Livestream kích cầu tiêu thụ nông sản

28/09/2023 13:52 GMT+7

Các hoạt động livestream quảng bá, tiêu thụ nông sản, đặc sản trên các nền tảng mạng xã hội đang là xu hướng được nhiều địa phương áp dụng trong mỗi vụ thu hoạch, nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích cầu thị trường.

Chốt hàng nghìn đơn mỗi buổi livestream

Ngày 12.8 vừa qua, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với T.Ư Đoàn tổ chức chương trình livestream giới thiệu nhãn Sông Mã đang vào mùa thu hoạch, kết hợp bán nhiều loại đặc sản như: tỏi đen, thịt trâu gác bếp, mật ong... Sau 4 giờ với 12 phiên livestream trên các nền tảng khác nhau, đã có 2.350 đơn hàng được chốt mua gồm 5 tấn nhãn và nhiều nông sản khác, tổng trị giá trên 500 triệu đồng.

'Mượn' livestream để kích cầu tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Các thành viên nhóm livestream nông sản Thái Nguyên liên tục tổ chức livestream trên các nền tảng mạng xã hội để kích cầu tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương

NVCC

Không chỉ đem lại doanh thu trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, chương trình livestream này cũng là hoạt động tập huấn trực tiếp cho nhiều thanh niên đang có mô hình nuôi trồng, sản xuất nông sản, đặc sản tiếp cận kiến thức, kỹ năng bán hàng trên các nền tảng số.

Sử dụng các nền tảng mạng xã hội có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút nhiều người tham gia tương tác để kích cầu tiêu thụ vải thiều, thu hút khách du lịch cũng là giải pháp được tỉnh Bắc Giang áp dụng thành công trong năm nay. Ngay trước vụ thu hoạch vải, ngày 23 - 24.6, Bắc Giang đã thu hút khoảng 70 cá nhân sáng tạo nội dung trên các nền tảng Facebook, TikTok… hội tụ về vùng vải H.Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức livestream trực tiếp tại vườn vải.

Sáng 24.6, chỉ với 5 địa điểm tổ chức, 26 lượt livestream của các TikToker, đã có 5.182 đơn đặt hàng với tổng doanh thu lên tới 1,2 tỉ đồng, trong đó có khoảng 50 tấn vải thiều. Nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội, H.Lục Ngạn đã thu hút trên 120.000 lượt du khách đến tham quan du lịch, mua vải trực tiếp tại vườn.

Kích cầu tiêu thụ nông sản bằng livestream

Tại Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc, trưởng nhóm livestream nông sản Thái Nguyên, cho biết na La Hiên là nông sản nổi tiếng của H.Võ Nhai (Thái Nguyên) nhưng trước đây rất ít người biết đến, đầu ra tiêu thụ và giá cả đều bấp bênh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các hoạt động livestream, bán hàng trực tiếp trên các nền tảng xã hội trong mùa thu hoạch đã giúp na La Hiên quảng bá được thương hiệu, nâng cao giá trị và có thị trường tiêu thụ, giá cả ổn định.

"Khi chúng tôi đi khảo sát thực tế, na La Hiên loại 1 bán tại vườn giá 70.000 đồng/kg nhưng khi đưa vào siêu thị, cửa hàng hoa quả giá lên tới 120.000 đồng/kg. Sau khi tổ chức livestream, giá na tại vườn bán trong buổi livestream cũng được nâng lên 120.000 đồng/kg. Đặc biệt, nếu mua hàng ở siêu thị, cửa hàng hoa quả, khách hàng không được lựa chọn nhưng khách hàng đặt mua qua livestream đảm bảo sẽ là loại hàng to đẹp, được chính chủ vườn cam kết chất lượng, chẳng may na dập, nát khi vận chuyển sẽ được gửi bù", bà Bình nói.

Đào tạo kỹ năng bán hàng qua livestream

Cũng theo bà Bình, nhóm livestream nông sản Thái Nguyên hiện có hàng chục thành viên, đều là những tài khoản có lượng người theo dõi rất lớn trên các mạng xã hội, bán nhiều sản phẩm như mỹ phẩm, quần áo, giày dép… Khi được mời tham gia livestream giới thiệu về nông sản, đặc sản của Thái Nguyên, những người này tham gia rất nhiệt tình.

"Đằng sau mỗi tài khoản là hàng chục nghìn người theo dõi nên mục tiêu, giá trị lớn nhất là lan tỏa, quảng bá sản phẩm. Số đơn hàng bán qua livestream không nhiều nhưng khi các tài khoản đồng loạt livestream thì lượng người tiếp cận, biết đến sản phẩm rất lớn. Chúng tôi vẫn nói vui, mỗi mùa na La Hiên, chúng tôi livestream cho người dân cả tỉnh Thái Nguyên đổ về Võ Nhai, tìm đến các vườn na chụp ảnh check-in, mua na trực tiếp thì đó là giá trị kích cầu tiêu thụ", bà Bình nói.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Cảnh Trí Quân, Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn (T.Ư Đoàn), cho biết ứng dụng nền tảng số để phát triển sản xuất, kinh doanh là xu thế tất yếu; thực tế đã chứng minh hiệu quả thông qua các buổi livestream bán hàng.

Ở khu vực nông thôn, miền núi hiện nay có rất nhiều nông sản, đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, nếu thị trường tiêu thụ chỉ là chợ truyền thống sẽ không phát triển được sản xuất. Trong khi đó, các nền tảng công nghệ cho phép chủ cơ sở xây dựng, làm chủ các "chợ online" để bán hàng mọi lúc, mọi nơi, tương tác trực tiếp với khách hàng không giới hạn ở trong hay ngoài nước.

"Chúng tôi đang phối hợp với các nền tảng mạng xã hội, nhà sáng tạo nội dung số nổi tiếng, có lượng theo dõi lớn để định kỳ tổ chức các chương trình livestream kết hợp chia sẻ kỹ năng, hướng dẫn cho thanh niên khởi nghiệp tự tổ chức buổi livestream trực tiếp giới thiệu, bán hàng", anh Quân nói.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho hay sử dụng KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt - PV) cho những buổi livestream đầu tiên luôn có lượt chốt đơn, tương tác rất lớn. Nhưng các KOL không thể hỗ trợ thường xuyên, trong khi chính nông dân nếu chia sẻ, giới thiệu sản phẩm sẽ tạo ra sức hút riêng.

Điểm khó khăn là không phải nông dân nào cũng hoạt ngôn và có kỹ năng dẫn dắt buổi livestream đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn người xem. "Nếu làm cùng một nông sản nhưng nhà nhà, người người cùng lên mạng livestream sẽ không hiệu quả. Các hộ sản xuất nên tập hợp, liên kết vào các HTX, sau đó lựa chọn, đào tạo các nhân tố để livestream bán hàng chuyên nghiệp", ông Dự nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.