Theo tờ The Washington Post, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) vừa qua đã cập nhật hướng dẫn nêu rõ rằng những người đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 không nên xét nghiệm nếu không có triệu chứng mắc bệnh. Lý do là sự miễn dịch đối với SARS-CoV-2 đang hoạt động và ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy nguy cơ họ lây sang người khác là cực kỳ thấp.
“Một con vi rút cũng soi”
Tuy nhiên, việc xét nghiệm những người đã tiêm vắc xin và không có triệu chứng bệnh dường như là “hiệu ứng đoàn tàu” không thể dừng. Tại Mỹ, giới chủ sử dụng lao động, cơ sở giải trí, trường học, hãng hàng không, chính quyền địa phương và ngay cả các bệnh viện vẫn tiếp tục xét nghiệm mà không xét đến việc có người đã tiêm vắc xin.
“Vào đầu dịch, Mỹ xét nghiệm chưa đủ, nhưng giờ đây lại đang xét nghiệm thừa đối với người đã miễn dịch và không có triệu chứng”, theo bài phân tích của Giáo sư Marty Makary tại Đại học Johns Hopkins và Giáo sư Monica Gandhi tại Đại học California ở San Francisco (Mỹ).
Theo bài phân tích, người có khả năng miễn dịch sẽ đẩy lùi SARS-CoV-2, nhưng sẽ có một lượng thấp phân tử vi rút này ở mũi, vào thời điểm trong và sau khi phơi nhiễm. Các nghiên cứu đăng trên 2 chuyên san The Lancet và The Journal of Infectious Diseases cho thấy lượng nhỏ vi rút đó không đủ để truyền bệnh mà thậm chí còn có thể tăng cường miễn dịch ở những người đã tiêm vắc xin. “Xét nghiệm người đã tiêm vắc xin và không có triệu chứng có thể kéo dài đại dịch vô tận vì xét nghiệm RT-PCR có thể phát hiện chỉ một hoặc vài phân tử vi rút”, theo 2 giáo sư trên.
Quan trọng, nhưng cần hợp lý
Theo tờ Bangkok Post, chính phủ Thái Lan cũng đã bị chỉ trích vì quá tải trong hoạt động xét nghiệm Covid-19. Ngay sau đó, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) bật đèn xanh cho việc bán bộ xét nghiệm nhanh để sử dụng ở nhà, nhằm giảm tải cho việc xếp hàng mỏi mòn chờ xét nghiệm RT-PCR.
Trong đợt dịch thứ 3 đang bùng phát, hệ thống y tế gần sụp đổ, bệnh nhân tử vong tại nhà và trên đường đến bệnh viện, nhiều chuyên gia cho rằng việc tự xét nghiệm tại nhà sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện và được điều trị sớm. Theo Phó giáo sư Jessada Denduangboripant tại Đại học Chulalongkorn, việc tự xét nghiệm tốt hơn không xét nghiệm gì cả hoặc chờ đến khi có triệu chứng, vì đa số không có biểu hiện. Những người xét nghiệm dương tính sau đó có thể xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR tại bệnh viện hoặc phòng thí nghiệm. Song song đó, những người xét nghiệm âm tính cần xét nghiệm lại sau 3 - 4 ngày đề phòng tải lượng vi rút cao hơn.
Tuần trước, FDA chứng nhận đăng ký 5 mẫu thiết bị xét nghiệm nhanh tại nhà và hiện bán khoảng 250 baht (175.000 đồng)/bộ. Những người có nguy cơ cao vẫn có thể liên hệ bệnh viện để xét nghiệm nhanh miễn phí. Ông Jessada cho rằng chính quyền địa phương nên dùng ngân sách cho việc tự xét nghiệm thay vì phun khử khuẩn. Việc có các bộ tự xét nghiệm giá rẻ hoặc miễn phí cũng sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xét nghiệm nhân viên và sàng lọc tốt hơn. Phó giáo sư Jiraporn Arunakul tại Đại học Mahidol cũng cho rằng việc tự xét nghiệm sẽ giúp hạn chế đáng kể tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng từ những người chưa biểu hiện triệu chứng. Chính bà Jiraporn đã nhiễm từ một nhân viên y tế dù đã tiêm vắc xin và đeo khẩu trang.
Theo bài phân tích trên tờ The Washington Post của 2 giáo sư Makary và Gandhi, việc xét nghiệm người đã tiêm vắc xin có thể thấy rõ tại bữa tiệc mừng ngày Độc lập Mỹ tại Nhà Trắng hôm 4.7, khi hơn 1.000 người tham dự được xét nghiệm. “Chúng ta có thể cho rằng nhiều nhân viên và bạn bè của Tổng thống Joe Biden tại đó đã được tiêm vắc xin. Do đó, trừ khi họ có triệu chứng, việc xét nghiệm này là không theo hướng dẫn của CDC”, theo bài báo. Hai tác giả còn nhấn mạnh rằng cuộc chiến là “giảm thiểu ca bệnh nặng và tử vong”.
|
Mỹ xem xét tiêm vắc xin liều 3Nhật Bản thử nghiệm thuốc trị Covid-19 hứa hẹn
Bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ - hôm qua thông báo các chuyên gia chính phủ đang xem xét dữ liệu để quyết định khuyến cáo tiêm vắc xin Covid-19 liều thứ 3 cho người đã tiêm đủ 2 liều nhưng hệ miễn dịch yếu. AP dẫn lời ông Fauci nói rằng những người có nguy cơ nhiều nhất như người từng phẫu thuật ghép cơ quan nội tạng hay bệnh nhân ung thư đang hóa trị có khả năng là những người sẽ được tiêm liều thứ 3. Trước đó, Hãng Pfizer đề xuất tiêm liều thứ 3 nhưng giới chức Mỹ nói chưa cần vì dữ liệu cho thấy vắc xin vẫn duy trì khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, Israel mới đây công bố dữ liệu cho rằng vắc xin của Pfizer giảm hiệu quả dần theo thời gian, qua đó quyết định tiêm liều thứ 3 cho người có hệ miễn dịch suy yếu.
* Tờ The Wall Street Journal hôm qua đưa tin Công ty Shionogi (Nhật Bản) vừa qua bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc trị Covid-19 uống một lần mỗi ngày đầu tiên. Ông Isao Teshirogi, Tổng giám đốc điều hành Shionogi, cho hay loại thuốc Covid-19 của công ty được kỳ vọng sẽ giúp vô hiệu hóa vi rút trong vòng 5 ngày từ khi bệnh nhân bắt đầu uống. Thuốc của Shionogi ngăn chặn nhiễm bệnh bằng cách ức chế enzyme mà vi rút cần để nhân đôi trong tế bào người. Loại thuốc ức chế enzyme này thường được dùng trong điều trị HIV nhưng khả năng kháng vi rút được coi là thách thức. Ông Teshirogi nói nghiên cứu cho thấy vi rút không thể dễ dàng biến đổi để né tránh tác dụng của thuốc. Cuộc thử nghiệm của Shionogi dự kiến kéo dài đến năm 2022.
Bảo Vinh
|
Bình luận (0)