- LMHT: Machi e-Sports có thành viên mới là... ca sĩ
- Trận Hà Lan “tàn sát” Tây Ban Nha qua con mắt game thủ LMHT
- LMHT: Vladimir và Heimerdinger có trang phục mới
- Dự án phim Liên minh huyền thoại khởi động
Nếu như đấu xếp hạng Hàn Quốc là chốn sản sinh ra những thiên tài về kỹ thuật cá nhân với những pha xử lý rất "ảo", Châu Âu hay Bắc Mỹ lại là nơi đề cao tính kỷ luật cũng như tinh thần thép của mỗi người chơi. Vậy bạn nghĩ thế nào về đấu xếp hạng ở Việt Nam?
Cộng đồng non trẻ
Dễ làm quen, hình ảnh dễ thương là nguyên nhân giúp Liên minh huyền thoại (LMHT) trở thành tựa game thu hút nhiều người chơi nhất hiện nay. Chắc hẳn bạn chẳng lạ gì hình ảnh năm cậu nhóc tầm cấp một ngồi dàn hàng trong quán internet, cùng nhau chơi LMHT.
Hình ảnh chẳng còn xa lạ.
Nhưng chính điều này lại gây ra những hiệu ứng khá tai hại. Khi đang trong độ tuổi từ 6-12, các kỹ năng xử lý, đầu óc phán đoán, đặc biệt là tinh thần đồng đội cao cùng tinh thần chiến đấu là điều còn thiếu ở những người chơi này (không xét đến trường hợp của các thần đồng). Hệ quả là sự mất cân bằng của các trận đấu 5-5, bởi bạn không chỉ thi đấu cho bản thân mà còn cho bốn người cùng chiến tuyến nữa. Ở những trận đấu thường việc này không cần phải câu kệ, nhưng khi thi đấu xếp hạng thì vấn đề lại hoàn toàn khác.
Dù Riot Games có một hệ thống đánh giá về năng lực qua chính những kết quả mà bạn đạt được khi đánh xếp hạng, tránh tình trạng một game thủ ở trình độ thấp (Đồng hoặc Bạc) có thể gặp những người ở hạng trên. Nhưng chính điều này càng thể hiện sự "non nớt" của cộng đồng khi vấn nạn cày xếp hạng thuê và sự mất cân bằng nó mang lại vẫn đang hoành hành, Thanh Niên Game đã đề cập vấn đề này trong bài viết LMHT: Vấn nạn "cày" xếp hạng thuê.
Chưa thực sự sẵn sàng cho thử thách
Chắc chắn phải có một lý do nào đó khi nhà phát triển chia ra hai hệ thống Đánh thường và Đánh xếp hạng. Tham gia vào các trận đánh thường bạn có thể là bất cứ ai, có thể chơi kém một chút, có thể "troll" một chút, sẽ chẳng ai phàn nàn quá nhiều về bạn, nhưng khi thi đấu xếp hạng thì khác.
Khi bước vào các trận xếp hạng ai có tâm lý đặt chiến thắng lên hàng đầu và quan trọng nữa là phải thi đấu hết mình. Nhưng chắc hẳn đại đa số chúng ta đều đã từng ít nhất vài lần thất bại tràn trề sau một trận đấu thảm hại mà nguyên nhân chính không phải do mình.
Chưa sẵn sàng cho cuộc đấu thực sự.
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp tình huống nhiều người tranh nhau một vị trí như đường trên, đường giữa hoặc xạ thủ, trong khi chẳng có ai muốn đóng vai hỗ trợ. Lúc đó, dĩ nhiên sẽ có một người phải chơi ở vị trí không phải sở trường, mà đã không phải sở trường thì việc thuần thục về kỹ năng cũng như chiến thuật của vị trí đó sẽ không thể tốt được.
Nhưng có một vài trường hợp còn đau đớn hơn, có lúc đội của bạn sở hữu đến... hai pháp sư đường giữa hoặc hai đường trên mà chẳng có người đi rừng nào... Không những vậy, có những trường hợp người chơi vào xếp hạng rồi cầm những vị tướng mà họ... chưa đánh bao giờ.
"Cái tôi" quá lớn
Một thói xấu đặc trưng mà cộng đồng game nói chung và cộng đồng LMHT nói riêng đang phải hứng chịu là tình trạng "ăn không được thì đạp đổ". Một bộ phận người chơi sẵn sàng "troll" một cách thiếu văn hóa nhất như lao lên "tìm chết" chỉ để trả thù vì không có được vị trí ưng ý hoặc vì một câu nói hay hành động của đồng đội khiến họ phật lòng, hay đơn giản hơn là AFK rồi hả hê nhìn bốn người còn lại vật lộn trong tuyệt vọng...
Thói xấu này bắt nguồn từ chính việc đề cao cái "tôi" hơn cái "ta". Tâm lý của khá nhiều người chơi là "mình luôn đúng" hoặc "mình đánh chẳng kém ai". Tất nhiên bạn có thể sở hữu kỹ năng cùng đầu óc "thường thừa", nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn có thể được đặt bản thân lên trên người khác, bởi LMHT hay bất cứ trò chơi MOBA nào đều yêu cầu tính đồng đội cao và sẽ không có chỗ cho những kẻ chỉ biết đến mình.
Thêm một hệ quả của việc quá tự tin vào bản thân chính là "quăng game". Dẫn đối phương đến 20 mạng nhưng để bị lật kèo và thua ngược do... xanh quá mức cần thiết... đây là vấn đề diễn ra như cơm bữa trong Đấu trường Công lý tại Việt Nam, nhất là trong những trận xếp hạng.
Tâm lý khi quá "xanh" khiến người chơi luôn tỏ ra cợt nhả và trêu đùa "con mồi", nhưng đây cũng chính là con dao hai lưỡi bởi họ vừa lơ là trong việc thi đấu, vừa tạo cho đối thủ tâm lý chiến đấu cao hơn do ức chế, nên việc bị lật ngược cũng là quá dễ hiểu.
Thanh Niên Game đã trò chuyện với một game thủ ở bậc cao về cảm nghĩ của họ khi đánh xếp hạng tại Việt Nam và nhận được một số câu trả lời thú vị:
- Một game thủ Bạch Kim III cho biết: "Nhiều lúc cũng nản lắm, vì cố gắng hết sức xong rồi bị đồng đội "bóp", xóa game cũng được 5-6 lần rồi nhưng cuối cùng lại quay về lối cũ." (cười)
- "May mắn anh ạ, may mắn chính là chìa khóa để leo hạng nhanh. Trình có giỏi như Faker mà vào xếp hạng ở Việt Nam đánh thì cũng ức mà chết thôi." là tâm sự của một nữ game thủ Kim Cương IV.
- Một cựu binh của LMHT máy chủ Việt Nam (hạng Bạch Kim I) phân trần: "Mình đã chuyển qua máy chủ Bắc Mỹ chơi từ mùa 3, dù có hơi lag một chút nhưng được cái không căng thẳng và cay cú như hồi đánh xếp hạng ở Việt Nam. Nhiều anh em rủ quay lại nhưng mình cũng từ chối vì không muốn mất thêm một em Sensei nữa (cười)." Game thủ này đã kéo... đứt dây chú chuột cưng Steelseries Sensei của mình khi thua chuỗi lên Kim Cương V.
"Hành trang" leo hạng tại Việt Nam
Cần sự thay đổi chính từ những hành động nhỏ.
Sau đây, Thanh Niên Game sẽ nêu ra một vài lưu ý nhỏ qua kinh nghiệm thực tiễn của người viết nhằm giúp các bạn leo hạng hiệu quả hơn, cũng như tránh những căng thẳng không đáng có:
- Nên thuần thục ít nhất ba vị trí khác nhau và làm quen với cả năm vị trí trong đội trước khi tham đánh xếp hạng.
- Ở mỗi vị trí nên có từ ba vị tướng tủ trở lên.
- Khi bạn được xếp ở ô số 1-2-3 trong giai đoạn cấm và chọn, NẾU CÓ THỂ không nên chọn tướng đường trên hoặc đường giữa bởi sẽ tạo điều kiện cho đối phương có được phương án counter (tướng có thể đì hoặc khắc chế bạn dễ dàng). Theo lý thuyết là như vậy nhưng sẽ còn tùy thuộc vào việc đồng đội của bạn có tướng mà bạn cần không, cho nên phương án này bạn có áp dụng một cách uyển chuyển.
- Hãy nhường vị trí nếu có người xin trước và tự tin về năng lực của họ. Còn hơn là để họ phá game chứ nhỉ?
- Tuyệt đối KHÔNG dùng những lời lẽ khiếm nhã với cả đồng đội cũng như đối thủ.
- Nếu thua liên tiếp hai trận, bạn hãy thoát game và lấy lại tâm lý đã. Hay "tâm linh" hơn là đợi vận xui qua đi.
- Không nên tìm trận đấu ngay khi vừa kết thúc game nhằm tránh những người đồng đội không hạp tính hoặc các cao thủ mà bạn vừa giáp mặt.
- Hãy bàn bạc và thảo luận nhanh cùng đồng đội ở giai đoạn cấm chọn để có được đội hình phối hợp tốt nhất với nhau chứ không nên mạnh ai nấy đánh. Tốt nhất hãy hỏi họ đánh tướng nào để cấm những tướng counter nhằm giúp họ có giai đoạn đi đường tốt.
- Không nên xếp hạng đôi khi hai người chơi có rank quá chênh lệch, chỉ nên xếp hạng chung khi hơn kém nhau khoảng hai đoàn.
Những vấn đề trên xuất hiện ở bất cứ cộng đồng nào chứ không chỉ ở riêng Việt Nam, quan trọng là ở mỗi game thủ phải có ý thức xây dựng cộng đồng giúp đánh xếp hạng Việt Nam có những nét riêng, tất nhiên là những nét đẹp. Để một ngày người ta sẽ nhắc đến cái tên Việt Nam như một máy chủ có chất lượng đánh xếp hạng tốt nhất và sản sinh ra những thiên tài hàng đầu khu vực cũng như thế giới.
*Bài viết thể hiện quan điểm của người viết
Bình luận (0)