Lo hàng rào điện ngăn voi mất tác dụng vì voi... quá thông minh

31/08/2018 19:31 GMT+7

Hàng rào điện bảo vệ voi có giá trị 25 tỉ đồng mới đưa vào hoạt động hơn một năm nhưng tỉnh Đồng Nai lo mất tác dụng trong vài năm tới vì voi... quá thông minh.

25 tỉ đồng cho 50km hàng rào điện
Sau hơn 1 năm vận hành thử nghiệm, giữa tháng 8 vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai, đã bàn giao hạng mục hàng rào điện (dài 50km, trị giá 25 tỉ đồng) cho các chủ rừng nơi mà hàng rào điện đi qua, gồm Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn Hóa Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà và Vườn quốc gia Cát Tiên để quản lý, bảo vệ, vận hành.
[VIDEO] Đồng Nai sợ hàng rào điện "bất lực" vì voi rừng quá thông minh

Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, qua thẩm tra cho thấy đàn voi ở Đồng Nai có 16 cá thể thuộc 1 đàn và chia thành 2 nhóm, trong đó có hai voi đực ngà lệch to lớn. Đàn voi này phân bố và di chuyện rộng trên diện tích hơn 42.000 ha, từ Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai qua Lâm trường La Ngà, đến Vườn quốc gia Cát Tiên.


Cũng theo ông Dũng, trước đây giữa voi và người thường xuyên xảy ra xung đột do voi tìm ra khu dân cư, các nương rẫy để tìm kiếm thức ăn, tàn phá hoa màu, mùa màng của người dân. Nhưng từ khi có hàng rào điện thì xung đột giảm rõ rệt, giá trị kinh tế của nương rẫy nhờ đó đưọc nâng lên. Như 1ha xoài trước đây bán chỉ được 20 triệu đồng vì voi phá gần hết thì nay tăng lên từ 60 - 80 triệu đồng, bà con sống cạnh bìa rừng rất vui.

Chỉ có tác dụng trong vài năm (!?)

Theo ông Dũng, hàng rào điện chỉ là giải pháp bảo vệ trước mắt, còn lâu dài phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác mới mong chấm dứt xung đột giữa voi và người. Cụ thể là phải khôi phục, cải tạo và mở rộng sinh cảnh tự nhiên có quần thể voi; trồng bổ sung cây thức ăn, cây thuốc trị bệnh cho voi trong phạm vi khu vực dự án bảo tồn voi; bổ sung điểm cung cấp khoáng chất cho voi; cải thiện nguồn cung cấp nước.

Còn ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, nhận định: “Có hàng rào điện trước mắt giúp người dân an tâm hơn trong quá trình sản xuất, không sợ voi ra phá, nhưng nó chỉ có ý nghĩa tạm thời thôi, từ 3-5 năm, chứ không vĩnh cửu được. Bởi voi rất thông minh, lâu ngày nó sẽ có cách nó phá được hàng rào để vượt qua”. Để tránh xung đột bền vững, ông Mùi hiến kế phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vì nếu dân vẫn cứ trồng những loại cây voi thích ăn trên nương rẫy gần bìa rừng thì voi vẫn cứ tìm ra, mặc dù thức ăn trong rừng là không thiếu.

Đồng quan điểm trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho rằng trước mắt cần hàng rào điện để hạn chế xung đột giữa voi với người. Về lâu dài cần nghĩ đến việc trồng một hàng rào bằng cây xanh, như cây tre chẳng hạn, để khi hàng rào điện mất tác dụng thì hàng rào sinh học ngăn lại”.

Hàng rào điện là một hạng mục trong Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai xây dựng, có tổng vốn đầu từ là hơn 74 tỉ đồng, trong đó ngân sách T.Ư 80% và địa phương 20%. Nhiệm vụ của hàng rào điện ngăn cách khu dân cư và các nương rẫy của người dân với rừng tự nhiên, nơi voi thường ra tìm thức ăn và xung đột với người.

Hàng rào được tạo thanh từ 2.227 cột bê tông, cao 2,2 m, trên đó gắn 4 sợi dây cáp dẫn điện. Cơ chế hoạt động của hàng rào là lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc quy 24V, các bình ắc quy này đặt tại 10 trạm tăng áp dọc theo hàng rào, các trạm cách nhau 5km. Sau đó thông qua bộ phát xung nâng điện thế lên trung bình từ 6.000V - 11.000V rồi phát vào dây rào điện. Ngoài ra, còn tùy vào địa hình, vùng đất khô hay ẩm ướt, và có kim loại nằm lẫn trong đất hay không, để tăng giảm mức điện cho phù hợp.

Điện trên hàng rào được phát đi theo hình thức phát - tắt trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 1/3 giây, nên khi người đụng vào sẽ giật bắn ra, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng. Đối với voi các các loài thú khác cũng vậy, chỉ gây hoảng sợ và không dám lại gần. Toàn bộ hàng rào có tổng cộng 26 cổng chính và 129 cổng phụ dành cho người dân ra vào nương rẫy canh tác và thu hoạch nông sản.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.