Lỡ bị 'gài kèo': 'Không uống là chú không nể nhau rồi' thì phải làm sao?

18/01/2023 15:21 GMT+7

Nếu lỡ bị người khác 'gài kèo' mời uống bia rượu theo kiểu: 'Chú không uống là chú không nể anh rồi' thì phải làm sao? Có những cách rất hay để 'thoát' trong trường hợp này. 

"Chú không uống là không nể anh rồi"

Với nhiều người trẻ, câu nói "chú không uống là chú không nể anh rồi" đã trở nên quá đỗi quen thuộc vào những dịp ăn uống, liên hoan. Nhất là vào dịp cận tết cũng như đầu năm, khi mà những buổi gặp gỡ diễn ra nhiều, kèm theo đó là những chầu nhậu, thì "chú không uống là chú không nể anh rồi" dường như xuất hiện nhiều hơn.

Đây là câu mà nhiều người hay sử dụng để "gài kèo" người khác, mời người khác nhưng bị từ chối. Hoặc những người đã ngà ngà say khi thấm men, muốn ép người khác phải "cạn ly", phải "nốc hết bia"... mà không được đồng ý là nhanh chóng thốt ra: "Chú không uống là chú không nể anh rồi".

Trần Trọng Đức (32 tuổi), nhà ở 28/10 đường Phan Tây Hồ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết đã từng là người trong cuộc.

"Mới đây, trong cuộc liên hoan tất niên cuối năm với công ty, tôi cũng bị nhiều đồng nghiệp ép uống. Vì đã uống quá nhiều, nên tôi không thể uống tiếp. Nào ngờ đồng nghiệp 'cà khịa' bằng cách nói: 'Đức mà không uống ly này với anh là Đức đã không thèm nể mặt anh rồi'. Thật sự lúc đó tôi không biết phải làm thế nào, bèn nhắm mắt nhắm mũi mà uống", Đức nhớ lại.

Nếu bị "gài kèo" kiểu này thì phải làm sao?

X.P

Võ Chí Tâm (31 tuổi, nhà ở địa chỉ 113/29 đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) cũng kể: "Hình như ở cuộc nhậu nào với nhóm bạn tôi cũng phải nghe câu này. Nhất là khi đã có hơi men, thì câu đó xuất hiện thường xuyên. Đô rượu bia của tôi hơi tệ, nên chỉ uống 2, 3 ly là mặt đỏ và thấy say say. Nhưng cứ bị mời liên tục. Hễ từ chối là bị trách móc: "Tâm từ chối không uống là đâu có nể nang gì anh". Thế là đành uống chứ không thể làm gì khác".

Khi hỏi nhiều người trẻ xoay quanh câu chuyện này, thật bất ngờ khi phần lớn câu trả lời cho biết họ đã từng ít nhất một lần bị người quen, bạn bè mời nâng ly kèm theo câu kiểu... dằn mặt: "chú không uống là chú không nể anh rồi"...

Phải làm sao?

Đặng Nghĩa Anh (34 tuổi, nhà ở 27 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM) cho biết bản thân không dưới chục lần rơi vào tình cảnh bị ép uống với câu nói: "chú không uống là chú không nể anh rồi". Những lần đầu tiên, chàng trai này chỉ biết... vừa cạn ly vừa thở dốc.

"Nhưng sau đó tôi có kinh nghiệm hơn. Tôi đã có cách thoát một cách hợp lý", Nghĩa Anh nói và kể: "Tôi nói là tôi luôn nể họ. Nhưng khả năng uống hơi yếu nên đành phải... đầu hàng. Nếu lỡ bị 'cà khịa' tiếp thì tôi nói thẳng: Nể chứ sao không nể? Vì nể anh nên em mới không uống đó. Sợ em uống vào rồi em lại hết nể anh".

Hoàng Tuấn Dương (32 tuổi, nhà ở 505/5 đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) thì kể: "Tôi mà gặp trường hợp này thì quật lại ngay: Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép rượu bia? Với lại, anh cứ ép em uống hoài thì anh cũng có nể gì em đâu, nên thôi cho em ngưng uống".

Nguyễn Hoàng Tuyển (27 tuổi, công ty công nghệ quảng cáo Nguyễn Trường, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng nếu lỡ rơi vào cảnh bị ép uống với câu "chú không uống là chú không nể anh rồi" thì cứ nói là... "em không nể anh lâu rồi chứ không phải tới bây giờ mới không nể".

"Có người từng nghe tôi nói vậy, họ im luôn. Họ nhận ra họ hơi quá đáng khi cứ ép uống. Sau đó thì tôi cười và nói là tôi chỉ giỡn thôi. Nhưng tôi vẫn từ chối uống. Mà câu nói 'em không nể anh lâu rồi chứ không phải tới bây giờ mới không nể' chỉ nên áp dụng trong những mối quan hệ thật thân thiết, kẻo những người không quen hài hước dễ... sửng cồ nổi nóng", Tuyển nói thêm.

Những cuộc gặp mặt cuối năm và đầu năm dễ bị mời mọc ép uống

X.P

Huỳnh Thanh Vương (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Thế kỷ số, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho rằng khi bị mời mọc kiểu như vậy, hãy nói: "Tí tôi chạy xe về có chuyện gì thì ông chịu trách nhiệm nhé. Nếu bị công an thổi phạt thì ông đóng phạt cho tôi nhé. Người nghe sẽ không dám ép nữa".

Nguyễn Vũ Nam (27 tuổi, làm việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam) thì bày cách: "Khi rơi vào hoàn cảnh đó, hãy nói là: Tình cảm anh em chúng ta không nên đong đếm bằng chén rượu. Anh em mình gặp nhau trong dịp bận rộn như thế này là đủ hiểu chúng ta nể nhau hay không rồi. Đừng ép nhau uống làm gì". Nam cho biết nhờ cách này mà 'thoát' được bao nhiêu lời mời bia, mời rượu.

Còn với bạn, nếu lỡ bị người khác mời mọc bia rượu vào dịp tết, kèm theo đó là câu "gài kèo": "chú không uống là chú không nể anh rồi" thì phải làm sao? Hãy hiến kế cách cho mọi người cùng nghe và áp dụng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.