Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki là sự chuẩn bị cuối cùng cho việc quân Mỹ triệt thoái hoàn toàn khỏi Iraq và vì thế cũng là sự chuẩn bị cho thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước.
Theo dự định của Mỹ, tới ngày 31.12, quân đội nước này sẽ rút hết khỏi Iraq sau hơn 8 năm. Ở thời đỉnh điểm, Mỹ có tới 170.000 binh sĩ đồn trú tại 505 căn cứ trên lãnh thổ Iraq. Sau thời điểm trên, Mỹ duy trì khoảng 6.000 lính và gần 1.000 chuyên gia dân sự ở Iraq. Nghĩa là Mỹ vẫn hiện diện ở Iraq nhưng không còn ở mức độ đủ để đảm bảo an ninh như trong thời gian qua. Coi thời gian tới là thời kỳ mới trong quan hệ song phương chính vì lẽ đó cũng như vì nền tảng pháp lý cho quan hệ này đã hoàn toàn khác trước.
Cái cũ đáng kể nhất trong thời kỳ quan hệ mới vẫn là lo ngại về an ninh. Quân đội Mỹ rút đi để lại khoảng trống mà chính quyền của ông Maliki chưa thể lấp nổi. Lo ngại của chính phủ Iraq là không thể chế ngự nguy cơ khủng bố và bạo loạn, cát cứ và nội chiến khi không còn Mỹ. Lo ngại của Washington là chính thể hiện nay ở Baghdad không trụ vững được bởi cuộc tranh giành quyền lực và cát cứ lãnh thổ, tôn giáo và sắc tộc. Người Mỹ ở Iraq không còn được hưởng các quyền miễn trừ như trước nữa. Iraq rồi sẽ rơi vào phạm vi ảnh hưởng của quốc gia nào đó trong khu vực khiến mọi đầu tư tốn kém của Mỹ trong bao năm qua trở nên vô ích. Tuy nhiên, vì nhu cầu nội bộ mà cả hai đều phải chấp nhận những rủi ro ấy.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)