Lo lắng và đổ lỗi sau vụ ngân hàng phá sản ở Mỹ

13/03/2023 06:20 GMT+7

Sự sụp đổ đột ngột của Silicon Valley Bank (SVB) đã gây hoảng loạn trong ngành công nghệ còn các quản lý cấp cao và giới đầu tư tận dụng cơ hội này để chỉ trích lẫn nhau và thúc đẩy thông điệp của mình, theo tờ The New York Times (NYT).

SVB, ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ và là lựa chọn đầu bảng của các start-up ở Thung lũng Silicon, đã phá sản hôm 10.3 sau khi nỗ lực huy động vốn thất bại và khách hàng ồ ạt rút tiền. Đối với phe ủng hộ tiền điện tử, mô hình ngân hàng tập trung theo kiểu truyền thống là nguyên nhân dẫn đến việc này. Họ cho rằng một hệ thống tài chính không bị ràng buộc bởi các ngân hàng lớn và các thiết chế quản lý khác sẽ tốt hơn. 

"Đây là cơ hội để hít một hơi và xem xét tính thực tế của mô hình phi tập trung", Tổng giám đốc Mo Shaikh của Công ty tiền điện tử Aptos Labs, nói với NYT.

Lo lắng và đổ lỗi sau vụ ngân hàng phá sản ở Mỹ - Ảnh 1.

Trụ sở SVB tại Santa Clara, California

Reuters

Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng thay đổi khi một công ty tiền điện tử lớn tiết lộ họ có hàng tỉ USD bị mắc kẹt tại SVB. Làn sóng chỉ trích và đổ lỗi sau đó đi theo cả hai hướng. Một số nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ lập luận rằng sự xuất hiện của các nhân tố xấu và những cú sụp đổ chỉ sau một đêm trong thế giới tiền điện tử đã khiến mọi người hoảng loạn, tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng tại SVB.

SVB, ngân hàng số một cho nhiều start-up Mỹ, đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Theo Hãng tin Bloomberg, hiện các nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ ở châu Á, từ Mumbai đến Thượng Hải, đang cố gắng đánh giá tác động tiềm tàng đối với ngành công nghiệp vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn và các mối quan hệ ở Mỹ để thúc đẩy sự phát triển. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 12.3 cho biết ông đang thực hiện kế hoạch "tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại" từ những gián đoạn có thể phát sinh, và chính phủ Anh đang xem vụ việc là "ưu tiên cao", theo Reuters.

Tại Mỹ, các nhà đầu tư và giới quản lý tài chính ngày càng lo lắng sự phá sản của SVB có thể gây ra hiệu ứng domino cho các ngân hàng khu vực khác, nếu cơ quan quản lý không tìm được người mua ngay trong cuối tuần này để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm. 

Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, đang nỗ lực tìm kiếm một ngân hàng sẵn sàng sáp nhập SVB. Tuy nhiên, với tổng tài sản trị giá 209 tỉ USD, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ và điều này khiến danh sách bên mua tiềm năng có thể đi đến một thỏa thuận chỉ trong hai ngày cuối tuần là tương đối ngắn, theo Reuters.

Trong một diễn biến liên quan, Nhà Trắng cho hay Tổng thống Joe Biden đã gọi điện cho Thống đốc California Gavin Newsom hôm 11.3 để thảo luận về tình hình SVB.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.