Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lò bánh Triệu Minh Hiệp (Q.6, TP.HCM) nức tiếng Chợ Lớn với cách làm bánh pía thủ công, các loại kẹo truyền thống của người Hoa gốc Triều Châu, nhộn nhịp khách.
Cơ nghiệp 8 thập kỷ đã truyền đến đời thứ 4
Trong không gian tiệm bánh ấm áp, sạch sẽ và vô cùng ngăn nắp, ông Triệu An (52 tuổi) là truyền nhân đời thứ 3 của lò bánh này cùng với vợ và con trai tất bật đón khách, đóng gói những hộp bánh pía, kẹo truyền thống nóng hổi vừa ra lò cho khách mang đi, không ai phải chờ đợi lâu.
"Bánh không sử dụng chất bảo quản nên chỉ dùng trong 10 ngày. Tốt nhất nên ăn ngay sau khi mua về cho bánh còn nóng", ông Triệu An không quên dặn dò khách tỉ mỉ.
Chỉ vào cậu con trai Triệu Học Cần (26 tuổi), ông cho biết đây là thế hệ thứ 4 của lò bánh gia đình, người con mà ông vô cùng tự hào. Phía trước tiệm, cha ông Triệu An tuổi đã cao nhưng vẫn còn mạnh khỏe, vừa chống gậy đi lại buổi sáng vừa nhìn con cháu trong nhà kế thừa cơ nghiệp của gia đình.
Ông chủ tiệm bánh tâm sự từ những năm 1930, đã có rất nhiều người Hoa đến Sài Gòn - Chợ Lớn sinh sống, làm ăn. Trong dòng người đó có ông Triệu Mộc, một người Tiều đã chọn Chợ Lớn làm nơi dừng chân, chính là ông nội của ông Triệu An.
"Gia đình tôi trước đó đã có truyền thống làm bánh pía nhân khoai môn, kẹo mè, kẹo đậu phộng… Sau khi đến Chợ Lớn, ông nội cũng làm bánh, kẹo rồi đi bán dạo ở khu vực chợ Bình Tây. Đến năm 1948 mới bắt đầu mở lò bánh ở đây, bán trước giờ không thay đổi chỗ", người đàn ông gốc Hoa thuật lại.
Từ đó đến nay, gia đình đã trải qua 4 thế hệ làm các món bánh kẹo này tại xưởng nhà. Ban đầu, các loại bánh kẹo này chỉ dành cho người Tiều dùng vào các dịp cưới hỏi, lễ, tết, cúng kiếng, giỗ chạp, sau đã nổi danh trong cộng đồng người Hoa nói chung. Người Việt ở Sài Gòn đã biết tới các loại bánh kẹo này từ rất lâu và thấy rất hợp khẩu vị.
Chia sẻ về bí quyết để giữ chân thực khách suốt bao thập kỷ qua, ông Triệu An chia sẻ chính nhờ việc lựa nguyên liệu ngon nhất và đắt nhất để làm. Ví dụ, bột mì phải là bột mì nhập khẩu từ Nhật Bản, mè, đậu phộng cũng phải đắt tiền nhất và lựa từ vùng trồng được loại này ngon nhất.
"Bánh chúng tôi làm mới mỗi ngày, vì không dùng chất bảo quản nào nên chỉ có thể dùng được khoảng 10 ngày. Thường khi bánh mới ra lò nóng hổi, khách mua về dùng ngay sẽ rất ngon. Mỗi ngày gia đình tôi bán từ 8 giờ 30 phút sáng tới tối, nhưng thường chỉ chừng 18 giờ hơn là đã hết, khách đến mua phải hẹn ngày hôm sau", ông chủ lò bánh tâm sự.
Việt kiều về Việt Nam đón tết cũng muốn ăn thử
Anh Triệu Học Cần là thế hệ thứ 4 của lò bánh này cho biết anh về phụ với gia đình hơn 2 năm nay, sau khi tạm dừng công việc ở một công ty nước ngoài. Chàng trai trẻ tâm sự trước đó, anh chưa có ý định kế thừa lò bánh gia đình.
Tuy nhiên vì thương cha mẹ, thương tiệm bánh truyền thống từ đời ông cố nên anh đã thay đổi quyết định. "Với bản thân mình, việc cùng cha mẹ, cô chú ở tiệm làm và bán bánh pía, kẹo không còn dừng lại ở việc thích hay không thích, mà đó còn là trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn truyền thống gia đình", anh chia sẻ thêm.
Mỗi hộp bánh pía ở đây có giá dao động từ 219.000 - 279.000 gồm 4 bánh với 2 loại nhân là đậu xanh và khoai môn. Đây cũng là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng dịp trung thu, Tết Nguyên đán để làm quà biếu tặng.
Tuy nhiên phía lò bánh cho biết "best-seller" thời điểm này chính là các loại kẹo của tiệm. Nhiều người Hoa ở khắp nơi, đặc biệt là các tỉnh miền Tây cũng mua về để ăn, đón khách, tặng quà vào dịp tết năm nay.
Chị Hạnh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhờ một đồng nghiệp trong cơ quan mua một hộp bánh pía ở lò dịp cận tết. Chị cho biết có một người thân là Việt kiều Đức về quê Đà Nẵng ăn tết, vì vô tình biết tới lò bánh này qua mạng xã hội nên nhờ chị mua gửi về dùng thử.
"Bánh ở đây ngon, hợp khẩu vị với mình. Mình vô cùng thích bánh pía nhân khoai môn ở đây. Bánh ở đây được làm thủ công hoàn toàn, mỗi ngày là những mẻ bánh mới nên ăn lúc mới ra lò vô cùng thơm. Đó là lý do mà dịp tết năm nay mình cũng mua nhiều hộp bánh pía, kẹo ngọt tặng cho người thân và đối tác", anh Phan Sanh (30 tuổi), sống ở Chợ Lớn cho biết.
Ông chủ lò bánh cho biết năm nay, lò mở bán đến 28 tết, sau đó nghỉ đón năm mới vài ngày và mùng 3 sẽ mở cửa trở lại. Gia đình ông Triệu An gửi lời chúc năm mới tới tất cả khách suốt bao thế hệ ghé ủng hộ cũng như tất cả mọi người một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Bình luận (0)