'Lộ' bất cập trong cơ chế tạo quỹ đất xây nhà ở xã hội tại Hà Nội

18/12/2021 20:10 GMT+7

Tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng ngày 18.12, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đã chỉ ra một số bất cập trong cơ chế tạo quỹ đất nhà ở xã hội trên địa bàn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, ngành xây dựng sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

ctv

Đất Hà Nội có giá trị thương mại cao, xây nhà ở xã hội thấp tầng không phù hợp

Theo ông Phong, hiện nay các dự án xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn TP.Hà Nội có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở theo quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội. Nhưng những dự án này lại nằm trong khu vực theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chỉ được xây dựng nhà ở thấp tầng (liền kề, biệt thự) hoặc hình dạng khu đất chỉ phù hợp để xây dựng nhà ở thấp tầng, do đó không phù hợp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, luật Nhà ở và các quy định của pháp luật liên quan vẫn cho phép xây dựng nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng nhưng đối với địa bàn TP.Hà Nội, kể cả trên địa bàn các huyện, đất ở có giá trị thương mại rất cao, nên việc xây dựng nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng là không phù hợp.

Mặt khác, ông Phong cũng cho rằng các dự án xây dựng trong quy hoạch lại gồm nhiều chức năng như đất dịch vụ, thương mại, công cộng… và đất ở; trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ở nhỏ nên nếu dành 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội (khoảng vài trăm mét vuông) thì sẽ manh mún, không phù hợp.

Từ đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị các dự án xây dựng nhà ở thương mại quy mô trên 2 ha nhưng không phù hợp để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại dự án, do đất ở trong dự án chỉ được phép xây dựng nhà ở thấp tầng, hoặc quy mô diện tích quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội dưới 1.500 m2, thì thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các dự án khác trên phạm vi địa bàn.

Để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, cần tạo cơ chế hấp dẫn thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng hơn

lê quân

Cũng liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân đề xuất quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án nhà ở xã hội cần có hướng dẫn tính chi phí.

Cụ thể, về đất đai, cần quy định rõ thời điểm chủ đầu tư nhà ở xã hội bàn giao quỹ đất 20%, hoặc thời điểm phải thực hiện nhà ở xã hội, trong trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện đầu tư nhà ở xã hội trên phần đất 20% này.

Đặc biệt, theo ông Quân, cần có chính sách về vốn vay ưu đãi, dài hạn, ổn định cho chủ đầu tư, cũng như đối tượng được hưởng chính sách thuận lợi tiếp cận nguồn vốn này, để tạo sự hấp dẫn doanh nghiệp tham gia phát triển, tăng nguồn cung cho phân khúc này.

Thúc đẩy tái thiết nhà chung cư cũ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

"Qua đi thực tế phòng, chống dịch vừa qua, tôi thấy riêng ở TP.HCM có 700.000 căn nhà cho thuê, diện tích chỉ khoảng 9 m2/căn hộ, nhưng có đến 3 triệu công nhân, người lao động sinh sống ở đó... Từ đó đặt ra vấn đề quản lý xây dựng của chúng ta như nào, trách nhiệm của địa phương như nào?", Phó thủ tướng nói.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong thời gian tới, ngành xây dựng sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản, trong đó tập trung vào giải quyết nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà công nhân.

Bên cạnh đó, sẽ thúc đẩy tái thiết nhà chung cư cũ. Bộ Xây dựng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội; đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.