Người Việt thường sợ độ cao, ngại thử thách, không thích phiêu lưu nên du lịch mạo hiểm ít phát triển. Ngoại trừ các bạn trẻ, thích khám phá và trải nghiệm; đa phần chọn các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm…
Vì thiếu các loại hình phù hợp, lớp trẻ VN khoái đua xe tốc độ, ưa dùng bạo lực để giải quyết những mâu thuẫn vụn vặt.
Ở các nước, các trò chơi cảm giác mạnh và thể thao mạo hiểm rất phổ biến, được các bạn trẻ yêu thích với hàng chục loại hình. Xuống núi bằng vách đá thẳng đứng với thiết bị chuyên dùng được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh lớp 6 ở Pháp. Từ bậc tiểu học, học sinh các nước phát triển đã thực hành nhiều môn thể thao mạo hiểm.
Các bác sĩ, huấn luyện viên và hướng dẫn viên đều được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề. Vấn đề an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Cả nhà tổ chức lẫn du khách đều được kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt.
VN thì ngược lại, chẳng ai quản lý. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một số môn thể thao và du lịch mạo hiểm đã du nhập vào VN mà người tiên phong là huấn luyện viên người Pháp, Didier Resach. Với thời gian, các loại hình này ngày càng phát triển nhưng chưa có địa chỉ đào tạo. Chủ yếu là học lóm, học lẫn nhau và học trên mạng, cứ làm đại kiểu “điếc không sợ súng”. Học các chuyên gia nước ngoài mà cứ muốn “đi tắt đón đầu”, “trò khôn hơn thầy” nên xuề xòa chất lượng.
Đặc biệt là coi thường các chuẩn mực an toàn, từ nghiệp vụ đến thực phẩm và giao thông. Quản lý nhà nước gần như bỏ mặc, du khách thì dễ dãi nên ai cũng tổ chức du lịch mạo hiểm được. Năm nào cũng có tai nạn chết người. Khi thì leo núi lạc đường, mất tích; khi thì trượt chân té ngã xuống vực, xuống thác. Khi thì đụng xe (đi phượt), khi thì trục trặc vận hành các trò chơi cảm giác mạnh…
Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn là dư luận lại bức xúc, đổ lỗi qua lại, ném đá lẫn nhau mà chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm và chưa có biện pháp phòng chống. Nơi xảy ra tai nạn ở thác Datanla của 3 du khách Anh từng được gọi là vực tử thần vì thường xảy ra tử vong, cả vô tình và cố ý. Lỗi trước hết thuộc về du khách, không biết “chọn mặt đặt tour”, không cần đóng bảo hiểm, chấp nhận đi chui…không hiểu vô tình hay cố ý? Lỗi sau đó thuộc về nhà tổ chức, “thấy người ta ăn khoai là vác mai đi đào”, làm du lịch mạo hiểm một cách liều lĩnh, thiếu nghiệp vụ mà cứ nhắm mắt làm đại, kiểu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Lỗi sau cùng và nặng nhất thuộc về nhà quản lý, bỏ mặc các công ty tự tung tự tác, đùa giỡn với tính mạng du khách, buông lỏng từ năm này qua năm khác.
Để những tai nạn thương tâm không tiếp diễn cần phải xử lý nghiêm túc trách nhiệm liên quan. Ban hành các chuẩn mực tối thiểu của bác sĩ, huấn luyện viên, hướng dẫn của du lịch mạo hiểm. Phải có chứng chỉ hành nghề do các đơn vị chuyên nghiệp đào tạo. Tổng rà soát các đơn vị tổ chức, rút giấy phép, đóng cửa các đơn vị vi phạm vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Du khách phải được tư vấn và kiểm tra sức khỏe khi tham gia các loại hình này.
Du lịch không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng mà còn cả tài sản và tinh thần cho du khách thì cuộc vui mới trọn vẹn.
Bình luận (0)