Và cũng không ai nghĩ, rồi sẽ có những cuộc di trú vì sóng, rồi hàng chục hộ dân ven biển phải tất tả dọn nhà chạy sóng do triều cường mùa biển động.
Triều cường gây sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi |
PHẠM ANH |
Triều cường thì không lạ. Có điều nó ngày càng dữ dội hơn, tàn phá hơn theo năm tháng. Những con sóng bạc dữ dội đổ về, nuốt từng mảnh đất, viên đá bờ đê… Những cư dân làng chài lại đau đáu nuối tiếc nhìn về phía biển, nhìn những ngôi nhà từng cách bờ biển cả trăm mét, giờ chực chờ sụp đổ bên chân sóng.
Nhiều người dân ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi đến giờ vẫn không hình dung ra hai mảnh đất ngày ra ở riêng cha mẹ cho, giờ sổ đỏ thì còn, mà đất thì nằm cách bờ hàng chục, hàng trăm mét giữa cơn sóng bạc đang gầm gừ.
Trong hàng trăm điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, nhà nước mới chỉ có thể làm kè và hệ thống chống sạt lở ở những nơi nào rất nghiêm trọng, còn lại thì người dân vẫn phải sống chung sạt lở. Nguyên nhân chủ yếu của việc “lở đâu kè đó” này là không đủ kinh phí để làm hết một lần. Vậy nên, khi nào bờ sông, bờ biển ở đâu bị sạt lở, để giải quyết trước mắt, dân quân, bộ đội và nhân dân ở đó lại cùng nhau làm bờ kè chắn sóng tạm. Có khi, ngay ven bờ một thôn sát biển, chính quyền chỉ làm đoạn nào sạt lở nhất, đoạn chưa sạt lở nghiêm trọng thì vẫn phải chờ. Nhưng không ít lần, chỉ sau một đêm sóng đã nuốt trôi cả bờ kè vừa đắp tạm hôm trước.
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các địa phương và các cấp, ngành chức năng không khảo sát, tính toán, xây dựng một biểu đồ chung về nạn sạt lở để có giải pháp đồng bộ chống sạt lở? Lẽ nào cứ lở ở đâu thì kè ở đó, có tiền thì làm, không có tiền thì chờ và người dân thì vẫn phải lo ngay ngáy vì không biết khi nào đất đai, nhà cửa của mình bị hà bá nuốt chửng.
Bình luận (0)