Góp ý về nội dung tên nước quy định tại điều 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) Phạm Huy Hùng đề nghị nên tiếp tục giữ tên nước CHXHCNVN vì tên gọi này không gây cản trở cho sự phát triển, hội nhập. Hơn nữa, tên gọi này đã đi vào cuộc sống, quen thuộc với người dân, bạn bè quốc tế, nên giữ lại để đảm bảo ổn định.
|
Tán thành quan điểm của Ủy ban Dự thảo đề xuất giữ lại tên nước hiện hành trong Hiến pháp, đại biểu (ĐB) Đào Văn Bình (Hà Nội) phân tích: Tên nước hiện nay thể hiện rõ định hướng của chúng ta là đi lên XHCN. Nếu như chúng ta quay trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì dễ khiến người ta hiểu lầm là không kiên trì con đường XHCN, chưa kể còn phải xử lý nhiều vấn đề liên quan khác như con dấu, quốc huy, đồng tiền, đặc biệt là đồng tiền, trong bối cảnh hiện nay mà thay đổi tên nước dẫn tới đổi tiền thì sẽ gây xáo trộn rất lớn.
Cũng tán thành giữ tên nước hiện tại, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, việc giữ nguyên tên nước tránh những xáo trộn cũng như lãng phí lớn về quản lý hành chính, thủ tục hành chính, trong đó có đổi tiền.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) lại đưa ra ý kiến hoàn toàn khác. Theo bà Thủy, qua tiếp xúc cử tri và thảo luận tại tỉnh, nhiều ý kiến phát biểu rất muốn lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nói không sửa tên nước để khỏi tốn kém là không thuyết phục vì nếu thấy cần thiết thì tốn kém cũng phải làm”, ĐB này đề nghị. Ngồi cùng tổ, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cũng nhấn mạnh cử tri rất quan tâm đến tên nước, vì vậy nên công khai vấn đề này để mọi người dân chia sẻ. “Mọi người dân đều có quyền và trách nhiệm với tên nước, nên cân nhắc đề xuất về tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông Bảo đề nghị.
Chưa đồng nhất quan điểm kinh tế nhà nước chủ đạo
So với dự thảo ban đầu đưa ra lấy ý kiến người dân không hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo, bản dự thảo được chỉnh lý mới nhất đã đưa ra 3 phương án, trong đó hai phương án đầu tiên đều có nội dung kinh tế nhà nước là chủ đạo. Qua thảo luận tại tổ sáng qua cho thấy, giữa các ĐBQH còn nhiều quan điểm trái ngược về nội dung này.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐB Đinh Thị Bạch Mai, ĐB Võ Thị Dung, Huỳnh Minh Thiện… đều đề nghị phương án quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trong khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch, ĐB doanh nhân Đặng Thành Tâm (cũng đều là ĐB TP.HCM) đều đề nghị không cần thiết phải hiến định kinh tế nhà nước là chủ đạo vì cho rằng, quy định như vậy sẽ không bảo đảm được cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
“Bản dự thảo đầu tiên đã bỏ quy định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, giờ lại thiết kế phương án 1 như ưu tiên số 1 trong khi quá trình phát triển kinh tế đất nước không phụ thuộc riêng vào thành phần kinh tế nào. Hơn nữa, thực tế thì Đảng lãnh đạo xuyên suốt các tổ chức kinh tế chứ không riêng gì kinh tế nhà nước nên tôi ủng hộ phương án 3”, ĐB Đặng Thành Tâm phân tích.
Ở tổ Vĩnh Phúc, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cũng nhấn mạnh: Việc không hiến định kinh tế nhà nước như dự thảo ban đầu là một tư duy mới, nhân dân rất đồng tình, vì muốn phát triển được phải dựa vào tất cả các thành phần kinh tế, phải tạo được môi trường bình đẳng, không phân biệt thành phần nào với thành phần nào... Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo (ĐB Hà Nội) cũng cho rằng phương án 3 là phù hợp.
|
Chính quyền đô thị: Chưa thấy tiếp thu
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường Trần Thị Quốc Khánh, điều 115 về chính quyền địa phương cần phải được nghiên cứu để chỉnh sửa cho cụ thể. “Chúng ta thử nghiệm 5 năm nay về chính quyền địa phương không thí điểm HĐND, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng về việc này, mới chỉ sơ kết mà chưa có đánh giá cụ thể. Chính quyền địa phương giờ có 4 cấp rồi, liệu có tồn tại HĐND cấp huyện không? Tôi đi tiếp xúc cử tri, các ĐB HĐND cấp huyện, quận, phường tâm tư lắm. Đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ để làm sao quy định cho phù hợp”, bà Khánh nêu ý kiến.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho biết “không yên tâm chút nào” khi sửa Hiến pháp mà vấn đề hiến định có thành lập HĐND cấp huyện, quận, phường hay không chưa được rõ ràng. Bà Tâm đề nghị từ nay đến kỳ họp QH cuối năm cần nhanh chóng tổng kết và trung ương, Bộ Chính trị cần có quyết định rõ ràng về vấn đề này để quy định trong Hiến pháp sửa đổi. Bà Tâm đề nghị HĐND tới đây phải do người dân bầu cùng với việc hiến định rõ tỷ lệ ĐB chuyên trách HĐND. “Không thể tổ chức như hiện nay, cả một thành phố lớn như TP.HCM chỉ có 12 ĐB chuyên trách trong khi cả một bộ máy như vậy làm sao giám sát nổi”, Chủ tịch HĐND TP.HCM nói.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) tỏ ra thất vọng khi cả một chương thể hiện tâm huyết về chính quyền địa phương ông viết với tư cách là thành viên tổ biên tập nhưng không được tiếp thu, chỉnh lý trong bản trình ra QH thảo luận. “Ngay khái niệm chính quyền địa phương ra sao, địa vị pháp lý thế nào, là cơ quan quyền lực nhà nước hay đại diện cho nguyện vọng của người dân cũng chưa được làm rõ, trong khi đây là mấu chốt của vấn đề để quy định cụ thể về bộ máy tổ chức nhà nước sau này”, ông đơn cử.
Bảo Cầm - Thái Sơn - Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)