Lo lắng tội phạm mạng, bức xúc thi hành án hành chính

27/10/2020 05:18 GMT+7

Thảo luận công tác phòng chống tội phạm và tư pháp ngày 26.10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng tình hình tội phạm mạng ngày càng tăng, nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực song không được thi hành.

Tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp

Đại biểu (ĐB) Đinh Công Sỹ (Sơn La) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông ngày càng phức tạp, có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và gây thiệt hại lớn…, như tội đánh bạc lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. “Trong năm 2020, đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông và tin học cũng đã tăng 20% về số vụ”, ĐB Sỹ nói và cho rằng phải có chế tài nặng hơn.
Còn ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) thì lo lắng hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn. Dẫn ví dụ việc vợ nạn nhân vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng trong tài khoản, hay vụ 3 chi nhánh BIDV tại Phú Thọ đã bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vừa qua..., bà Hà cho rằng Chính phủ cần có biện pháp quản lý hiệu quả.
Giải trình về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết: “Các hành vi phạm tội là thông qua mạng, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động lừa đảo, hoạt động kinh doanh đa cấp hay xâm phạm đời tư. Lợi dụng công nghệ thông tin để phát tán những thông tin độc hại, sai sự thật hoặc tấn công, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước thềm đại hội Đảng các cấp”.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng thừa nhận dù đã có luật An ninh mạng, luật An toàn thông tin song Chính phủ sẽ tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để tạo hành lang pháp lý phù hợp.

Khoảng lặng trong báo cáo

Là ĐB nêu ý kiến cuối cùng, ĐB Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nói rằng, ông đồng tình với những đánh giá về kết quả đạt được của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, song vẫn cảm thấy rằng, trong các báo cáo “vẫn còn một khoảng lặng”.
“Đó là tình trạng những vụ án mà Viện KSND tối cao bảo không sai và thi hành án lại càng đúng, nhưng đương sự trong vụ án chịu nhiều thiệt thòi và vẫn mong có sự giải quyết thỏa đáng”, ông Hồng nói và dẫn chứng có vụ án người dân từ chỗ có nhà cửa đàng hoàng, sau quy trình tố tụng dù cuối cùng được tuyên là đúng, nhưng nhà cửa thì không còn và phải trông chờ vào sự đền bù của bị đơn, mà trên thực tế không còn khả năng thi hành án.
“Tôi thiết tha đề nghị các cơ quan tư pháp ngồi lại với nhau, rà soát lại tất cả các vụ án có dấu hiệu tương tự, làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp giải quyết thỏa đáng cho người dân bị thiệt thòi”, ông Hồng kiến nghị. 

Nghiên cứu cơ quan thi hành án hành chính chính thức

ĐB Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2020, tỷ lệ thi hành các bản án hành chính mới chỉ đạt 43,73%. “Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa, có chỉ đạo và phải yêu cầu người đứng đầu UBND phải chịu trách nhiệm về những bản án hành chính”, bà Dung nói.
Thảo luận sau đó, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết có rất nhiều bản án hành chính không được các chủ tịch UBND và UBND thi hành, song không có bất kỳ một trường hợp nào bị xử lý. Ông Nhưỡng đặt câu hỏi tại sao không xử lý các UBND, chủ tịch UBND không chịu thi hành các bản án hành chính trong khi pháp luật đã có quy định?
“Kể cả xử lý hình sự. Tội không chấp hành bản án có rồi. Tại sao không xử lý?”, ông Nhưỡng nói, và đặt vấn đề: “Liệu có việc cơ quan nhà nước bao che cho nhau?”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng: "Liệu có việc cơ quan nhà nước bao che cho nhau?"

Giải trình nội dung này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết Chính phủ ban hành nhiều văn bản về tăng cường chấp hành tố tụng hành chính, nhưng thực thi còn hạn chế do chưa có cơ quan thi hành án chính thức; Bộ Tư pháp chỉ được Chính phủ giao theo dõi, đôn đốc giúp Chính phủ.
“Tới đây, chúng ta nghiên cứu có cơ quan thi hành án hành chính chính thức, có hiệu lực, hiệu quả, có quyền lực thật sự trong việc cưỡng chế thi hành án”, ông Bình nói và cho biết sẽ nghiên cứu giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Nội vụ để xử lý kỷ luật những người không chấp hành án hành chính.

Đồng tình thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM

Chiều 26.10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Theo dự thảo nghị quyết trình ra Quốc hội, từ 1.7.2021, TP.HCM sẽ tổ chức chính quyền đô thị, theo đó, sẽ không tổ chức HĐND ở các quận và phường thuộc quận. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TP.HCM (bao gồm: huyện, TP thuộc TP.HCM; xã, thị trấn) vẫn thực hiện như hiện nay. Chính phủ cũng đề xuất việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ không thí điểm như Hà Nội và Đà Nẵng và thực hiện ngay.
Thảo luận sau đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng 6 năm trước, TP.HCM cùng 10 địa phương khác đã tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, phường, huyện. Tổng kết thí điểm cho thấy, việc này mang lại hiệu quả lớn, được cử tri và nhân dân ủng hộ. Bên cạnh đó, trước đây, Hà Nội và Đà Nẵng phải thí điểm vì lúc đó, luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa sửa đổi. Hiện nay, luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa (từ năm 2019) nên hoàn toàn có cơ sở pháp lý để TP.HCM tổ chức chính quyền địa phương ngay mà không cần thí điểm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, ĐBQH TP.HCM, cho rằng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì việc ra quyết định, xử lý công việc nhanh hơn. Đồng thời, nếu những người đứng đầu không đáp ứng được công việc thì việc thay thế do UBND, HĐND TP thực hiện cũng nhanh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.