết cho cuộc đại trùng tu có "một không hai này". Mong ước của vị linh mục chỉ là sức khỏe để hoàn thành được công trình.
"Tôi sống chết với công trình này"
Chúng tôi gặp linh mục Hồ Văn Xuân đúng 2 ngày trước lễ Giáng sinh. Vị linh mục tóc bạc trắng, cầm chiếc dù chống xuống đất dẫn chúng tôi tham quan bên trong công trình đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Linh mục cho biết, ngày 1.7.2017, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn bắt đầu cuộc đại trùng tu, tới nay đã gần 7 năm. Công trình hoàn thành phần mái ngói với 3 phần: vùng mái cao nhất là ngói Tây, vùng mái trung gian là ngói vẩy cá và vùng mái thấp nhất là ngói âm dương.
Tuy nhiên, phần mái ngói âm dương chưa dỡ giàn giáo ra được vì đang chờ thanh thép đặc biệt được đặt hàng tại Công ty Alain De Mulder NV (Bỉ). Sau khi lợp ngói xong, bên trong nhà thờ không còn bị dột. Linh mục Hồ Văn Xuân đánh giá, trùng tu mái ngói như vậy mới hoàn thành chứ chưa hoàn thiện vì hệ thống máng xối làm chưa xong.
"Chúng ta phải chờ trùng tu 2 tháp chuông và 2 tháp kẽm xong, tới cuối năm 2024, đơn vị của Bỉ qua làm hệ thống máng xối bằng kẽm nguyên chất mới hoàn thiện được. Thay những viên gạch hư từ trên xuống có một quy trình, kỹ thuật đặc biệt, chứ không thể tháo ra làm ào ào. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm", linh mục chia sẻ.
Hạng mục trùng tu mái ngói hoàn thành, nhưng chưa hoàn thiện vì còn chờ thi công máng xối
Độc Lập
Dự kiến tới cuối năm 2024, cuộc đại trùng tu mới xong 2 tháp chuông, 2 tháp kẽm. Nếu đúng tiến độ, có thể vào tháng 4.2024, đơn vị thi công lợp mái kẽm đầu tiên ở phía Trường Hòa Bình.
Để phục vụ cuộc đại trùng tu, vị linh mục đã mua giàn giáo tại Đức, sau đó nhờ chuyên gia châu Âu sang lắp đặt 3 tháng mới xong thì công trình trùng tu phải dừng 2 năm vì dịch Covid-19. Nhờ giàn giáo này, đơn vị trùng tu tiếp cận được nóc nhà thờ và phát hiện hư hại của 2 tháp chuông, 2 tháp kẽm là rất nặng nề. "Lúc đầu thấy hư mà tôi thấy nản luôn", linh mục nói.
Chiều cao của nhà thờ tương đương tòa nhà cao 22 tầng, thang máy được chế riêng cho công trình có thể lên được đến tầng 17, còn lại di chuyển bằng thang bộ. Tại tầng 17 - đỉnh của tháp chuông và chân của tháp kẽm, kỹ sư, công nhân tỉ mỉ với công việc.
Sau khi hoàn thành, giá treo chuông sẽ chịu được lực của dàn chuông 28,5 tấn và bảo đảm có thể sử dụng được hàng trăm năm nữa.
"Tôi nói nhiều lần trong nhà thờ công khai rằng: Tôi là linh mục, tôi vâng lời bề trên, bề trên muốn cho tôi thực hiện việc này vì ích lợi của giáo hội và của cả xã hội nữa. Tuổi tôi năm nay là tuổi nghỉ hưu, tôi 76 sắp bước vào tuổi 77 tuổi rồi nhưng mà Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng nói cha Tổng không nghỉ hưu được, bây giờ cha nghỉ hưu thì ai làm nhà thờ Đức Bà. Thành ra tôi cố gắng làm việc này cho tới hoàn thành, không biết lời Chúa gọi ngày nào thì mình dạ thôi, nhưng tôi mong sức khỏe. Tôi sống chết với công trình này, giả sử tôi có vì công trình trùng tu này mà ngã xuống tôi cũng rất là vui vì tôi chết trong bổn phận của mình", linh mục Hồ Văn Xuân kể.
Đại trùng tu còn rất nhiều việc
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, công trình hoàn thành khoảng 50%, còn rất nhiều việc phải làm. Có thể kể đến như chiếc đồng hồ cổ trước vòm mái cách mặt đất khoảng 21 m, ở giữa 2 tháp chuông được chế tạo tại Thụy Sĩ năm 1887, hiệu R.A, cao 2,5 m, dài 3 m và ngang 1 m, nặng hơn 1 tấn đến hiện tại đã hư, không sử dụng được.
Cây đàn organ ống đặt trên "gác đàn" – một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam hiện nay được các chuyên gia nước ngoài làm thủ công, thiết kế riêng để khi đàn, âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe mà không cần hệ thống âm thanh giờ cũng hư nát.
Bên cạnh đó, gạch trang trí nhà thờ có những viên bị hư hỏng đòi hỏi đội ngũ thi công phải tỉ mẩn thay từng viên. Chị Ngô Thị Phương Thanh, Giám đốc Công ty Eurohaus Haustechnik cho hay, từng viên gạch được đặt làm handmade tại Đức. Nhà sản xuất đã chọn nguyên liệu để gạch đỡ bị phá hủy bởi ô nhiễm môi trường, khi tương tác với ron gạch không bị vôi hóa trắng bề mặt.
Từng hạng mục được thi công tỉ mỉ, trau chuốt với vật tư nhập từ châu Âu
Độc Lập
Tại tầng 10 của công trình, một nhóm công nhân đang đục từng viên gạch bị hư hỏng để thay bằng gạch mới. Điều khiến chúng tôi ấn tượng là những mảng xi măng được đục ra từ ron gạch được công nhân tỉ mỉ bốc tay, để gọn vào bao, hạn chế tối đa bụi bay ra ngoài.
Chị Thanh bộc bạch: "Cha Xuân luôn lựa chọn giải pháp tốt nhất cho tất cả các hạng mục. Con người, vật liệu xây dựng mà cha Xuân chọn có thể nói là tinh hoa châu Âu. Tôi rất ấn tượng với câu nói của cha Xuân rằng: "Cha vừa là linh mục nhưng vừa là công dân thành phố, cha làm công trình này cho Tổng giáo phận, cũng là cho thành phố". Điều đó làm cho tôi thấy mến trọng. Ở tuổi này mà cha vẫn nói như vậy, làm được như vậy. Cha chăm chút mọi người thi công tại đây, bất kể anh em có đạo hay không có đạo".
Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng dự định làm lại hệ thống ánh sáng phía trong và phía ngoài để khi hoàn thiện, nhà thờ ban đêm sẽ là một trong những điểm thu hút du khách của thành phố.
Với sức chứa tối đa 1.500 người, vị linh mục còn dự định làm lại hệ thống thông gió để người dân dự thánh lễ không bị ngột ngạt, nóng bức. Những bức kính màu bị bể do chiến tranh, bom đạn đang thay tạm bằng mica sắp tới sẽ được thay bởi Công ty Ateliers Loire (Pháp).
"Những hạng mục nói nghe thì đơn giản nhưng thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh. Dự kiến cuối năm 2027 hoàn thành đại trùng tu, nhưng cuối năm 2027 không biết có thể kết thúc được không hay kéo dài hơn nữa. Tôi không nói trước được, không tính trước được", linh mục Hồ Văn Xuân nói.
Nhìn đại công trình, vị linh mục Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Đức bà kể, ông đã từng được giao nhiệm vụ xây dựng một số công trình cho Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng giáo phận TP, dù công trình có khó nhưng vẫn tính được.
Còn với trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn - công trình duy nhất ở Việt Nam trùng tu do người Pháp xây, không có kinh nghiệm, khó khăn về nhân sự, tìm tòi vật tư… linh mục phải tự đi châu Âu tìm hiểu, sàng lọc và khi ký kết được với tập đoàn Monument, ông mới thở phào vì đã đi đúng hướng.
Hơn 600 loại ốc, bu-lông được đặt gia công từ nước ngoài để phục vụ trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Độc Lập
Ông Mark Willems, Giám đốc Kỹ thuật dự án cho biết, khi công trình trùng tu bắt đầu, ưu tiên đầu tiên của dự án là phải che mái ngói để giảm hư hại do nước, môi trường. Sau đó, để xác định các hạng mục cần trùng tu, đơn vị phải cho quay 3D toàn bộ nhà thờ.
Tập đoàn Monument đơn vị trùng tu có kinh nghiệm, nhưng mỗi một nhà thờ là duy nhất, không áp dụng cái gì từ nhà thờ này qua nhà thờ kia được. Với những kỹ sư, công nhân tham gia công trình, mỗi ngày đi làm là một ngày đi học – ngày nào cũng có cái mới.
"Ngày nào đến công trình mở ra là thêm ngạc nhiên, chúng tôi vặn đầu chứ không phải nói là suy nghĩ giải pháp nữa, may mắn nhất là vẫn tìm được lời giải. Nhưng không phải lúc nào cũng nghĩ được ra ngay vì phải chọn giải pháp nào tốt nhất, phù hợp nhất. Có rất nhiều giải pháp tốt nhưng không thể thực hiện được, bất khả thi", ông Mark nói.
Tấm lòng quảng đại của bà con
Đại trùng tu nhà thờ không chỉ là sửa cho xong những hạng mục hư hỏng mà còn phải đáp ứng yêu cầu sử dụng được hàng trăm năm nữa. Đơn vị thi công phải chọn nguyên vật liệu tốt nhất, không bị tác động bởi các yếu tố môi trường, điều kiện khí hậu của Việt Nam.
Nhiều hạng mục đang chờ được trùng tu
Độc Lập
Do vậy, những vật tư đang sử dụng được dự án đặt riêng cho nhà thờ Đức Bà, ví dụ thép chủ yếu ở Đức, Bỉ, cát sạch ultibat từ Pháp cùng vữa lafarge của Pháp và vữa của Đức. Xi măng ở tháp chuông là xi măng kết cấu của Bỉ. Mái ở trên sắp tới sẽ không làm xi măng sẽ vữa, sau đó dưỡng ẩm 28 ngày để biến thành đá để bảo đảm không nứt theo thời gian.
Thời điểm nhận trách nhiệm trùng tu nhà thờ, linh mục Hồ Văn Xuân đã rất lo vì không biết tiền ở đâu để làm. Chưa hết, 2 năm Covid-19 đứt gãy vật tư, sau đó là chiến tranh Ukraine, Israel khiến vật tư tăng giá bình quân khoảng 40%.
Nhiều hạng mục phát sinh trong quá trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Độc Lập
Nhưng may mắn, từ năm 2017 tới nay công trình vẫn đang tiếp tục thi công vì tấm lòng quảng đại của bà con trong thành phố, những người ẩn danh và cả người Việt ở nước ngoài.
Vị linh mục xúc động: "Đời sống bà con có những khó khăn nhất định vì dịch Covid-19 nhưng vẫn rất thương nhà thờ, nhờ vậy tôi mới có thể thực hiện được. Có những người Việt ở nước ngoài ngày xưa đi lễ nhà thờ này hay nhớ Việt Nam, mỗi chiều thứ bảy tôi dâng lễ trực tuyến thì bên đó đều theo dõi. Thấy được, họ gửi về, có những ông bà lớn tuổi trong nhà dưỡng lão tiền thuốc dành ra lấy gửi về, có khi 100 đô la thôi. Tôi nói thôi, để uống thuốc, ông bà đừng có gửi. Nhưng họ nói không, chúng con muốn đóng góp phần rất nhỏ, tức là nhớ quê hương, nhà thờ, cho nên nhiều trường hợp cảm động lắm".
Điểm đặc biệt nữa ở cuộc đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà là vẫn cử hành thánh lễ thay vì đóng cửa hoàn toàn. Với nguyên tắc xanh - bảo vệ môi trường, các kỹ sư, công nhân thi công luôn ý thức giữ sạch trong khuôn viên và xung quanh nhà thờ.
Linh mục Hồ Văn Xuân cũng tạo mảng xanh với nhiều hoa nở rộ để bà con giáo dân, mọi người nhìn thấy dịu mát. Đặc biệt, tất cả gạch, xà bần sẽ được tái sử dụng, không thải ra môi trường. Trong đó, gạch dù hơn 100 năm nhưng còn tốt sẽ được dùng để nâng cấp sửa tòa Tổng giám mục, xà bần sẽ dùng để lót lại vỉa hè quanh nhà thờ.
Hang đá phi truyền thống mùa Giáng sinh 2023
Mấy năm trước, khi đang trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, linh mục Hồ Văn Xuân từng định trang trí Giáng sinh nhưng vì còn một số vướng mắc nên không thực hiện được. Năm nay, linh mục nghĩ phải làm điều gì không chỉ cho người có đạo, mà cho tất cả mọi người. Sau khi bàn bạc với mọi người, các hạng mục trang trí được thực hiện với chủ đề cầu cho hòa bình thế giới và môi trường xanh, sạch, đẹp.
Lợi thế của nhà thờ là có sẵn giàn giáo cao 60 m nên nhà thờ đã dùng 80.000 m đèn để giăng từ trên xuống dưới cùng ngôi sao giáng sinh 6 m. Bên cạnh đó, hang đá là phi truyền thống (không có mái) cũng được làm ở trước nhà thờ.
"Tôi lấy gạch từ công trình trùng tu, không xếp hàng ngay ngắn để lung tung vậy cho thấy hòa bình thế giới chưa có trong thực tế. Chiến tranh Israel làm nhiều nhà cửa đổ nát, nhà cửa thành đống gạch vụn, chúng tôi để như vậy nhằm nhắc mọi người nhớ rằng, chiến tranh chỉ đem đến đổ vỡ, tan nát. Ở trong, có những tiểu cảnh tôi giăng đèn hết nhưng có những cái không có đèn để cho thấy trên thế giới, ánh sáng tràn ngập nhưng có những vùng vẫn còn tối tăm do chiến tranh, hận thù, do kỳ thị. Tôi làm để mọi người đều có thể chiêm ngưỡng được chứ không riêng gì người có đạo", linh mục chia sẻ.
Gần 7 năm miệt mài tâm huyết với cuộc đại trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn – di tích tôn giáo đặc sắc về kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật có một không hai của Giáo hội Công giáo Việt Nam, linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân vẫn luôn nói, đây là công việc vô cùng khó khăn và hết sức phức tạp.
Tới nay, cuộc đại trùng tu có thể kéo dài hơn dự kiến, linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân chỉ mong đủ sức khỏe để hoàn thành công trình.
Giữa Vương cung Thánh đường đầu tiên của Việt Nam, bóng dáng vị linh mục tóc bạc trắng nhìn thẳng về phía Thánh giá và những họa tiết chuẩn bị cho đêm Giáng sinh khiến nhiều người lại bồi hồi, cảm phục vì tâm huyết ông dành cho công trình này…
Bình luận (0)