Lo giá điện tăng trong mùa… thiếu điện

18/02/2023 06:50 GMT+7

Khung giá điện đã tăng, nhiều người lo ngại giá bán lẻ điện tăng đúng lúc cao điểm nắng nóng sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.

Miền Bắc đối diện nguy cơ thiếu điện cục bộ

Theo dự báo của TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino tái xuất và chiếm ưu thế từ tháng 5.2023. Khả năng chúng ta phải đối diện khí hậu nắng nóng và hạn hán. Có một điểm lạ ở các đợt không khí lạnh gần đây là chỉ gây mưa ở phía đông bắc và vùng ven biển, ít gây mưa ở phía tây. Trong khi phía tây là vùng thượng nguồn bổ sung lượng nước lớn cho các hồ thủy điện, trong đó có hai hồ thủy điện lớn là Sơn La và Hòa Bình.

Ông Huy nói năm 2017, thủy điện chạy thừa công suất nhờ có đợt La Nina, mưa nhiều. Sang năm 2018 - 2020, lượng mưa có giảm nhưng công suất thủy điện không bị ảnh hưởng và việc phải lo trữ nước làm thủy điện không chịu nhiều áp lực. Thế nhưng, năm nay, lượng mưa sụt giảm đến 10 - 15%, điều này đồng nghĩa với việc nguồn nước bổ sung cho hồ chứa ít đi. Hơn nữa nguồn nước dự trữ không chỉ phục vụ để chạy điện thôi mà còn dùng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp… nên nguy cơ thiếu nước phát điện, đặc biệt tại khu vực thủy điện phía bắc rất lớn. 

Chuyên gia này cảnh báo: "Nếu mực nước các hồ tụt thì sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện và giảm sản lượng điện. Nguy cơ thiếu điện cục bộ ở phía bắc trong mùa hè tới đây khá cao do sản lượng điện giảm và nhu cầu về điện gia tăng do nắng nóng. Thậm chí, El Nino có thể kéo dài sang năm sau, hậu El Nino đến tháng 3 - 4 năm sau".

Lo giá điện tăng trong mùa… thiếu điện - Ảnh 1.

Giá điện có thể được điều chỉnh tăng sớm?

ĐÌNH HOÀNG

Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ quốc gia (thuộc Tập đoàn điện lực VN - EVN), thông tin: Nếu xét chung trên toàn hệ thống, nguy cơ thiếu điện không xảy ra. Tuy nhiên, thiếu cục bộ ở miền Bắc - khu vực sử dụng điện chiếm đến 40% tổng sản lượng tiêu thụ điện của cả nước - là rất lớn trong mùa nắng nóng sắp tới. Đặc biệt thiếu trong mùa nắng nóng từ tháng 5 trở đi. Trong tháng đầu năm, thủy điện khu vực phía bắc vừa chạy vừa tiết kiệm nước để dành cho mùa nắng hạn

Bên cạnh đó, EVN đã tổ chức vận hành tối đa các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nguồn nước theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT, đồng thời bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm và bơm nội đồng hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 cho các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc bộ. Thế nên, nếu tình hình hạn hán xảy ra sớm và kéo dài từ đầu mùa hè năm nay, chắc chắn công suất thủy điện bị ảnh hưởng, dẫn đến thiếu điện cục bộ trong những tháng nắng nóng.

Ông Vũ Xuân Khu nhấn mạnh: "Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay đang khiến tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn vì giá mua điện vào tăng cao, giá bán ra thấp. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối dòng tiền. Các nhà máy bán điện cho tập đoàn sẽ có thể không nhận được đủ tiền bán điện, dù vẫn phát lên lưới hoặc bị trả chậm. Không có tiền thì nhà máy gặp khó trong mua nhiên liệu để chạy và khó duy trì hoạt động sản xuất điện.

Áp lực cho cả người dân và doanh nghiệp

Trong khi đó, theo bảng cân đối thu - chi của EVN, đến hết tháng 5 năm nay, công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản. Dự kiến bắt đầu từ tháng 6 tới, EVN sẽ thiếu hụt 3.730 tỉ đồng tiền thanh toán và đến tháng 12.2023, mức thiếu hụt lên tới 28.206 tỉ đồng. Như vậy, cộng thêm số tiền lỗ của năm ngoái và nếu giá điện vẫn "đứng yên" đến cuối năm nay, trong một báo cáo mới đây với Bộ Công thương, EVN đã đưa ra dự báo lỗ lũy kế của tập đoàn lên đến 93.817 tỉ đồng.

Trong tháng 2, việc Bộ Công thương liên tục "giục" EVN tính toán trình phương án tăng giá điện sau khi có khung giá bán lẻ điện mới tăng. Đặc biệt, trong bối cảnh EVN đang lo lắng hết tiền trong tài khoản bởi khoản lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng… càng dấy lên lo ngại giá điện sinh hoạt có thể được tăng sớm. Đáng lo nhất là giá điện có thể tăng ngay trong giai đoạn cao điểm, vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt tăng mạnh, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất cũng tăng.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường ĐH Quốc dân, cho rằng không phải là nguy cơ mà những gì diễn ra cho thấy, việc tăng giá điện sẽ được triển khai sớm trong năm nay do chính bộ quản lý cũng đề cập nhiều lần tại các cuộc họp của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng mới đây là giá điện có tăng thế nào vẫn không quá cao, gây sốc cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. 

"Nếu tăng giá điện thì rất dễ rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài. Lúc đó, tiêu thụ điện sinh hoạt thường tăng thêm 20 - 30%, thậm chí cao hơn 50%. Vậy áp lực chi trả tiền điện của người dân rất lớn. Nếu tăng vào quý 3, mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, áp lực cho doanh nghiệp trong chi trả tiền điện cũng rất lớn. Thế nên, có chi tiết quan trọng trong chỉ đạo của Thủ tướng mà các cơ quan điều hành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần lưu ý là rà soát xem các giải pháp khác ngoài giải pháp tăng giá điện lúc này. Liệu có nguồn nào khác bù vào giá điện trong thời điểm hiện nay không? Ngoài ra, nếu tăng để bù lỗ cho ngành điện, sau cân đối cần giãn thời gian bù lỗ ra 3 - 5 năm, không thể tăng mạnh để kịp cho khoản lỗ mấy chục ngàn tỉ đồng được. Vì vậy, sẽ gây sốc cho nền kinh tế vì giá điện tăng, ngay lập tức "ngấm" vào giá hàng hóa, chi phí sản xuất tăng rất nhanh. Năm nay, dự báo năm kinh tế cực kỳ khó khăn, việc tăng chi phí đẩy hết sức cân nhắc và các bộ liên quan cần cẩn trọng vấn đề này", ông Lạng phân tích.

Đây cũng là lo lắng của nhiều người. Chị N.H (Q.4, TP.HCM) lo lắng, tháng 2 này thời tiết nắng nóng, hóa đơn tiền điện nhà chị đã tăng thêm gần 200.000 đồng so với các tháng trước đó. Từ tháng 4 trở đi, lượng điện tiêu thụ sẽ càng nhiều hơn, nếu tăng giá điện thì coi như tăng 2 lần, cả về lượng tiêu thụ và giá. "Trong lúc khó khăn thế này, tăng tiền điện cũng là một khoản phải cấu chỗ nọ, véo chỗ kia cho đỡ thâm hụt vào các khoản khác", chị N.H nói.

Về giải pháp, chuyên gia này vẫn khuyến khích ngành điện đẩy mạnh phát triển lưới điện thông minh, số hóa để giảm nguồn nhân lực, giảm chi phí tiền lương. Tăng đầu tư công, đường truyền tải, đầu tư tích điện để có thể tăng mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo đang bị lãng phí công suất, truyền đến các vùng có nguy cơ thiếu điện. 

Báo cáo "Đánh giá điện năng châu Âu" 2022 cho thấy, năng lượng gió và mặt trời đã tạo ra 1/5 lượng điện kỷ lục của EU, lần đầu tiên vượt qua khí gas hóa thạch (20%) và vẫn ở trên điện than (16%). Báo cáo này nhấn mạnh, năm 2023, điện than tại EU giảm mạnh, với sự phục hồi của thủy điện, sự trở lại của các tổ máy điện hạt nhân của Pháp, tiếp tục tăng tốc của gió, mặt trời, nhu cầu điện thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng năng lượng tái tạo.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng: "Trong báo cáo của EVN với Bộ Công thương, tôi có thấy EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10 - 30% do không cân đối được nguồn vốn. Thiết nghĩ đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc, đường truyền điện hiện đại lên, an toàn hơn cần được chú trọng bởi nó giúp giảm hao hụt trong điện năng, giúp an toàn vận hành hệ thống điện".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.