Như Thanh Niên đã thông tin, cơn sốt đất đã kéo nhiều người dân nông thôn ra khỏi sinh kế truyền thống để trông chờ bán đất đổi đời; trong khi giới đầu cơ thì mua đất bỏ hoang chờ tăng giá kiếm lời. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, các “dự án” phân lô đất vườn được rao bán ở H.Củ Chi là đất trồng cây lâu năm, nhưng môi giới cam kết “sẽ lên thổ cư được”. Nếu đòi xem sổ đỏ thì họ sẽ thoái thác với lý do “đang tách, phải 3 - 4 tuần nữa mới ra sổ” và hối khách ký hợp đồng đặt cọc, khi có sổ sẽ ký công chứng. Các công ty này lôi kéo khách bằng rất nhiều chương trình tặng từ vài chỉ đến cả lượng vàng khi xem đất và ký hợp đồng/đặt cọc ngay trong ngày…
Anh N.N.Hùng, một người dân Củ Chi, cho biết: “Các công ty môi giới báo giá cao hơn rất nhiều so giá gom đất từ người dân. Họ tràn về mua bán, thu gom, tạo sốt khiến thanh niên trai tráng ở quê giờ không ai làm gì nữa, chỉ la cà từ quán cà phê sang quán nhậu rồi chờ bán đất đổi đời. Một số chuyển sang làm cò đất”.
Tuy tâm điểm cơn sốt đất ở TP.HCM hiện nay xảy ra ở H.Củ Chi, nhưng đã lan sang cả các địa phương khác nằm trong hướng tây bắc của TP. Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND H.Hóc Môn, nhận định: “Tình hình sốt giá đất nông nghiệp đang diễn ra ở các nơi khác, riêng tại H.Hóc Môn thì cơ bản đã được kiểm soát. Việc các chủ đất mua đất nông nghiệp rồi bỏ không sản xuất cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ quản lý và can thiệp khi họ sử dụng sai mục đích, còn họ bỏ không hay rào chắn để giữ đất thì mình không can thiệp được”.
Ruộng lúa cặp bờ sông trên địa phận xã An Phú, H.Củ Chi giờ “mọc” lên cọc bê tông |
MINH ĐĂNG |
Coi chừng bẫy “sốt qua miệng cò”
“Nhìn vườn, ruộng bỏ hoang, bên ngoài được cắm cọc bê tông, kẽm gai quây kín mà thấy quá sức lãng phí! Sau thông tin lên TP, nhiều nơi đất sốt giá hầm hập. Nhiều người dân nông thôn giờ chỉ trông chờ bán đất để đổi đời; người trẻ không thiết tha với công việc hằng ngày nữa, mà lê la khắp nơi, bàn ra tán vào, chỉ mong bán được đất có tiền. Nhiều người khác chuyển thành cò với mong muốn đổi đời. Trong khi đó, những người đầu cơ thu gom đất và bỏ hoang ở đó, để chờ giá đất tăng lên và kiếm lời nhiều hơn. Cảnh tượng này không biết nên vui hay buồn?”, bạn đọc (BĐ) Trình chia sẻ.
Cùng ý kiến, BĐ N.Phong đặt câu hỏi: “Rồi ruộng, vườn được rào lại và bỏ hoang lãng phí, vì sao lại có tình trạng này?”. BĐ [email protected] cũng thắc mắc: “Thật uổng phí vô cùng. Tiền đổ vào đất rồi bỏ đó chờ giá lên kiếm lời, trong khi đất cho sản xuất vẫn đang rất cần”.
Trong khi đó, BĐ [email protected] cảnh báo: “Mua thì dễ nhưng bán lại rất khó. Vì muốn bán thì phải qua cò, mà cò thì họ lo bán đất của họ phân lô lời gấp nghìn lần phí bán đất của mình, nên dù cần tiền muốn bán mà bán không được. Sốt là sốt qua miệng cò “gáy” thôi chứ dù có lên TP thì không biết 20 năm nữa dân cư có lấp đầy chưa nữa chứ đừng nói là vài năm”.
Lo sinh kế người dân “hậu sốt đất”
Nói về việc sốt đất đang diễn ra tại Củ Chi, BĐ Nguyễn Hải cho biết: “Đây là cảnh tượng thường thấy ở những khu vực quy hoạch trước đây và nay đang xảy ra ở Củ Chi, Hóc Môn… Vui hay buồn thì cũng tùy người. Ai có nhà đất mà nhà đất tăng giá lại không vui? Nhưng những người đang tìm một nơi an cư thì choáng với giá nhà đất tăng phi mã”.
Hãy nhìn TP.Thủ Đức, giá lên chóng mặt nhưng giao dịch nhỏ giọt.
Roger Tran
Người có nhu cầu thật về nơi ở như công nhân, người làm công ăn lương… sẽ ngày càng khó kiếm được nhà, trong khi đất đai bị thu gom để hoang chờ đẩy giá phi thực tế. Thật lãng phí nguồn lực và tài nguyên xã hội.
Vũ Bằng
Cần có giải pháp cắt những cơn sốt đất, nắn dòng tiền vào sản xuất thay vì “chôn” trong đất mà không mang lại lợi ích nhiều cho kinh tế - xã hội.
Quang Dang
Nhiều BĐ lại bày tỏ nỗi lo “hậu sốt đất”, khi đất đai bán hết, tiền thu về đầu tư nhà cửa, mua sắm để “đổi” đời… hết rồi thì đời sống và mưu sinh của người nông dân khi đó sẽ ra sao? BĐ Tân Tân lưu ý: “Cái quan trọng là làm sao biến cơ hội huyện lên TP, giá nhà đất tăng cao, để đổi đời thật sự cho mình. Bán được đất, có tiền rồi thì làm gì để sống? Hãy học một nghề nào đó, làm một việc nào đó thích hợp với bản thân và nhu cầu của địa phương để sống. Cái này tùy vào mỗi người. Chứ bán đất được cục tiền mà không lo làm lụng, chỉ biết ăn xài thì sẽ sớm tiếc nuối thôi”. Tương tự, nói về những thanh niên trai tráng ở nông thôn giờ không làm lụng gì mà chuyển sang làm… cò, BĐ Ha Thanh cũng nêu câu hỏi: “Người đi làm cò, làm vạc... thì sẽ như thế nào đây?”.
“Thiết nghĩ, lãnh đạo TP nên quan tâm đến phát triển các ngành nghề ở các vùng này để tạo ra giá trị của cải vật chất và công việc cho người lao động… Giờ hạ tầng chưa thấy mà giá đất đã “đi trước mấy năm rồi”, BĐ Tuan Anh Hoang đề xuất.
Bình luận (0)