NỖI LO "LÁ MÙA THU" BAY THEO GIÓ
Ông bầu trẻ Gia Bảo là người đứng ra tổ chức hầu hết những live show này. Gia Bảo thuộc gia tộc cải lương Thanh Nga nên anh mang một tâm sự đặc biệt. Anh nói: "Tôi muốn giữ lại hình ảnh của những cô chú bác nghệ sĩ lão thành, đặc biệt những vị đã từng cộng tác với đoàn Thanh Nga. Nhiều người trong số đó tôi phải gọi bằng ông, bà, nghĩa là tuổi đã rất cao, như lá mùa thu không biết lúc nào bay theo gió. Có người vẫn còn nhưng sức khỏe ngày càng yếu dần, không hát nổi. Vì vậy tôi cuống quýt tổ chức, mong khán giả còn dịp hội ngộ với những nghệ sĩ mình từng yêu mến".
Và những live show của nghệ sĩ Hồng Nga, Bảo Quốc, Thanh Hằng, Minh Cảnh… đã được tổ chức chu đáo. Ngoài ra còn có những vở cải lương xưa được tái dựng như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Đời cô Lựu, Lan và Điệp đã quy tụ được rất nhiều nghệ sĩ "thế hệ vàng" như Phượng Liên, Ngọc Giàu, Chí Tâm, Minh Vương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Tú, Thanh Sang, Bích Hạnh, Thanh Tuấn, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Kiều Mai Lý… Những nghệ sĩ này cũng có mặt trong các live show của đồng nghiệp như một kỷ niệm với nhau. Sau Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa không lâu thì NSƯT Thanh Sang đã ra đi vĩnh viễn; NSƯT Thanh Kim Huệ cũng từ giã cõi đời ngay sau Lan và Điệp, may mà khán giả vẫn còn kịp trông thấy họ tỏa sáng trên sân khấu lần cuối. Hoặc sau live show Hồng Nga thì bà đã bị giảm trí nhớ trầm trọng do bệnh của người già, chắc không còn có thể đứng trên sân khấu được nữa. Chính vì vậy Gia Bảo càng có thêm động lực để tổ chức.
Và đó cũng là lý do khán giả hối hả mua vé. Giá vé cao nhất mỗi show là 2 triệu đồng, nhưng chỉ khoảng 10% ghế có mức giá này, còn lại chỉ ở mức trên dưới 1 triệu. So với vé ca nhạc của một ca sĩ trong nước cũng 2-3 triệu đồng, thì vé cải lương chẳng ăn thua gì. Trong khi đó, ông bầu phải mua vé máy bay và tiền khách sạn cho các nghệ sĩ ở nước ngoài về, có khi lo luôn dịch vụ visa cho nghệ sĩ, rồi đầu tư tập tuồng, thiết kế sân khấu… Vì thế, có khi lãi mà cũng có khi lỗ. Nhưng Gia Bảo nói: "Tôi đi diễn nơi khác bù vào. Tôi vẫn vui vì mình giữ được hình ảnh người xưa, tiền bạc nào so sánh nổi". Rõ ràng đã có nỗ lực rất lớn chứ không phải chỉ chăm chăm kiếm tiền.
KHÁN GIẢ XEM TRONG HOÀI NIỆM
Thực tế các nghệ sĩ "thế hệ vàng" đều ở tuổi trên dưới 70, thậm chí nghệ sĩ Minh Cảnh đã 86 tuổi, nên họ không thể ca diễn như thuở thanh xuân, nhan sắc cũng phai tàn. Điều may mắn là đa số vẫn còn giữ được giọng ca khá tốt, cất giọng lên khán giả vẫn xuýt xoa. Tuy nhiên về sức diễn thì giảm sút khá nhiều, thành ra ông bầu luôn chọn những vở tuồng hoặc trích đoạn nào có thể giảm bớt áp lực cho nghệ sĩ. Nhưng tốt nhất vẫn là chen các gương mặt trẻ vào, vừa gánh bớt cho đàn anh, vừa tạo mối liên kết với khán giả, vì trong số người mua vé vẫn có người trẻ, và họ cũng ái mộ nghệ sĩ tài năng thuộc thế hệ sau, chẳng hạn như Trọng Phúc, Tú Sương, Trinh Trinh, Tấn Beo, Chí Linh, Hồng Loan, Cẩm Ly, Linh Tâm, Hồng Đào, Hữu Châu, Thành Lộc, Hữu Quốc, Kim Tử Long, Bình Tinh, Võ Minh Lâm, Vũ Luân, Phượng Loan…
Và cảm động hơn cả là khán giả không hề đòi hỏi cao ở những thần tượng của mình. Họ vẫn thấy nghệ sĩ đẹp theo kiểu khác, đẹp trong hoài niệm, trong ký ức. Chỉ cần trông thấy mặt nhau là đủ rồi, dù người xưa có già, có yếu, có phôi pha. Mà nghệ sĩ càng già thì khán giả lại càng thương. Họ thừa biết Minh Cảnh phải tranh thủ ngồi mà ca diễn chứ không đứng lâu nổi, họ cũng biết Hồng Nga đang diễn mà quên mất câu thoại phải nhờ Tú Sương đỡ lời và "gánh" luôn, họ cũng thông cảm với Thanh Sang khi ông không thể đi đứng nhanh nhẹn, hoặc Ngọc Giàu phải ngắt câu vọng cổ ra làm nhiều đoạn thì mới đủ hơi ca…
Tất cả đều không làm lung lay ký ức về tài năng tuyệt đỉnh của nghệ sĩ, không làm lung lay tình cảm của khán giả dành cho thần tượng. Vài chục năm hào quang đã rực rỡ, giờ chỉ còn vài tiếng đồng hồ gặp mặt nhau nơi sân khấu, còn chút nắng hoàng hôn nào lóe lên thì đã mừng rồi, quan trọng nhất là chữ "tình" chứ không đòi hỏi gì thêm. Tình tri âm giữa người hát - người nghe, tình tri ngộ giữa đôi bên vì khán giả cũng đâu còn trẻ nữa, đa số đã bước qua tuổi 50, 60, 70 thì có khác gì người đang đứng trên sân khấu. Thậm chí nhiều giọt nước mắt đã rơi khi thấy nghệ sĩ mình yêu mến bước đi vất vả.
NSƯT Bảo Quốc đã kết một câu tận tâm can: "Không nơi đâu khán giả thương nghệ sĩ như khán giả cải lương. Chữ thương của miền Nam có ý nghĩa kỳ diệu lắm!". Vậy đó, những đêm diễn cứ tràn đầy yêu thương và nước mắt.
Bình luận (0)