Sáng nay (14.1), chúng tôi ghé xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất Mỹ thuật Văn Tòng (quận 12, TP.HCM) để tham quan quy trình thực hiện những con linh vật của đường hoa Nguyễn Huệ 2021.
Linh vật của đường hoa năm Tân Sửu là con trâu, được dân gian gọi thân thương là “bạn của nhà nông”.
"Chắn" ngay giữa cổng ra vào của nhà xưởng là hàng trâu xốp - hình thô của những linh vật đang chuẩn bị được các nghệ nhân hoàn thiện.
|
Nghệ nhân Văn Tòng, Giám đốc Công ty, cho biết đơn vị này được giao thực hiện 60 con trâu làm linh vật của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay. Những chú trâu này được làm bằng chất liệu xốp mút. Tuy nhiên, chất liệu này có nhược điểm là dễ vỡ nên trước khi làm, các nghệ nhân phải qua bước xử lý là dán vải hoặc ép plastic để có thể bảo quản được vài tháng trong điều kiện ngoài trời.
|
Để hoàn thiện đàn 60 con trâu này, cơ sở của nghệ nhân Văn Tòng phải huy động hơn 40 nhân sự, bắt tay vào làm việc từ cách đây khoảng 2 tháng, đến nay đã đạt được khoảng 70% tiến độ. Theo dự kiến, tất cả những linh vật này sẽ được hoàn thiện và chuyển tới trưng bày tại đường hoa Nguyễn Huệ trong 10 ngày nữa.
|
Những chú trâu lớn, tinh xảo này được đặt ở vị trí trung tâm, đại cảnh nên được "chăm chút" kỹ hơn bằng cách phủ lớp lá sen thật trước khi tô màu.
|
"Cái khó nhất là làm sao để điêu khắc cho con trâu có duyên, có hồn. Từ chất liệu phải tốt, sơn nước phải tốt, có dầu bóng cũng như từng chi tiết con trâu phải được điêu khắc cẩn thận, chi tiết nhất để linh vật trở nên tinh xảo, sinh động, khác với những chú trâu khác", nghệ nhân Văn Tòng nói.
|
Nhà thiết kế năm nay có ý tưởng làm một đàn trâu, sinh động, khỏe khoắn để hợp với chủ đề “TP.HCM: Văn minh – Hiện đại – Nghĩa tình” nhưng cũng hiền lành như hình ảnh văn hóa đồng quê Việt Nam yên bình.
Đặc biệt, 1 trong 4 điểm nhấn của đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là tiểu cảnh mùa len trâu, một đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ Nam bộ, dựng lên không gian cầu và nước mát mẻ, hài hòa, vừa mang màu sắc hiện đại, vừa lưu giữ nét truyền thống thân thuộc của làng quê. Do đó, những chú trâu này cũng phải được xử lý, thêm lớp nhựa đường chống nước để có thể "hoàn thành nhiệm vụ".
|
Một nghệ nhân tại xưởng cho biết mọi năm, các mô hình được làm bằng xốp thường, năm nay sử dụng xốp tốt hơn, mịn hơn, có thêm bê tông để các mô hình trở nên cứng cáp hơn.
|
Gần 1 tháng trở lại đây, các nghệ nhân tại xưởng Văn Tòng đã phải tăng ca làm tới 9 - 10 giờ đêm để "chạy nước rút", kịp hoàn thành tiến độ
|
Hình ảnh bánh chưng, hoa mai... những đặc trưng ngày tết chắc chắn không thể thiếu trong tổng thể đường hoa
|
Từng chi tiết nhỏ nhất cũng được các nghệ nhân làm gia công tỉ mỉ, chăm chút
|
Với không gian bên ngoài rộng lớn hơn, xưởng sản xuất mô hình tại Khu
Du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) là nơi tập kết những vật liệu để thực hiện các công đoạn liên quan cơ khí
Các nghệ nhân, kỹ sư "luôn tay" không ngưng nghỉ từ 7 giờ sáng tới gần giữa trưa
|
Tre, nứa, cừ tràm... được tập trung hết về xưởng này
|
Một nghệ nhân đang hoàn thiện mô hình chiếc xuồng bằng nứa
|
Mô hình những trái sung, biểu trưng cho sự sung túc đang được bọc lưới cẩn thận để giữ chắc chắn, cố định hình dáng
|
Một số con trâu đặc sắc nhất sẽ được dán bằng vỏ cừ tràm để "lớp da" trở nên sinh động, thật hơn, tinh xảo hơn
|
Những công đoạn đòi hỏi độ tỉ mỉ rất cao nhưng không quá khó khăn đối với các nghệ nhân đã có nhiều chục năm kinh nghiệm trong nghề
|
Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 là đường hoa thứ 18 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TP.HCM, kể từ lần đầu tiên vào năm 2004. Công trình do UBND TP chỉ đạo, với sự chủ trì thực hiện của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) phối hợp với các sở, ban ngành, cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19 giờ ngày 9.2 đến 21 giờ ngày 15.2.2021 (tức từ 28 tháng Chạp âm lịch đến mùng 4 Tết). Thời gian thi công sẽ diễn ra từ ngày 25.1 - 16 giờ ngày 9.2.2021 (tức từ ngày 13 - 28 tháng Chạp năm Canh Tý).
Bình luận (0)