Lo âu thực phẩm trong căn tin trường học

29/03/2016 07:55 GMT+7

Mặc dù quy định thực phẩm bán trong căn tin trường phải có xuất xứ rõ ràng, thực phẩm an toàn nhưng nhiều trường vẫn phớt lờ, thậm chí bán cả những mặt hàng không được phép bán trong trường học cho học sinh.

Mặc dù quy định thực phẩm bán trong căn tin trường phải có xuất xứ rõ ràng, thực phẩm an toàn nhưng nhiều trường vẫn phớt lờ, thậm chí bán cả những mặt hàng không được phép bán trong trường học cho học sinh.

Học sinh thoải mái mua thức ăn không rõ nguồn gốc trong căn tin trường học - Ảnh: Lam NgọcHọc sinh thoải mái mua thức ăn không rõ nguồn gốc trong căn tin trường học - Ảnh: Lam Ngọc
Không nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng
Có mặt tại căn tin của nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi thấy những mặt hàng phổ biến được học sinh (HS) yêu thích chọn mua nhiều nhất là bánh tráng, bánh ngọt, trà sữa… Những sản phẩm này có đặc điểm chung là không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất hay hạn sử dụng.
Học sinh thoải mái mua thức ăn không rõ nguồn gốc trong căn tin trường học 2
Tại Trường tiểu học T.N.T (Q.10, TP.HCM), chúng tôi thấy bánh tráng trộn với đủ loại hương vị được chia thành các bịch nhỏ treo lủng lẳng trên quầy căn tin. Ngoài bánh kẹo còn có các loại nước ngọt, trà sữa, si rô với những nhãn hiệu lạ, ít xuất hiện trên thị trường. Chúng tôi thấy tên của một loại nước ngọt khá lạ trong chai nhựa đang được các nhân viên căn tin chia nhỏ thành từng ly bán cho HS. Một HS lớp 2 đang cầm trên tay ly nhựa chứa nước ngọt khoe: “Mỗi ngày đi học con được mẹ cho 20.000 đồng để mua viết, gôm hoặc một số đồ dùng học tập nhưng con ít khi mua mấy thứ đó mà thường để dành tiền mua nước ngọt”.
Một nhân viên căn tin của trường này cho biết: “Bánh tráng, đồ làm trà sữa chủ yếu mua ở khu Chợ Lớn. Sau khi mang về chúng tôi pha chế chia vào những bao, ly nhỏ. Một ngày có thể bán hết hàng trăm ly, bọc như vậy”.
Bán cả thuốc lá
Nói chuyện với chúng tôi, nhiều HS còn cho biết thứ gì cũng có bán ở căn tin, kể cả thuốc lá. “HS bây giờ quỷ lắm. Không cho hút thuốc công khai thì hút lén ở nhà vệ sinh, ở trong lớp học. Lúc đầu tôi cũng không tính chuyện kinh doanh mặt hàng này nhưng tụi nhỏ hỏi mua nhiều nên sau đó cũng cũng lấy về bán cho đầy đủ. Nhiều khi giáo viên thèm thuốc cũng chạy ra hỏi mua”, nhân viên căn tin một trường THCS tại Q.3 cho biết.
Khi đặt vấn đề về quy định các loại thực phẩm được bán trong trường học, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.10 khẳng định: “Chúng tôi chỉ bán những gì được phép”. Vậy nhiều thực phẩm không hề có nhãn mác, không ghi nguồn gốc xuất xứ thậm chí không biết hạn sử dụng đang được bày bán tràn lan ngay trong căn tin của trường thì sao?
Ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.10, cho biết phòng đã có quy định bằng văn bản rất rõ chỉ những thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, có kiểm tra vệ sinh được xác định là thực phẩm an toàn thì mới được phép bán trong căn tin. Cũng theo ông Văn thì một năm 2 lần, phòng phối hợp với bộ phận y tế và trung tâm y tế dự phòng của quận tổ chức xuống kiểm tra tận cơ sở. Khi kiểm tra thấy bánh tráng trộn là cấm các trường không cho bán vì sản phẩm này rất dơ. Những sản phẩm không có công ty đăng ký sản xuất rõ ràng cũng không cho phép bán. Tuy vậy, ông Văn thừa nhận: “Mặc dù quy định là vậy nhưng nhân viên căn tin vẫn cố tình buôn bán chui trong trường. Hiện nay chưa có quy định về xử phạt khi phát hiện căn tin trường làm trái nên trong quá trình kiểm tra, dù phát hiện làm trái quy định nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại hầu hết việc đấu thầu căn tin do trường tự quyết. Cứ cá nhân hoặc đơn vị nào bỏ thầu cao thì trúng. Mặc dù trong các bản hợp đồng đều có quy định về những mặt hàng được phép mua bán nhưng trên thực tế, hầu như những quy định này đều bị phớt lờ. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.10 cũng chia sẻ: “Mặc dù trong hợp đồng thầu đều ghi rõ những quy định cấm nhưng vì lợi nhuận mà nhiều nhân viên vẫn lén lút bán những mặt hàng không được phép. Khi kiểm tra thấy những trường hợp làm sai quy định, trường sẽ đề nghị cấm. Nếu nghiêm trọng thì xem xét lại hợp đồng cho thầu ở những năm sau”.
Tác động không tốt tới trẻ thừa cân, béo phì
Với trên 50% HS tiểu học đang ở mức thừa cân, béo phì (theo số liệu Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM công bố năm 2015) thì thức ăn được bày bán trong căn tin cũng cần quy định rõ ràng để không tác động xấu đến những trẻ đang ở mức thừa cân béo phì. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Tâm lý của những trẻ thừa cân béo phì là các cháu thích ăn đồ ngọt, nước ngọt có ga, thức ăn nhanh... Những thực phẩm này có thể tác động làm các cháu không kiểm soát được cân nặng”.
Chính vì vậy có ý kiến cho rằng nhà trường cần quy định cụ thể và quản lý chặt căn tin. Với những thực phẩm không có lợi cho quá trình phát triển của trẻ chỉ nên bán vào một số buổi trong tuần để hạn chế lượt mua của HS. Bên cạnh đó, trường cũng nên giáo dục kiến thức cho HS biết nên mua những thức ăn nào và kiểm soát những thứ không nên mua.
Đồng thời phải tác động vào ý thức của những nhân viên bán hàng trong căn tin, giúp họ biết nên ứng xử như thế nào với những bé đã thừa cân, béo phì. Bác sĩ Diệp nói rõ hơn: “Không phải cứ thấy trẻ mua là nhân viên sẽ bán. Đôi khi chỉ cần là những lời khuyên nho nhỏ như: Con mập rồi không nên uống nước ngọt, hoặc tương tự, thì có thể là đã giúp ích cho các cháu”.
Phụ huynh nên hạn chế cho con tiền
Trước thực tế này, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng. Anh Huỳnh Cao Trí, phụ huynh của Trường tiểu học T.H.Đ (Q.1), bày tỏ: “Nhiều khi đưa con tới trường xong tôi thấy rất bất an bởi có một thời gian, ở trường về nhà, bụng con tôi cứng ngắc. Cháu thường kêu đau bụng, đòi đi vệ sinh nhưng không thể đi được. Có hôm bé khóc ầm lên khiến cả nhà nhốn nháo. Lúc đưa cháu vào viện, bác sĩ bảo do cháu ăn quá nhiều thức ăn nóng nên không đi ngoài được”.
Anh Trí nói thêm: “Sau khi kiểm tra tiền tiêu vặt của con, tôi thấy có ngày cháu tiêu hơn 20.000 đồng. Hỏi ra mới biết cháu mua bánh tráng ăn với bạn. Cháu nói là ăn con thấy khát nước nên uống thêm nước ngọt”. Một phụ huynh ở Q.3 cũng lo ngại: “Con tôi đang ở tình trạng béo phì độ 2. Ở nhà cân thức ăn cho con từng chút một nhưng tới trường thì ngoài tầm kiểm soát”.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng trẻ thừa cân, béo phì lại có xu hướng thích đồ ngọt, nên cầm tiền trong tay các cháu không thể kiểm soát, vì thế khi thấy con mình đã ở mức thừa cân béo phì, ba mẹ nên hạn chế cho con tiền. “Nếu ba mẹ không phát tiền thì các cháu sẽ không có tiền để mua đồ ăn, đây cũng là một cách để cha mẹ giúp con”, bà Diệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.