LMHT: Mở rộng LCS - Lợi và hại
Dự kiến trong năm 2015, các giải LCS sẽ được mở rộng khuôn khổ từ 8 lên 10 đội, và tất nhiên kèm theo đó là những hệ quả nhất định. Hãy cùng Thanh Niên game điểm qua lợi và hại của sự thay đổi này.
Tự động phát
- Tướng Liên minh huyền thoại lên chai Coca-Cola
- Game thủ TQ tốn hơn 30 tỉ phút chơi MOBA trong 1 tháng
- LMHT: Những vị tướng được yêu thích nhất trong tháng 7
Sự mở rộng mang tính toàn cầu
LCS không phải là giải duy nhất đang trên đà mở rộng, OGN và GPL cũng đã làm điều tương tự. Giải LPL của Trung Quốc cũng đã công bố sẽ tăng số lượng đội tham dự từ 8 lên 12 vào năm sau. Quốc gia đông dân nhất thế giới dù không có được cơ sở hạ tầng phát triển thể thao điện tử tốt nhất, nhưng bù lại thì đây là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng, ngay khi một lão tướng giải nghệ thì một ngôi sao lại nổi lên. Chính vì việc rất nhiều game thủ có nhu cầu "được" thi đấu chuyên nghiệp, nên nếu không muốn bỏ phí tài năng thì thay đổi là việc bắt buộc đối với LPL.
Năm 2012, GPL mùa đầu tiên được tổ chức với sáu đội tham dự, mỗi đội đến từ một quốc gia khác nhau (Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines). Chỉ 1 năm sau con số này nâng lên 8 và GPL mùa Đông 2014 có thể sẽ là 12. Những sự mở rộng này giúp tìm kiếm nhiều tài năng mới, đưa họ đến đẳng cấp chuyên nghiệp cũng như thúc đẩy lợi ích chung, cho phép các tuyển như ahq có thể song hành cùng các đội được tài trợ bởi Garena.
Mặt khác ở Hàn Quốc, đất nước sở hữu cơ sở hạ tầng hiện đại nhờ vào sự thành công đáng kinh ngạc của Starcraft suốt những năm qua, khởi đầu với 16 đội trong giải Azubu Champions mùa Xuân 2012, với sự góp mặt của các đội nước ngoài. OGN không lâu sau đó giảm con số xuống còn 12, thay đổi cơ cấu thi đấu thành hai vòng (mùa Đông và mùa Xuân).
Với sự phát triển của Liên minh huyền thoại không chỉ ở Hàn Quốc mà trên toàn thế giới, con số 16 quay trở lại. Thậm chí có nhiều tổ chức sẵn sàng tài trợ cho hai đội hình cùng một lúc, dù cho sự chênh lệch giữa những thương hiệu hàng đầu như Samsung hay SKT với các thương hiệu mới là quá lớn, nhưng cơ cấu này vẫn cho phép sự phát triển không ngừng, dần dần dẫn đến sự thống trị toàn cầu dành cho LMHT.
Ảnh hưởng tới bối cảnh các giải bậc dưới
Giống như LCS, Challenger Series có những giai đoạn để các đội tuyển có thêm thời gian cũng như luyện tập nhằm đạt đến đẳng cấp cần thiết. Sâu xa hơn, các giải ở bậc Thách Đấu là chính là nguồn tìm kiếm nhân lực cho LCS. Chẳng có game thủ nào lại từ chối một lời mời tham dự giải LCS cả. Điều này dẫn tới việc các giải Thách Đấu sẽ bị "hút máu" bởi các nhà tài trợ khi họ cần.
Quản lý của Counter Logic Gaming - Kelby May đã nói trong vlog của mình, rằng các giải Thách Đấu được sử dụng như một công cụ để "cấm & chọn" game thủ, để rồi một ngày các giải này sẽ không còn sở hữu những người chơi thuộc đẳng cấp cao nữa. Mở rộng LCS đồng nghĩa với việc các giải Thách Đấu sẽ mất đi nhiều tài năng hơn.
Ảnh hưởng tới các đội tham dự
Giả sử rằng thay đổi này trở thành hiện thực, cơ cấu của giải đấu chắc chắn sẽ thay đổi theo, đặc biệt là việc loại bỏ "Super Weeks". Hiện tại, một mùa giải sẽ bao gồm 112 trận đấu diễn ra trong 11 tuần, với hai đội thêm vào thì số trận đấu sẽ tăng lên 180, đây sẽ là cơn ác mộng thực sự cho ban tổ chức cũng như người xem. Vẫn chưa biết Riot sẽ xử trí ra sao với vấn đề này.
Sự chênh lệch về điểm số giữa các vị trí an toàn và các vị trí buộc phải chiến đấu thực sự để đi tiếp thực sự rất mong manh, đặc biệt là ở Châu Âu. Đôi khi khoảng cách giữa vị trí thứ 4 và thứ 8 chỉ là ba trận thắng, thậm chí một đội ở top 3 cũng có thể bị đẩy xuống vùng nguy hiểm bất cứ lúc nào. Chính sự nguy hiểm này khiến các đội tuyển phải có lời giải cho bài toán chạy đường dài hơn là những giải pháp tình thế. Chúng ta sẽ được thấy rõ hơn vai trò của các huấn luyện viên trên băng ghế chỉ đạo, chưa kể tới việc hạ tầng cơ sở sẽ được nâng cao để phục vụ mục đích trên.
Khoảng cách giữa LCS và các giải Thách Đấu dần được nới rộng, và sớm muộn chúng ta sẽ được thấy các logo giống hệt nhau tại các giai đoạn của giải. Mùa giải Châu Âu năm nay đã ghi nhận tám cái tên cố định ở cả giải mùa Xuân và mùa Hè. Riot Games sẽ phải đau đầu về hướng phát triển của mình, một giải đấu với những "gương mặt thân quen" gặp nhau hết lần này tới lần khác, hay một giải đấu mang tính cạnh tranh nơi mà các đội ở nhiều "hạng cân" sẽ có thể đổi chỗ cho nhau tùy thuộc vào năng lực và phong độ?
Kết luận
"Nếu không dám tiến lên, sớm hay muộn bạn cũng sẽ bị thụt lùi" - Đây có vẻ đang là điều mà Riot hướng tới, luôn hoàn thiện và sáng tạo. Một giải đấu LCS dài hơi, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào LMHT, nhưng mặt khác cũng là hồi chuông đáng lo ngại về tương lai của các giải bậc Thách Đấu. Vẫn chưa ai có thể nói trước được hệ quả của sự thay đổi này là tốt hay xấu, nhưng chắc chắn LCS sẽ vẫn luôn hấp dẫn và gay cấn, thế nên hãy cứ tận hưởng nó theo cách mà bạn muốn.
Bình luận (0)