Lưu giữ kỷ niệm
Ngày nay, việc dùng điện thoại thông minh để livestream, công khai hình ảnh trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Hình ảnh dễ bắt gặp nhất có lẽ là livestream trong những bữa tiệc, họp mặt ngày tết.
Bà L.T.H. (ngụ tại xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết bên cạnh bữa tiệc, họp mặt ngày tết, việc livestream còn là một thói quen mỗi khi dự đám cưới, đám giỗ, sinh nhật… Nhiều khi, vừa ăn cổ, bà vừa cầm điện thoại cả tiếng đồng hồ để livestream, chịu khó đi tới đi lui nhiều chỗ để tương tác. Người xem nhiều, bình luận nhiều cũng là một niềm vui nho nhỏ.
"Không khí vui tươi, tôi muốn chia sẻ đến mọi người cùng cảm nhận. Có nhiều người không có mặt tại đó, họ sẽ quan tâm và thích xem. Tôi nghĩ điều này không ảnh hưởng tới ai, vì tôi quay chung chung cả bàn tiệc và sử dụng điện thoại của mình", bà H. nói.
Theo anh V.T.N (24 tuổi, xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang), những gì xảy ra rồi thì không thể tái hiện lại được. Cho nên việc livestream có ý nghĩa lưu giữ kỷ niệm thông qua phương tiện mạng xã hội. "Nhiều lúc bà con, dòng họ ở xa không đến chung vui được, thấy livestream sẽ biết được phần nào không khí mà tôi đang trải nghiệm. Trong livestream thì tôi cũng trả lời bình luận, chia sẻ những điều vui tươi thôi nên không nghĩ là ảnh hưởng gì tới ai", anh N. bộc bạch.
Có ảnh hưởng đến người khác?
Thực tế, dù ghi lại không khí vui tươi, nhưng việc livestream không hoàn toàn mang lại sự hài lòng cho cả mọi người. Không ít trường hợp, người cầm điện thoại livestream thì hào hứng phấn khởi, nhưng người "bị" quay thì né tránh, lấy tay che mặt hoặc bộc lộ cảm xúc không vui, ngại xuất hiện trên mạng xã hội.
Theo chị Lưu Thị Mỹ (25 tuổi), việc livestream chỉ nên thực hiện khi mọi người có mối quan hệ thân thiết với nhau, khi tất cả đều đồng ý và cảm thấy điều đó là thú vị. Hiện, có những người livestream ngẫu hứng, cho dù trong bàn tiệc họ chỉ quen với 3 - 4 người, còn lại chỉ mới biết nhau kiểu xã giao. Trong khi đó, mỗi người là mỗi hoàn cảnh về công việc, gia đình, với những mức độ khó - dễ khác nhau. Những hình ảnh cá nhân chưa được kiểm tra, bị động chia sẻ lên mạng xã hội có thể dẫn đến những bình phẩm không hay, ảnh hưởng đến tâm lý trong cuộc sống.
Bà Lưu Kiều Loan (43 tuổi, ngụ xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang), kể có lần bà đang ăn tiệc cùng mọi người thì có người livestream, vô tư lia điện thoại, khiến bà rơi vào tình thế khó xử.
"Khi nhiều người thấy mình qua mạng xã hội, có người hỏi thăm, động viên. Song việc bị quở (hàm ý chê) nhiều hơn làm tôi thiếu tự tin, buồn hơn. Tôi nghĩ, cần phải tôn trọng người đối diện, trước khi livestream nên cân nhắc rằng cái mình thích thì không có nghĩa là người ta cũng thích để hạn chế làm mất lòng nhau", bà Loan khuyên.
Vấn đề khiến nhiều người không thích bị lọt vào livestream còn vì nó làm mất đi tính tự nhiên, thoải mái trong bữa tiệc. Theo anh Duy Hiếu (29 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ), việc livestream dễ khiến nhiều người trong bữa tiệc bị cụt hứng. Bởi hình ảnh được đưa lên mạng xã hội có rất nhiều người xem, không còn là không gian thân mật, riêng tư nữa nên người "bị quay" phải chừng mực.
"Ngày tết, mọi người thường có tâm lý chơi hết mình. Bình thường, có người làm việc với tác phong nghiêm túc, nhưng tết thì họ gác lại mọi suy tư, trút hết áp lực sang một bên để thư giãn, tận hưởng. Uống vài ly bia chúc mừng nhau năm mới rồi phiêu theo những bản nhạc sôi động. Hình ảnh này nếu đưa lên mạng xã hội hẳn là không hay ho lắm, nên nếu có người livestream thì người ta sẽ rất ngại, bữa tiệc kém vui ngay", anh Duy Hiếu bộc bạch.
Cần hiểu biết về luật khi livestream
Theo luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn luật sư TP.Cần Thơ), cần phải có sự hiểu biết tối thiểu về luật khi livestream, bởi thực tế đã có nhiều bất cập và rủi ro phát sinh. Trường hợp xâm phạm đến quyền cá nhân liên quan thì có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý.
Về việc livestream ở những buổi tiệc, đôi khi những người bị quay lại không hài lòng và không khéo, điều này đã xâm phạm đến quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác nếu xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của người đó thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định thêm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó đồng ý.
Luật sư Thăng cho biết, Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Không những vậy, việc sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng, được quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Nặng hơn, người đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 về tội làm nhục người khác, Điều 156 về tội vu khống hoặc Điều 288 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bình luận (0)