Đây không phải lần đầu, mà cứ mỗi khi thế hệ iPhone mới được bán ra tại nước ngoài, thì thị trường Việt Nam lại nhanh chóng sôi động, bàn tán không ngớt xung quanh những chiếc iPhone "xách tay" vừa "cập bến". Rồi những chiếc máy này có giá bán ngất ngưởng, cao hơn rất nhiều so với giá gốc nhưng vẫn được nhiều người săn đón.
Thực tế suốt nhiều năm qua, những chiếc iPhone cũng như nhiều thiết bị công nghệ hàng "xách tay" khác vẫn đang vô tư chào bán ở Việt Nam. Không chỉ thuế nhập khẩu mà việc quyết toán thuế, khai báo doanh thu liên quan chủng loại hàng "xách tay" như vậy khá mơ hồ và có lẽ phần lớn đều "trốn thuế". Chỉ riêng nhìn vào số lượng iPhone "xách tay" được rao bán trên thị trường thì có lẽ số thuế thất thu chắc chắn không nhỏ.
Không chỉ các loại hàng hóa "xách tay", nhiều mặt hàng khác từ nước ngoài, nhất là hàng Trung Quốc, được bán thông qua nhiều kênh mà nổi bật phải kể đến thông qua các sàn thương mại điện tử cũng không có nguồn gốc chứng từ rõ ràng.
Thậm chí, như Thanh Niên từng có bài điều tra phản ánh cả một hệ sinh thái hàng lậu từ Trung Quốc bán qua Việt Nam. "Hệ sinh thái" này bao gồm từ nguồn hàng, dịch vụ thanh toán ngoại tệ đến vận chuyển xuyên biên giới rồi giao tận nơi, hỗ trợ bán hàng qua internet… đã trở thành "thiên đường" cho nhiều người không chỉ mua để sử dụng mà còn nhập lậu hàng từ Trung Quốc về Việt Nam để kinh doanh. Qua đó, chỉ cần 1 cú "nhấp chuột" trên các trang bán hàng Trung Quốc nhưng giao diện tiếng Việt là có thể "đánh hàng" đủ loại: quần áo, hàng tiêu dùng, thiết bị điện tử…
Rõ ràng, thực trạng vừa nêu gây thất thu không nhỏ về thuế nhưng vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua, thậm chí công khai như nhiều cửa hàng điện thoại không ngần ngại quảng cáo iPhone "xách tay" hay những trang mạng mời "đánh hàng" Trung Quốc. Không những vậy, điều này tạo ra sự bất công nghiêm trọng khi so với thu nhập cá nhân đang bị "đánh thuế không sót một đồng" ngay cả khi mức giảm trừ gia cảnh cũng như mức thu thuế tồn tại nhiều bất cập và gây thiệt thòi cho người dân.
Sự tồn tại của "hệ sinh thái" hàng lậu không chỉ gây thất thu lớn về thuế, mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro khác như gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính, nhất là ngành sản xuất của Việt Nam, đồng thời lưu hành những sản phẩm có chất lượng gần như không thể kiểm soát. Ở một góc độ nhất định, thì đó còn là rủi ro về mặt an ninh.
Chính vì thế, thực trạng hàng "xách tay", "hệ sinh thái" hàng lậu như trên là một lỗ hổng không nhỏ ẩn chứa nhiều rủi ro cho ngân sách, nền kinh tế và cả người tiêu dùng. Nếu không sớm giải quyết triệt để lỗ hổng này thì chúng ta sẽ còn thiệt hại không nhỏ.
Bình luận (0)