LMHT: SofM hưởng lương 'khủng', cao hơn rất nhiều CEO tại Việt Nam

01/11/2016 16:00 GMT+7

Sở hữu mức thu nhập cao ngất so với bình quân đầu người tại Việt Nam, SofM không chỉ khẳng định vị trí tuyển thủ hàng đầu, mà còn là biểu tượng minh chứng cho thành công của nghề thi đấu thể thao điện tử - vốn vẫn đang hứng chịu nhiều sự kỳ thị từ xã hội.

Thu nhập 'khủng' nhờ chơi game giỏi

Sinh năm 1998, SofM (Lê Quang Duy) là một trong những game thủ Việt Nam nổi tiếng nhất ở thời điểm hiện tại. Không chỉ lừng danh trong cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại Việt, tên tuổi của anh cũng xuất hiện thường xuyên tại đấu trường thể thao điện tử (eSports) thế giới. Trong đó, "thần đồng", "Faker Việt Nam"... là những mỹ từ mà nhiều người thường dùng để mô tả về chàng trai gốc Hà Nội.

[mecloud]CmyBkEvjcR[/mecloud]

Phim ngắn về SofM

Đối với khán giả/game thủ trong nước, tên tuổi SofM đã trở nên quen thuộc từ vài năm về trước, khi tuyển thủ ngôi sao này còn là cậu bé 15-16 tuổi nhưng đã dễ dàng gây "sốt" nhờ kỹ năng chơi game vượt trội. Khi đã đủ tuổi thi đấu chuyên nghiệp, SofM là thành viên trụ cột không thể thay thế của Full Louis - một trong những đội Liên Minh Huyền Thoại mạnh nhất tại khu vực phía Bắc.

Tuy vậy, SofM thật sự bước ra ánh sáng và trở thành tâm điểm khi "xuất ngoại" sang Trung Quốc để đầu quân cho đội tuyển Snake eSports, nhanh chóng chứng tỏ khả năng tại sân chơi thể thao điện tử hàng đầu của quốc gia này. Thậm chí, tài năng và phong cách chơi cống hiến của SofM còn giúp anh nhận được thiện cảm lớn của người hâm lộ lẫn giới báo chí Trung Quốc.

sofm hưởng lương khủng

Sofm thích nghi rất nhanh với đấu trường Liên Minh Huyền Thoại hàng đầu Châu Á

Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên Game, ở thời điểm hiện tại mức lương của SofM tại Snake eSports đã đạt mức trên 5.000 USD (tương đương khoảng 110.000.000 VNĐ), chưa tính các khoản tiền thưởng do thắng giải, cùng lợi nhuận đến từ bản quyền hình ảnh. Khoản thu nhập này cao hơn gấp nhiều lần mức lương trung bình tại Việt Nam, hơn hẳn so với vận động viên tại nhiều bộ môn thể thao khác, thậm chí nếu so sánh ở mặt bằng tuyển dụng hiện nay, SofM còn vượt mặt chức danh Giám Đốc (CEO) ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Càng đáng chú ý hơn, khi người kiếm về khoản tiền này lại là một chàng trai "mê chơi game" chỉ mới 18 tuổi.

Hành trình gian khổ

Trở thành hình tượng nổi tiếng được giới trẻ ngưỡng mộ, tích lũy được những khoản tiền lớn khi tuổi đời còn quá trẻ, tuy vậy, ánh hào quang này không hề đến với SofM một cách dễ dàng, mà phải trải qua một con đường rất dài trước khi được công nhận như tuyển thủ thể thao điện tử chuyên nghiệp. Và SofM hoàn toàn không phải trường hợp duy nhất.

Bùng nổ ở phạm vi toàn cầu trong vài năm gần đây và dần được xã hội công nhận, tuy nhiên tại Việt Nam, thể thao điện tử vẫn mắc phải hàng loạt rào cản lớn, để rồi đến tận thời điểm hiện tại lĩnh vực này vẫn nhận phải không ít quan điểm kỳ thị, đả kích. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thói quen tẩy chay game online của người Việt, vốn đã hình thành từ lâu và không thể điều chỉnh những nhận thức sai lệch này một sớm một chiều.

sofm hưởng lương khủng

Môi trường phát triển không thuận lợi, kéo theo sự chùn tay của những nhà đầu tư và các tổ chức thể thao điện tử. Đây là lý do khiến sân chơi eSports tại Việt Nam vẫn đang rất chật hẹp, dù nội lực phát triển luôn được giới chuyên môn đánh giá là đầy tiềm năng. Cũng vì lẽ đó, những game thủ chọn con đường thi đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam phải đối diện với vô vàn khó khăn, bao gồm quy luật đào thải khắc nghiệt, không có đất dụng võ, bị kỳ thị, môi trường luyện tập và phát triển kém...

sofm hưởng lương khủng

Giữa một "rừng" những khó khăn này, việc SofM vươn lên và đầu quân cho một nền thể thao điện tử tiềm năng hơn là hành động đúng đắn, thậm chí còn có thể xem là sự lựa chọn tốt nhất cho các tuyển thủ eSports Việt - dù cho không ít người hâm mộ ở quê nhà tiếc nuối cho tình cảnh "chảy máu nhân tài". Mức lương "khủng" của tài năng trẻ này, lẽ dĩ nhiên, cũng hoàn toàn xứng đáng với công sức tập luyện, đấu tranh của SofM trong suốt một quãng thời gian dài.

Liệu có dễ dàng tìm được SofM thứ hai?

Tôn vinh SofM, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng nền thể thao điện tử Việt sẽ rất khó để tìm kiếm các trường hợp tương tự. Ngoài việc sở hữu năng khiếu bẩm sinh, được đầu tư nghiêm túc cho việc tập luyện thi đấu game, SofM còn đảm bảo được hai yếu tố khác đó là giá trị hình ảnh và tuổi đời rất trẻ. Những tố chất này biến SofM trở thành tài sản vô giá của những đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại khu vực Trung Quốc - Đông Nam Á, thậm chí, tài năng trẻ này hoàn toàn có thể lấn sân sang đấu trường Châu Âu và Châu Mỹ.

sofm hưởng lương khủng

SofM liên tục giành danh hiệu "Tuyển thủ xuất sắc nhất trận đấu"

Tại Việt Nam, những đồng nghiệp của SofM phải thi đấu trong tình cảnh kém hơn rất nhiều. Một số đội tuyển ngoại lệ có thể đảm bảo mức thu nhập 15-16 triệu đồng cho tuyển thủ, và, cũng có những đội chuyên nghiệp đang vận hành với hình thức thi đấu không lương. Tình trạng đáng buồn này không chỉ mới phát sinh, mà vốn đã xuất hiện và tiếp diễn từ buổi đầu thể thao điện tử khai sinh tại Việt Nam.

Thứ duy nhất khiến những vận động viên này nỗ lực từ ngày chính là đam mê, cùng niềm hy vọng về tương lai "hóa rồng" của nền thể thao điện tử Việt. Tuy vậy, vài năm qua eSports nước nhà vẫn cho thấy những bước tiến rất chậm, ở hầu hết những bộ môn phổ biến như Liên Minh Huyền Thoại, Dota 2, FIFA Online 3, Overwatch...

sofm hưởng lương khủng

Có thể nói, môi trường eSports Việt với hàng tá những khó khăn chồng chéo đang khiến cho việc mài dũa ngọc thô trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, và, hình ảnh của SofM với mức lương "khủng" vẫn là giấc mơ khó đạt được trong một sớm một chiều của những game thủ nước nhà...

Tuổi nghề của game thủ chuyên nghiệp vốn rất ngắn ngủi

Đối mặt với nhiều khó khăn trong việc theo đuổi đam mê, phát triển nghề nghiệp, tăng cao thu nhập... game thủ chuyên nghiệp tại Việt Nam còn phải gánh chịu một sức ép vô hình khác: tuổi tác. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực eSports, độ tuổi thi đấu chuyên nghiệp của game thủ nằm trong khoảng từ 17 đến 25 tuổi. Khi bước qua ngưỡng này, phản xạ, sự tập trung, sức khỏe... của các tuyển thủ thể thao điện tử sẽ có xu hướng giảm dần, tác động lớn đến quá trình thi đấu.

Khi đã đến tuổi "giải nghệ", game thủ thường phải rất vất vả trong việc chuyển đổi ngành nghề do đa phần đều thiếu hụt chuyên môn cần thiết sau nhiều năm thi đấu liên tục. Thông thường, game thủ Việt sau khi ngừng thi đấu chuyên nghiệp vẫn có xu hướng gắn bó với ngành game, ở nhiều vị trí công việc đa dạng như: huấn luyện viên, quản lý đội tuyển, phân tích trận đấu, bình luận viên, vận hành game..

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.