Lo đề thi THPT quốc gia quá ôm đồm kiến thức

23/03/2018 08:18 GMT+7

Mặc dù có lộ trình về việc đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi nhưng khi đề minh họa được công bố nhiều giáo viên và học sinh vẫn băn khoăn, lo lắng với quãng thời gian hiện có thì đây quả là một thách thức với thầy trò.

Chỉ 20 - 30% kiến thức lớp 11 nhưng vẫn phải ôn lại hết
Dựa vào đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố, có khoảng 20 - 30% kiến thức lớp 11. Kết quả khảo sát học sinh (HS) khối lớp 12 của Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho thấy có tới 71,9% HS lo lắng về đề thi năm nay, trong đó hơn 80% lo lắng về lượng kiến thức cần ôn tập quá nhiều, phần lớn HS cho rằng chưa có thời gian ôn lại chương trình lớp 11 vì còn phải học chương trình lớp 12.
Đỗ Nhật Duy, HS lớp 12D5 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: “Điều em lo nhất là làm sao học song song được cả hai chương trình lớp 11 và lớp 12 trong khi chỉ học chương trình lớp 12 đến hết năm học đã rất vất vả”.
Tương tự, một HS của Trường THPT Quang Trung (Hà Nội) cho rằng đề minh họa cũng như đề thi thử do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức cho thấy độ phân hóa khá cao, đặc biệt phần nâng cao khó hơn hẳn so với đề năm trước. Hơn nữa, lượng kiến thức quá rộng khi phải học toàn bộ chương trình lớp 11 khiến HS rất lo lắng.
Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có văn bản tổng hợp ý kiến của các giáo viên (GV) đang dạy chương trình lớp 12 của trường và chỉ ra rằng: Thách thức chủ yếu nằm ở phần nội dung kiến thức lớp 11 được đưa vào đề thi, với phương thức thi trắc nghiệm, bất cứ chi tiết nhỏ nào cũng có thể vào đề nên để có thể học và nắm vững kiến thức lớp 12 đã là một thách thức, nay thêm kiến thức lớp 11 khiến lượng kiến thức HS phải học là quá lớn. Trong khi đó, sau khi học xong chương trình chỉ còn 4 tuần để ôn tập toàn bộ chương trình lớp 11 và 12. “Làm sao HS có thể ôn tập tốt 6 môn thi và gấp đôi lên thành 12 môn (do cả lớp 11 nữa) trong thời gian chưa đầy 4 tuần”, một GV thắc mắc.
Khó thúc đẩy đổi mới dạy học
Ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng ra đề như hiện nay sẽ rất khó thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy của GV. Muốn đạt kết quả tốt của kỳ thi, GV chỉ còn cách yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức trong sách giáo khoa, sau đó kiểm tra, luyện tập thật nhiều. Tương tự như vậy, HS muốn làm bài tốt thì cũng phải ghi nhớ hết 2 cuốn sách giáo khoa 11 và 12. Điều này là không thể! Trên thực tế, hiện nay ở các trường THPT, đội ngũ GV không còn cách nào khác là quay lại với lối dạy truyền thống, truyền thụ một chiều...
Bà Nguyễn Thị Chuật, Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, phân tích trong đề khảo sát của Sở GD-ĐT (dựa trên đề minh họa của Bộ), riêng bài văn 5 điểm, gồm kiến thức lớp 11 là 50% và lớp 12 là 50%, không có phần liên hệ mở rộng, sáng tạo cho HS viết. Nếu đề thi chính thức như đề minh họa thì không thể tránh khỏi việc HS phải luyện thi rất vất vả như trước kia. Chính vì vậy, bà Chuật đề nghị Bộ GD-ĐT cần cân nhắc khi ra đề chính thức, tránh tham kiến thức, đưa chương trình lớp 11 vào thì phải có sự giới hạn nhất định.
Bà Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng Trường THPT Thực Nghiệm (thuộc Viện Khoa học giáo dục VN, đóng tại Hà Nội), cũng cho rằng, băn khoăn chung của các nhà trường và HS về đề thi vẫn là phải ôn tập lại toàn bộ chương trình lớp 11 vì đề có thể ra vào bất cứ phần nội dung nào của chương trình.
Cũng trong tâm thế phải ôn lại toàn bộ chương trình lớp 11, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 (Nghệ An) cho biết sẽ tổ chức thi thử cho HS lớp 12 bốn lần, mỗi lần kiểm tra khoảng 25% kiến thức của chương trình lớp 11 như một cách để HS ôn tập dần, sau 4 lần thi thử, hy vọng HS có thể ôn lại toàn bộ chương trình lớp 11.
Đề phân hóa chứ không phải đánh đố !
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thẳng thắn nêu quan điểm: "Qua xem xét đề minh họa, cho GV phân tích đề và HS làm thử… tôi thực sự rất lo ngại. Hầu như đề thi của các môn thi theo đề minh họa đều tăng độ khó lên rất nhiều, như là để thi tuyển ĐH chứ không phải thi THPT quốc gia. Ví dụ, môn vật lý, hóa học và sinh học có đến 8 câu rất khó, ngoài ra còn đưa thêm cả những câu hỏi thuộc chương trình nâng cao, là chương trình mà tuyệt đại đa số các trường trên toàn quốc không học và cũng không bắt buộc phải học, nhiều câu hỏi mang tính chất đánh đố".
Ông Hòa cho rằng Bộ GD-ĐT cần xác định rõ nhiệm vụ chính của kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp chứ không phải để tuyển sinh ĐH. Nếu với cách ra đề quá khó mang tính đánh đố HS thì kỳ thi này sẽ nghiêng về việc phục vụ cho tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH và không đánh giá được bình diện chung, đặc biệt là với rất nhiều trường HS có chất lượng đầu vào ở mức trung bình. “Không thể vì mục tiêu tuyển sinh của một số trường ĐH tốp đầu mà bắt HS cả nước phải làm đề thi quá khó, gây lo lắng, hoang mang không cần thiết”, ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), đồng tình với việc đề thi cần phải phân hóa rõ hơn bởi nếu xây dựng một ma trận đề thi với những câu hỏi mà hầu hết HS đều trả lời được hoặc không trả lời được thì là một đề thi thất bại. Tuy nhiên, theo ông Lâm, phân hóa không phải là đánh đố và nhồi nhét kiến thức, những câu hỏi phân hóa phải kiểm tra được tư duy, vận dụng thực tiễn của HS thì mới thúc đẩy ngược lại quá trình dạy học tìm tòi, sáng tạo của thầy trò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.