Xin nói ngay, đội quân “đặc biệt tinh nhuệ” này là lực lượng chó nghiệp vụ, được Trường trung cấp 24 (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) huấn luyện và đã lập nhiều chiến công trong những năm đổi mới...
|
“Đặc thù nhất toàn quân về độ tinh nhuệ”
Đại tá - tiến sĩ Phạm Minh Thùy, Hiệu trưởng Trường trung cấp 24, quê lúa Thái Bình nên sự mộc mạc đậm từ bước đi, giọng nói. Kể về quãng đường gần 30 năm công tác ở các đơn vị trong và ngoài nước, trước khi về nhận lĩnh vực chưa bao giờ nghĩ... đến, ông dứt khoát: “Đặc thù nhất toàn quân về độ tinh nhuệ!”.
Tôi chia sẻ những lời đại tá Thùy, bởi không chỉ trong Quân đội Nhân dân VN mà với cả quân đội các nước, Trường trung cấp 24 - biên phòng (BP) cũng là đơn vị... không giống ai: Ngày 15.12.1959, lớp đào tạo huấn luyện viên (HLV) sử dụng chó nghiệp vụ (CNV) đầu tiên ở VN được khai giảng; ngày 27.5.2008, từ Trường chăn nuôi huấn luyện CNV, tổ chức thành Trường trung cấp huấn luyện CNV và ngày 8.12.2012 đổi tên thành Trường trung cấp 24 - BP.
Đi lên từ bàn tay trắng, điều này những cựu cán bộ của Trường 24 thấm thía nhất: tham khảo tài liệu của Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ), mày mò ứng dụng xây dựng thành giáo trình huấn luyện; lọ mọ tìm loài chó thích hợp để nuôi dạy, huấn luyện, nhân giống bởi đặc thù CNV BP tác chiến ở khu vực rừng núi ẩm ướt, địa hình hiểm trở (khác với CNV cảnh sát chỉ hoạt động ở đô thị, nên có thể nhập từ nước ngoài về); đặc thù BP cũng chỉ đến nuôi dạy ngựa (giám mã) ở các đồn, nay phải lựa chọn cán bộ chiến sĩ nuôi dạy chó và nhất là gây dựng thao trường - học cụ cho CNV...
Chẳng đâu xa, năm 2004 lên thăm trường, cánh báo chí chúng tôi cứ tròn mắt bởi giữa khu rừng rậm rạp cạnh hồ Suối Hai vẫn có đường mòn hun hút xuyên qua suối cạn, rừng vầu vào tận dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, thi thoảng lại nghe tiếng súng AK bắn tắc cú cho CNV sủa loạn, quen với tiếng nổ. Hồi ấy, cả HLV lẫn CNV chỉ vài chục, loanh quanh cũng chỉ dạy chó vượt rào, chui cống, lao qua vòng lửa như... xiếc thú. Cái khác duy nhất với chó biểu diễn ngoài rạp xiếc là khống chế, dẫn giải đối tượng và dò tìm, phát hiện ma túy giấu trong túi du lịch - ba lô, xe U oát cũ từ cách đó mấy chục năm...
Ở cũi di động, đi xe chuyên dụng
Tên gọi “trường chó” bây giờ chỉ tồn tại trong ký ức vui ngày xưa, bởi Trường trung cấp 24 - BP hiện khang trang quy củ và chính quy với 7 phòng, ban, 4 khoa (Cơ bản, Giám biệt nguồn hơi, Huấn luyện chó chiến đấu; Chính trị), đặc biệt là hoạt động đắc lực của 5 cụm cơ động đóng quân trên các tuyến biên giới Tây Bắc, miền Trung, Tây nguyên, Tây Nam bộ...
Đại tá Nguyễn Văn Chiến, Phó hiệu trưởng, phấn khởi: “Từ mỗi năm chỉ huấn luyện một khóa với 40 - 50 CNV, đến nay mỗi năm cho ra lò 5 khóa với gần 150 HLV và CNV về các đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm ma túy, ngăn chặn vượt biên - buôn lậu, bảo vệ các mục tiêu - kho tàng!”. Đại tá Chiến say sưa kể về hoạt động của lực lượng đặc nhiệm (gồm 15 HLV - CNV) tăng cường vào Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đầu năm 2014, đảm bảo an ninh trật tự và tìm ra các nghi can trộm cắp 8 tấn sắt tại dự án Fomosa...
|
Sự thay đổi của “lò luyện” đặc thù còn từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất: Hồi trước, mỗi khi đi làm nhiệm vụ, cả HLV và CNV đều nhét chung thùng xe tải. Đường đèo dốc quanh co, cả chó lẫn người ôm nhau say lử đử, mật xanh mật vàng rải khắp súng ống, tư trang. Giờ đi xa, CNV được nuôi trong cũi di động, trong khoang riêng xe chuyên dụng, đi đâu cũng khỏe re.
Vào khu huấn luyện của Khoa Giám biệt nguồn hơi, thiếu úy Nguyễn Tiến Nhật (28 tuổi, quê Thái Bình) đang chơi đùa với chó Níc Tốp, chỉ bộ quân phục dã ngoại đang mặc nói: “Mỗi đợt cấp phát được hẳn 2 bộ dã ngoại, thoải mái mặc hằng ngày không lo chó cắn, phải vá víu như trước!”. Kể lại chuyện áo quần với đại tá hiệu trưởng, ông cười: “Duy nhất trong toàn quân được cấp phát thêm. Bọn tớ đề nghị cả năm đấy!”.
Những chiến công thầm lặng
Quy trình huấn luyện CNV ở Trường 24 rất nghiêm ngặt. Chó con ra đời sẽ nuôi phân tán trong các đơn vị, đủ 10 tháng tuổi được tuyển chọn huấn luyện ở ngạch sơ cấp (1 năm) hoặc trung cấp (2 năm) với yêu cầu cơ bản kỷ luật như: đứng, nằm im, ngồi, kêu, cắp (ngậm - tìm đồ vật), đi chơi gọi lại... Sau đó, sẽ được đào tạo chuyên ngành theo ưu điểm cụ thể: chó có hệ thần kinh tốt, linh hoạt, khỏe mạnh, cắn tốt vào khoa chiến đấu và được đào tạo chuyên sâu bảo vệ mục tiêu, canh gác dẫn giải, tuần tra phục kích, truy lùng đối tượng; chó có hệ thính giác phát triển, tìm tốt vật mẫu trong vật không hơi đồng nhất sẽ lựa chọn vào Khoa Giám biệt nguồn hơi và đào tạo chuyên sâu tìm ma túy, thuốc nổ, điều tra hình sự, tìm kiếm cứu nạn. Thời gian hoạt động hiệu quả của mỗi CNV không quá 10 năm.
Kỳ công huấn luyện vậy nên những năm qua, lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” của Trường 24 “làm được ối việc, được ối người biết” - như lời trung úy Lưu Quang Liệu, giáo viên Khoa Giám biệt nguồn hơi.
Gặng hỏi đại tá Phạm Minh Thùy, ông chỉ kể lướt qua vài sự việc: Ngày 11.9.2004, HLV Trần Thanh Long sử dụng CNV Rô Man Đồn BP 547 Nghệ An truy lùng, bắt gọn 7 tên phỉ; tháng 12.2007, 4 HLV và 2 CNV Pô Ma, An Tốp tìm kiếm cứu nạn vụ lở núi ở thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An), tìm thấy thi thể 11 nạn nhân bị vùi lấp ở độ sâu từ 2 - 13 m; 2.11.2009, CNV cùng lực lượng chức năng tại Sơn La đánh bắt 2 nghi phạm vận chuyển ma túy, thu 50 bánh heroin, 398 viên ma túy tổng hợp, 2 súng K54; tháng 8.2010, sử dụng CNV tìm kiếm cứu nạn trong trận sạt lở núi tại xã Háng Tầu Dê (Mù Cang Chải, Yên Bái), tìm được 4 thi thể nạn nhân...
“Ấn tượng nhất là vụ tìm kiếm nạn nhân bị sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Đại Từ, Thái Nguyên) tháng 5.2012. Gần tuần lễ, tỉnh Thái Nguyên huy động rất nhiều lực lượng, cả CNV ngành khác… nhưng vẫn không tìm thấy xác nạn nhân. Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia lệnh cho trường đưa HLV và CNV đến trợ giúp. Chỉ trong 1 - 2 ngày, CNV xác định ngay 5 vị trí và tìm được 5 thi thể nạn nhân”, đại tá Thùy kể. Rồi giọng ông trầm xuống: “Mừng vô cùng, bởi công sức huấn luyện không vô ích, anh em trưởng thành trong công tác tìm kiếm cứu nạn mới mẻ, nhưng lúc ấy không thể vỗ tay chúc mừng động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ như ở các đơn vị khác. Lẳng lặng ra về, âm thầm nắm tay động viên nhau…!”. Dừng lại ít phút, vị đại tá hướng mắt ra cửa sổ về phía hồ Suối Hai lồng lộng gió, bộc bạch với tôi: “Người dân, các địa phương biết đến nơi mà những năm trước ít ai biết. Thế là mừng rồi!”. Nghe ông nói, tôi chợt nhận ra đặc thù công việc, cần mẫn vượt khó và sự khiêm nhường đọng trong sâu thẳm tâm hồn mới chính là khí chất “đặc biệt tinh nhuệ” của những người lính Trường 24...
Bảo vệ Trường Sa Từ 2009 - 2011, Đội Công tác của Trường trung cấp 24 gồm 5 HLV - 3 CNV làm nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm đưa CNV chống địch đột nhập bất ngờ lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Kết thúc nhiệm vụ, Đội Công tác đã được Quân chủng Hải quân, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân VN tặng bằng khen. |
Mai Thanh Hải
>> Dũng mãnh chó nghiệp vụ biên phòng
>> Chó nghiệp vụ đặc biệt
>> Sử dụng chó nghiệp vụ bảo vệ rừng
Bình luận (0)