TP.Hải Phòng đã có nhiều cố gắng để đưa hoạt động giết mổ gia súc vào các cơ sở tập trung, nhưng tập quán cũ và ý thức của người dân đang khiến những lò mổ này đứng trước nguy cơ chết yểu.
Đạt tiêu chuẩn, nhưng khu giết mổ của Công ty cổ phần thực phẩm Hải Phòng vẫn lo đóng cửa - Ảnh: Lê Tân
|
Theo thống kê của Chi cục thú y TP.Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 3 cơ sở giết mổ công nghiệp, 3 cơ sở giết mổ tập trung và hơn 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Tháng 5.2014, UBND TP.Hải Phòng ra chỉ thị 09 về việc quản lý giết mổ gia súc gia cầm và kinh doanh gia súc gia cầm. Qua đó, rất nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An được vận động đưa vào lò mổ tập trung. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giết mổ không muốn chấp hành chủ trương này. Theo ông Bùi Văn Luyện, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.Hải Phòng, các cơ sở này “sợ bị kiểm soát về vệ sinh thực phẩm, sợ chi phí giết mổ tăng lên nên không vào lò hoặc đã vào rồi thì lại muốn phá ra”.
Trao đổi với Thanh Niên, một trong những hộ chấp hành tốt chủ trương vào lò mổ tập trung là anh Đoàn Chí Lượng (ở số 2/1 đường vòng Cầu Niệm, đang sử dụng lô 1, khu lò mổ của Công ty cổ phần Thực phẩm Hải Phòng) cho biết, khi được vận động, gia đình đã đóng cửa lò mổ ở bờ đê Nghĩa Xá để vào lò tập trung. “Trong khi chúng tôi chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định, chịu thêm chi phí vận chuyển, phí dịch vụ giết mổ thì bên ngoài vẫn còn nhiều hộ giết mổ mà không mất một đồng nào, không bị kiểm soát gì là quá bất công”, anh Lượng bức xúc.
Tương tự, chị Cáp Thúy Quỳnh (số 109 Hùng Duệ Vương, P.Thượng Lý, Q.Hồng Bàng) cũng đang sử dụng lô 1 kể trên, bày tỏ: “Một con lợn mua 4 triệu đồng, bán được 5 triệu đồng, nhưng các hộ ở ngoài nếu mua lợn ốm chỉ hết 2 triệu đồng, bán vẫn được 5 triệu đồng. Trong đây một con lợn vào mổ phải đóng phí 50.000 đồng, nếu một đêm mổ 20 - 30 con thì mất tiền triệu, còn lò bên ngoài thì không”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Hải Phòng, cho biết khi nhiều lò mổ ở Q.Hải An, Q.Lê Chân còn chưa vào lò tập trung thì nhiều hộ trong khu tập trung đã đòi ra ngoài. Thậm chí, có hộ kích động người dân quanh lò viết đơn kiện việc gây ô nhiễm môi trường nên “chúng tôi phải rất vất vả để giữ khu lò mổ tập trung này không bị vỡ”.
Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Hải Phòng Đặng Bá Tùng băn khoăn tiếp lời: “Tôi đã từng đi tham khảo nhiều nơi và thấy hoạt động kinh doanh lò mổ tập trung rất mệt mỏi và khó khăn nên không đơn vị nào muốn làm khu giết mổ tập trung, vì bỏ tiền to vào đầu tư, nhưng lại thu về tiền lẻ. Chính vì thế, ở Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương đều có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư lò mổ tập trung, còn ở Hải Phòng, doanh nghiệp phải bỏ toàn bộ kinh phí xây dựng, chủ lò mổ cũng chưa được hỗ trợ về giá”.
Trao đổi với Thanh Niên về những bất cập trên, ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết: “Theo chỉ đạo của T.Ư, thành phố sẽ xóa tất cả các cơ sở giết mổ không đảm bảo VSATTP. Thời gian đầu triển khai mới chỉ tuyên truyền, vận động là chính. Nhưng tới đây, khi chúng tôi làm đồng bộ, quá trình kiểm tra việc đóng dấu, vận chuyển, nếu thịt lợn không qua các cơ sở giết mổ tập trung thì sẽ bị xử lý”.
Cũng theo ông Thoại, sau Q.Lê Chân, thành phố đang chỉ đạo xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung ở các quận Hải An, Đồ Sơn, Kiến An (H.Cát Hải).
Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Thoại xác nhận các doanh nghiệp này cũng đang "rất khó khăn" và cho biết thành phố đã chỉ đạo Sở KH - ĐT cũng như Sở Tài chính tìm cơ chế hỗ trợ, nhưng đến nay các đơn vị này chưa lập được đề xuất cụ thể.
Bình luận (0)