Tìm hiểu thực tế trên mạng xã hội thì có không ít nhóm kín như: Hack camera vợ chồng, hack camera khách sạn; Hack camera quay lén VN...
Mua bán thông tin từ camera an ninh
Bên cạnh đó, nhiều hội nhóm kín trên ứng dụng Telegram rao bán hàng nghìn video quay cảnh nhạy cảm hack từ camera ở các gia đình. Đáng lưu ý, các hội nhóm này có hàng trăm nghìn lượt theo dõi như "Hack camera quay lén VN" gần 200.000 thành viên đăng ký. Tương tự nhóm kín khác tên "Hack camera" gần 60.000 người theo dõi. Hacker đưa 3 gói để khách lựa chọn: gói "VIP Reaction" chỉ cần bỏ ra 150.000 đồng để trải nghiệm còn nếu chấp nhận mức giá 500.000 đồng, người mua sở hữu toàn bộ các video cập nhật thường xuyên.
Thời gian qua, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân qua camera ngày càng tinh vi, mà đối tượng nhắm đến thường là nữ. Nhiều người, bao gồm cả một số người nổi tiếng (như trường hợp nữ ca sĩ Văn Mai Hương năm 2019) bị phát tán nhiều hình ảnh nhạy cảm, riêng tư do camera an ninh gắn ở nhà riêng ghi lại.
Theo các chuyên gia về công nghệ và pháp luật, việc lắp đặt camera an ninh ngày càng phổ biến ở hộ gia đình, cơ sở dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích về an toàn, an ninh nhưng cũng gây không ít nguy cơ. Một số người do thiếu hiểu biết về quyền riêng tư và các quy định pháp luật có thể có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là hack camera, đánh cắp hình ảnh nhạy cảm rồi lan truyền trên mạng nhằm mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, thậm chí tống tiền hay rao bán trong các hội nhóm kín.
Thượng tá Đỗ Minh Kim, Phó trưởng phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), đánh giá camera giám sát đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, từ bảo vệ an ninh cho đến quản lý an ninh trật tự. Việc lắp camera giám sát mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đi kèm với những rủi ro đáng kể về lộ lọt dữ liệu và mất an toàn thông tin. Nếu những dữ liệu riêng tư lọt vào tay những cá nhân hoặc tổ chức không đáng tin cậy thì có thể bị lợi dụng để gây hại cho sự riêng tư và danh dự của cá nhân hoặc tổ chức, hoặc dùng để gây tổn hại danh tiếng, xâm phạm quyền riêng tư.
Vì vậy, nhằm góp phần vá lỗ hổng lộ lọt thông tin qua camera an ninh và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thượng tá Kim nhấn mạnh các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong hoạt động sử dụng internet, không gian mạng, về hành vi xâm phạm quyền riêng tư…
Theo thượng tá Kim, bên cạnh những việc đã làm được thì công tác quản lý nhà nước đối với các dịch vụ internet cũng bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục như thiếu khuôn khổ pháp lý cùng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người sử dụng khỏi những thông tin và ứng dụng độc hại từ internet. Đặc biệt, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. "Đồng thời phát hiện, tố giác hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm quyền riêng tư của các đối tượng để cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", thượng tá Đỗ Minh Kim nhấn mạnh.
Phạt tù đến 15 năm
Theo TS Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học VN, hành vi phát tán hình ảnh, thông tin cá nhân mà không có sự cho phép của người trong cuộc là xâm phạm quyền riêng tư. TS Hòa An đánh giá nạn nhân có thể bị tổn thương tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe tinh thần, uy tín và danh tiếng. Ngoài ra, nếu họ căng thẳng, lo âu kéo dài sẽ dẫn đến trầm cảm.
"Đa số nạn nhân cảm thấy sốc, hoang mang khi bị lan truyền hình ảnh cá nhân đột ngột với mục đích bôi nhọ. Nếu là người nổi tiếng, họ còn chịu thêm áp lực phản ứng từ công chúng", TS Hòa An nói.
Đáng lo ngại, chuyên gia này cho rằng nạn nhân phải đối diện với việc mất kiểm soát quyền riêng tư, chứng kiến hình ảnh cá nhân tiếp tục bị lan truyền nhanh, rộng, rồi tự đổ lỗi cho chính mình vì để lộ thông tin cá nhân hoặc hình ảnh nhạy cảm.
Do đó, TS Hòa An khuyến cáo nạn nhân nên lập tức trình báo cơ quan chức năng và báo cáo hành vi vi phạm cho các nền tảng mạng xã hội, yêu cầu gỡ bỏ hình ảnh. Đồng thời, trong trường hợp ảnh hưởng tinh thần nặng nề, bị hại nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý để giảm bớt cảm giác lo âu, sợ hãi và rút lui khỏi mạng xã hội để giảm "gánh nặng" tâm lý.
Về mặt pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Công, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của người khác phải được cá nhân đó đồng ý hoặc vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Ngược lại, hành vi quay lén, phát tán hình ảnh nhạy cảm nhằm mục đích bôi nhọ danh dự của người khác là vi phạm pháp luật và đạo đức, tùy tính chất, mức độ nguy hiểm mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, theo luật sư Công, nếu không gây hậu quả nghiêm trọng thì phạt tiền đối với tổ chức từ 10 đến 20 triệu đồng, cá nhân từ 5 đến 10 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Trường hợp quay lén, phát tán hình ảnh nhạy cảm có nội dung dâm ô, đồi trụy, trái thuần phong mỹ tục thì phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng với tổ chức và 15 - 25 triệu đồng với cá nhân.
Luật sư Công cho biết thêm hành vi nói trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "làm nhục người khác" với khung hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi.
Ngoài ra, nếu hình ảnh bị phát tán có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy", phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm tùy mức độ.
Ngoài ra, luật sư Công lưu ý pháp luật hiện hành chưa quy định chủ hộ phải đăng ký vị trí lắp đặt camera với chính quyền địa phương. Do đó, chủ hộ có quyền lắp camera giám sát, bảo đảm an toàn cháy nổ, trộm cắp nhưng cần đảm bảo quyền riêng tư của hàng xóm, người thuê trọ… Riêng với chung cư, việc lắp đặt camera chỉ được thực hiện trong phạm vi phần sở hữu riêng của chủ hộ và phải thực hiện theo nội quy của ban quản lý chung cư (nếu có).
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), hoạt động tội phạm mạng ngày càng tinh vi, phức tạp và nguy hiểm hơn. Mục đích của những cuộc tấn công mạng đã chuyển từ chứng tỏ bản thân, khoe chiến tích sang đánh cắp thông tin, tống tiền.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, A05 đã xử lý hơn 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng. Còn theo số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT, VN có gần 80 triệu người sử dụng internet và 2/3 dân số bị thu thập dữ liệu cá nhân, chia sẻ trên mạng xã hội. Các vụ lộ lọt thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: nhận thức của người dùng chưa cao, hệ thống thiếu đảm bảo an toàn và các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ thông tin khách hàng trái phép cho bên thứ ba.
Bình luận (0)