LMHT: Fnatic và SKT T1 - Sự thống trị của các vị vua
Một đến từ phương đông và kẻ còn lại đang ở phía tây, điểm chung là cả hai đều đang độc chiếm ngôi đầu một cách tuyệt đối.
Tự động phát
Giải đấu mùa Hè 2015 đang bước vào giai đoạn hào hứng nhất. Các đội tuyển đều phải trổ hết tài năng và thực lực để giành một suất cho vòng Chung kết Thế giới sắp tới. Dù có là những cựu binh dày dặn kinh nghiệm hay một tân binh mới chân ướt chân ráo tham gia đấu trường chuyên nghiệp, tất cả đều phải nỗ lực hết mình.
Tuy vậy, có hai thế lực dường như đang đứng ngoài cơn lốc cạnh tranh tàn khốc đó. Đối với họ chiến thắng dường như là thứ gì đó quá dễ dàng, chẳng có một đối thủ nào xứng tầm để có thể đóng vai kẻ ngáng đường. Đó chính là Fnatic, đội tuyển đang bất bại tại LCS châu Âu và SKT T1, kẻ thống trị tuyệt đối ở LCK Hàn Quốc.
Hoàng đế lục địa già
Có thể nói thành tích của Fnatic tính tới thời điểm này thực sự quá ấn tượng. Họ toàn thắng tất cả các trận đấu, nghiền nát mọi đối thủ một cách hoàn hảo. Năm chàng trai của Fnatic gần như đã đạp bằng cả LCS châu Âu dưới gót chân và khẳng định chắc nịch: chúng tôi sẽ tiếp tục là nhà vô địch mùa hè.
Những con người "bá đạo" (Ảnh: Fnatic)
Thành công của Fnatic đến từ một đội hình giàu chiều sâu với sự kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ. Một YellOwStaR điềm tĩnh, đáng tin cậy hay Febiven liều lĩnh, tinh quái, thần đồng Rekkles chắc chắn, đẳng cấp... tất cả đều là những mảnh ghép không thể thiếu cho thành công vang dội hôm nay của Fnatic. Những con người đó đã lột xác hoàn toàn chỉ sau một mùa giải.
LCS châu Âu hiện giờ là một bãi chiến trường đầy biến động với một loạt xáo trộn về nhân sự. Elements chỉ còn là cái bóng của mình trong quá khứ. Unicorns of Love sau những chấn động khủng khiếp ban đầu cũng đang phải chật vật chiến đấu. SK Gaming, Gambit... tất cả đều không đủ sức cạnh tranh chức vô địch. Sự suy yếu đồng loạt của các đối thủ là bước đệm không nhỏ cho triều đại thống trị của Fnatic.
Nhưng nguyên nhân cốt lõi vẫn nằm ở trình độ các tuyển thủ. Giải đấu Mid-Season Invitational vừa qua với việc được đối đầu với những đội tuyển mạnh nhất trên thế giới, các chiến thuật và phong cách chơi hoàn toàn lạ lẫm, đã gần như biến các vị trí chủ chốt của Fnatic lợi hại hơn gấp bội. Người được hưởng lợi nhiều nhất chính là Febiven, rõ ràng cơ hội được so tài cùng những huyền thoại sống như Faker, Easyhoon hay PawN đã biến anh ta trở thành người đi đường giữa hay nhất châu Âu hiện nay. Lối đánh đậm chất kĩ thuật, pha lẫn một chút ngông cuồng, liệu còn ai có thể chơi trên cơ được tuyển thủ này nữa?
Kinh nghiệm tại MSI quý như vàng đối với Febiven. (Ảnh: LCS)
Cặp đôi Hàn Quốc, Huni và Reignover tuy không có những bước tiến vượt bậc như người đồng đội, nhưng cái họ có chính là nhãn quan chiến thuật cũng như cách nắm bắt sự thay đổi của meta. Một Ryze xả kỹ năng điên cuồng đè nát đối thủ hay Ekko đường trên lăn xả giữa đội hình địch, với sự chắc chắn khi đi đường và quyết đoán trong những pha Dịch Chuyển. Huni đang dần dần pha trộn thêm phong cách chiến đấu phóng khoáng và khó lường hơn bao giờ hết.
Sức mạnh kinh khủng của Ryze trong tay Huni
Mắt xích bị đánh giá yếu nhất của Fnatic trở trêu thay lại nằm ở vị trí xạ thủ, tuy Steelback là một tuyển giỏi nhưng anh ta hình như chưa đủ trình độ để theo kịp những người đồng đội. Fnatic cần một ai đó tài năng nếu muốn chinh phục đỉnh cao, và cuối cùng "thần đồng lưu lạc" của họ - Rekkles đã được chọn.
Mặc dù trải qua một mùa giải không thành công cùng Elements, bị người hâm mộ la ó khi quyết định quay trở lại mái nhà xưa, nhưng không thể phủ nhận Rekkles vẫn là xạ thủ hay nhất châu Âu và khát khao chiến thắng vẫn còn nguyên. Fnatic cần một người có khả năng dọn dẹp đối thủ, là chỗ dựa cho đội nếu chẳng may Febiven hoặc Huni bị chăm sóc quá kỹ, Rekkles thừa khả năng để làm điều đó mà còn làm vô cùng tốt. Meta hiện tại đang là thời đại của các tướng đỡ đòn, hay nói chính xác hơn là sân khấu cho mẫu tuyển thủ "lười biếng" như Rekkles tỏa sáng.
Fnatic luôn chào đón Rekkles (Ảnh: Fnatic)
Một con thuyền muốn ra khơi luôn cần có hoa tiêu dẫn đường, và Fnatic lại đang may mắn sở hũu YellOwStaR, tuyển thủ hỗ trợ và cũng là người đội trưởng giỏi nhất châu Âu. Anh ta chính là nguồn cảm hứng, cũng như đầu tàu quyết định lối chơi của Fnatic. Ở LCS châu Âu hoặc thậm chí cả trên thế giới, hiếm có tuyển thủ nào có kinh nghiệm dày dặn nhưng vẫn giữ được phong độ như YellOwStaR.
Fnatic đang ở trong quãng thời gian mà các vị trí chủ lực đạt trạng thái tốt nhất, họ có đường trên và đường giữa cực mạnh, một người đi rừng chưa biết đến mùi thất bại và cặp đôi đường dưới hiểu ý nhau đến từng chân tơ kẻ tóc. Khác với các đội tuyển còn lại tại LCS, Fnatic có thể biến chuyển lối chơi cực kỳ đa dạng, Febiven đóng vai trò là nguồn gây sát thương chính, thậm chí nhiều khi vượt hơn cả Rekkles, Huni luôn là người mở giao tranh và Reignover nhận lãnh trách nhiệm làm khiên chắn cho cả đội, tất cả theo một trình tự nhịp nhàng với sự dẫn dắt của YellOwStaR.
Sự đồng đều ở các vị trí và tuân thủ kỷ luật tuyệt đối khiến Fnatic vô cùng đáng sợ trong các pha giao tranh tổng. Chưa có một đội tuyển nào tại LCS mùa hè có thể chiếm lợi thế trước họ nếu trận đấu phải kéo dài.
Chúng ta có thể lấy ví dụ trận đấu họ gặp Elements tại tuần thi đấu thứ 3. Mặc dù Ekko trong tay Froggen cực xanh lúc đầu, nhưng Fnatic với một đội hình đồng đều ở tất cả các tuyến đã từ từ lấy lại lợi thế để rồi bóp nghẹt đối thủ ở giữa trận đấu, một phần đến từ những pha Dịch Chuyển thông minh của Huni, cũng như Febiven đã rất nhanh nhận ra Azir của mình phải làm gì để khắc chế khả năng bay nhảy Ekko.
"Froggen rất hay nhưng Fnatic rất tiếc"
Một điểm mạnh nữa của Fnatic là họ thích ứng cực nhanh với các vị tướng mới. Ngay ở tuần thi đấu đầu tiên, Rekkles đã ngay lập tức mang Ashe vào đấu trường chuyên nghiệp, bất chấp việc chưa có nhiều đội sử dụng, cũng như khi Ekko vừa mới bắt đầu được chọn thì Huni đã mang luôn vị tướng này lên đường trên để củ hành đối thủ không thương tiếc.
Cọ xát và học hỏi, phân tích các đối thủ mạnh ngoài châu Âu chính là cái làm nên sự khác biệt cho Fnatic, thay vì trung thành với lối đánh rập khuôn trong khu vực, họ tìm cách thay đổi để rồi luôn đi trước tất cả mọi người.
Ekko? Dễ thôi ấy mà!
Thực sự để tìm ra một đội tuyển có khả năng cạnh tranh chức vô địch với Fnatic may ra chỉ có Origen. Chắc chắn Fnatic sẽ là một đối thủ cực kỳ đáng gờm không những tại LCS châu Âu mà còn ở vòng Chung kết Thế giới.
Những vị thần Hàn Quốc
Nói tới Hàn Quốc mọi người thường nghĩ ngay tới SKT T1, để rồi tất cả đều hướng về tuyển thủ đường giữa xuất sắc nhất Liên Minh Huyền Thoại - Faker. Nhưng chỉ cách đây hơn 1 tháng, "vua quỷ bất tử" đã phải gục ngã trước người Trung Quốc và đại kình địch PawN tại Mỹ. Một thất bại cay đắng như vậy liệu có đánh gục được anh ta và đồng đội, câu trả lời đương nhiên là không.
LCK vẫn là nơi có chất lượng chuyên môn cao nhất thế giới, bất chấp việc các đội tuyển Hàn Quốc thi đấu không thành công trên đấu trường quốc tế. Có một câu nói đùa rằng: "Một tuyển thủ dù bình thường ở Hàn Quốc sẽ là ngôi sao ở bất cứ đâu trên thế giới", tuy không hoàn toàn chính xác nhưng nó cũng phải ánh được sự khắc nghiệt và cạnh tranh khủng khiếp ở đất nước eSports phát triển này.
Môi trường thi đấu sản sinh ra những con người đỉnh cao (Ảnh: LCK)
Sau thất bại đáng xấu hổ, đỉnh điểm là trận thua bẽ bàng trước Edward Gaming, rất nhiều người đã bắt đầu nói về sự chấm dứt kỷ nguyên thống trị của người Hàn. Faker cùng đồng đội trở lại LCK, chuẩn bị cho một mùa giải mới đầy cam go trước mặt. Những đối thủ mới và cũ đang chờ đợi để lật đổ đế chế SKT, nhưng đến giờ chưa một kẻ nào có thể làm ông hoàng này sẩy chân dù chỉ một lần.
7 trận chưa biết đến mùi thất bại, áp đảo toàn diện mọi đối thủ, nhiều trận đấu kết thúc trong vòng chưa tới 30 phút, SKT T1 đang thể hiện một phong độ hủy diệt không thể tin được, chiến thắng là một cái gì đó quá đơn giản đối với họ.
Những người mấu chốt làm nên thành công này của SKT T1 chính là Faker và Marin. Hai tuyển thủ này đang ở điểm rơi phong độ cực cao, nhất là Marin. Chuyến đi tới Mỹ vừa rồi chính là một bước tiến vô cùng lớn của anh chàng này dù trước đó Marin vẫn được đánh giá là người chơi đường trên hay nhất thế giới.
Nhưng tại một đấu trường xa lạ như MSI, Marin đã bị ngộp thở trước áp lực, để rồi có những màn thể hiện dưới khả năng trong những trận đấu quyết định, kinh nghiệm là thứ duy nhất tuyển thủ này còn thíếu. Trở lại LCK, Marin hiện giờ chỉ có một từ để hình dung "vô đối". Rumble của anh ta đã trở thành một cái gì đó đạt gần tới mức hoàn hảo, chắc chắn pha lẫn kiêu ngạo.
Một trong những Rumble hay nhất thế giới
Faker, thực sự nếu phải so sánh thì kỹ năng cũng như phản xạ của tuyển thủ này đã kém đi rất nhiều so với 2 năm trước, nhưng thứ mà anh ta có được còn quý giá hơn nhiều đó là nhãn quan chiến thuật. 9 vị tướng sau 4 tuần thi đấu, khởi đầu cho phong trào Varus đường giữa, dùng Irelia khắc chế Azir hay đem Master Yi vào một trận đấu chuyên nghiệp.
Faker đang cho chúng ta thấy một sự hồi sinh và tìm tòi tất cả các hướng đi khác nhau, đây là một nỗ lực cố gắng đáng kinh ngạc bất chấp meta hiện tại không phải là chỗ cho sự sáng tạo. Ra quân trong 11 trận và chỉ thua đúng 1 lần duy nhất, không cần quá nhiều từ ngữ nói về tuyển thủ này vì bản thân những con số đã làm tất cả.
Master "Faker" Yi
Bengi đã hoàn toàn chuyển thành mẫu người chơi đi rừng dùng kinh nghiệm thay thế cho kỹ năng, thành công của SKT T1 hay nói đúng hơn là việc Faker ở đường giữa liên tục nghiền nát các đối thủ có tới một nửa công lao của anh chàng thầm lặng này. Cặp đôi Bang - Wolf tuy chưa thể đạt đến tầm cỡ Imp - Mata của Samsung White ngày nào, nhưng họ không bao giờ thua đường và luôn bắt đối phương phải tập trung vào mình.
Ở Hàn Quốc hiện tại, các đội tuyển hay cá nhân có thể so sánh với SKT T1 gần như không có. KooTigers vẫn còn đang phải vật lộn tìm cách hòa nhập với meta. Shy, Ambition... đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ từ rất lâu. LCK mùa Hè năm nay chỉ là vấn đề thời gian trước khi Faker và các đồng đội một lần nữa giơ cao chiếc cúp chiến thắng mà thôi.
Lời kết
Với sự vượt trội khủng khiếp của mình, tầm mắt của cả Fnatic lẫn SKT T1 có lẽ đã không còn gói gọn trong việc giành lấy chức vô địch trong khu vực nữa. Chỉ duy nhất việc đánh bại tất cả để lên ngôi tại Chung kết Thế giới mới có thể thỏa mãn họ mà thôi.
Hai tập thể xuất sắc quy tụ những con người đầy tài năng và khát khao, Fnatic và SKT T1 chắc chắn sẽ là hai ứng cử viên nặng ký tại giải đấu Liên Minh Huyền Thoại lớn nhất năm nay.
Bình luận (0)