Lo giá điện tăng sốc nếu bù lỗ

02/09/2023 07:19 GMT+7

Giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh - những khoản vốn chưa được tính vào giá điện trước đây, liệu có hợp lý?

Gom cả lỗ tỷ giá, lỗ hoạt động sản xuất...

Theo dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ được thu hồi khoản lỗ từ sản xuất kinh doanh điện của năm trước đó. Quy định này được Bộ Công thương bổ sung dựa trên yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).

Lo giá điện tăng sốc nếu bù lỗ - Ảnh 1.

Giá bán lẻ điện có thể được phép tính thêm các khoản lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh

ĐỘC LẬP

Cụ thể, trong hồ sơ xây dựng quyết định mới thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công thương cho biết công thức tính giá bán lẻ điện mới cho phép thu hồi khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện, bao gồm chênh lệch tỷ giá trong thực hiện hợp đồng mua bán điện, lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện nhưng được xác định trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán. 

Việc điều chỉnh công thức tính giá bán điện bình quân, theo Bộ Công thương, làm rõ hơn yếu tố gắn với giá thành sản xuất kinh doanh điện. Chẳng hạn, chi phí mua nhiên liệu sản xuất điện tăng vọt vào năm ngoái do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ giữa quý 1/2022. Trong khi đó, giá bán lẻ điện vẫn giữ nguyên, dẫn tới EVN lỗ hơn 26.000 tỉ đồng trong năm 2022.

Bộ Công thương cho rằng Quyết định 24/2017 chưa quy định cụ thể việc xem xét giá thành thực tế sản xuất kinh doanh điện trong tính toán giá điện kế hoạch, gây khó khăn cho EVN trong thu hồi chi phí, bù đắp lỗ của năm cũ. Việc này ảnh hưởng tới phát triển, bảo toàn vốn nhà nước nếu hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN thua lỗ kéo dài. Báo cáo của EVN và kết quả kiểm tra của Bộ Công thương trước đó cho thấy tập đoàn vẫn còn khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá từ các năm trước chưa được hạch toán hết. Mức lỗ 26.000 tỉ đồng của EVN năm 2022 còn chưa tính các khoản chênh lệch tỷ giá trong năm khoảng 3.440 tỉ đồng.

Trước đó, góp ý cho dự thảo quyết định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đề xuất nên xem xét có cơ chế về giá điện để EVN có khả năng xử lý được các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện trong các năm vừa qua.

Bộ Công thương lên tiếng về giá điện mới 'gánh' khoản lỗ cũ của EVN

"Không ai muốn tăng giá điện, tôi cũng vậy. Nhưng nếu lựa chọn giữa việc trả giá điện hợp lý, có đủ điện để sử dụng, với việc giá điện rẻ đi kèm với mất điện, thiếu điện, chất lượng điện thấp, tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ lựa chọn trả giá điện hợp lý. Thế nên, các chi phí đầu tư, sản xuất, phân phối điện phải minh bạch, được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán có uy tín và phải được kiểm tra, giám sát bởi cơ quan quản lý nhà nước. Điều này phải làm hết sức chặt chẽ. Ngoài ra, cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt bán cho người dân cao hơn giá điện sản xuất bán cho DN. Chính giá điện chưa hợp lý cũng ảnh hưởng lớn đến thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành điện, mặt khác không tạo sức ép để các DN phải đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Thế nên, trong cơ chế giá bán lẻ điện bình quân, cần lưu ý chi tiết này".

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, về nguyên tắc, lãi suất vay mượn được đưa vào chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, tại các nước, khoản vay nợ bị lỗ vì biến động tỷ giá thì trách nhiệm thuộc về người/DN đi vay. Điều này phụ thuộc vào quản lý đồng tiền đi vay, phương thức vay và các yếu tố khác của DN. Do vậy, không nên tính toán lỗ tỷ giá vào giá thành sản phẩm được. Tuy nhiên, đó là nguyên tắc của một thị trường có sự cạnh tranh, các DN tự chủ, độc lập hoàn toàn, tự cáng đáng và lo mọi hoạt động kinh doanh lời lãi của mình.

Ở đây, chúng ta đang điều hành thị trường điện với một "cơ chế dở dang". EVN là DN nhà nước, nhận nhiệm vụ chính trị là bảo đảm an ninh năng lượng, đi đàm phán mua điện là nhiệm vụ EVN, nhưng giá bán ra lại theo khung giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ quy định. Nên nói cần có cơ chế để tính toán xử lý các khoản lỗ này thì có lý, song phải tách bạch ra. Các khoản lỗ hoạt động kinh doanh cụ thể thế nào, hợp lý chưa, lỗ vì biến động khó lường, tác động khách quan từ thế giới, không được tính đủ tại thời điểm giá biến động… và đã được kiểm toán đầy đủ, cần có cơ chế để khắc phục khoản lỗ này. 

"Nếu ở thị trường điện cạnh tranh, DN lời ăn lỗ chịu, thì không cần phải có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ. Ở đây, giá bán điện do nhà nước quyết, vậy cơ chế để bù lỗ sẽ do nhà nước ban hành, song nên tách bạch ra, cơ chế bù lỗ không nên bao gồm trong cơ chế giá bán lẻ điện bình quân mới được chia ở thì tương lai", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Khó điều chỉnh giá điện theo quý

Ngoài bổ sung cơ chế "bù lỗ", dự thảo quyết định mới thay thế Quyết định 24/2017 cũng cho rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng về 3 tháng. Bộ Công thương chủ trì, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát với báo cáo tăng, giảm giá của EVN nếu giá bình quân biến động 3 - 5% và từ 5% đến dưới 10%. Ở mức tăng giá điện từ 3 - 5% thuộc thẩm quyền của EVN. Tuy vậy, Bộ Tài chính mới đây có công văn phản hồi đề nghị bỏ quy định trách nhiệm của bộ này trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát với báo cáo giảm giá, báo cáo tăng giá từ 3 - 5% của EVN. 

Trong Văn bản 9259 gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính cũng nêu rõ quan điểm cần tách bạch, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá. Luật Điện lực quy định Bộ Công thương là đơn vị có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực, trong đó có giá điện. Bộ Tài chính chỉ là đơn vị phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn tới kinh tế…

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc cho cập nhật chi phí và điều chỉnh giá bán lẻ điện hằng quý là "rất khó thực hiện". Các quyết định điều chỉnh giá điện đều phải được báo cáo, kiểm toán các chi phí đầu vào, hợp lý mới cho tăng. Vậy trong vòng 3 tháng, vừa sản xuất kinh doanh, vừa báo cáo, phục vụ kiểm toán… thì làm sao kịp để bảo đảm các yếu tố minh bạch cho tăng/giảm giá điện? "Việc của cơ quan quản lý là sớm xây dựng được thị trường mua bán điện có cạnh tranh giá mua, giá bán, chứ không nên loay hoay trong bao lâu được tăng giá điện. Nên giữ lại 6 tháng cập nhật điều chỉnh và thực hiện đúng quy định là tốt rồi", ông Thịnh đề xuất.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cũng đồng tình nên làm đúng quy định 6 tháng cho điều chỉnh giá điện một lần và báo cáo hằng quý mang tính dự báo về chi phí. Theo ông Long, Nghị quyết 124 của Chính phủ ban hành ngày 7.8 vừa qua đã đặt ra yêu cầu khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh giá những mặt hàng do nhà nước quản lý. Trong đó yêu cầu đánh giá kỹ tác động và có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá điện. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.