Lo ngại lấy tỷ lệ việc làm xác định chỉ tiêu tuyển sinh

01/03/2019 07:58 GMT+7

Bộ GD-ĐT lần đầu tiên sử dụng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm làm tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Chủ trương này đặt ra nhiều băn khoăn trước những số liệu báo cáo khó kiểm chứng của các trường hiện nay.

 

Tăng chỉ tiêu nếu 90% có việc làm trở lên ?

Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018 về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ các ngành đào tạo giáo viên và trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, tỷ lệ việc làm sinh viên theo báo cáo của các trường được dùng làm một tiêu chí trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo đó, trường trong 3 năm liền không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định được tự chủ xác định chỉ tiêu theo cam kết chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu, trường hợp tăng thì không quá 10% so với năm trước đó nếu kết quả khảo sát sinh viên (SV) tốt nghiệp có việc làm sau một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát SV có việc làm hằng năm của nhà trường).
Tuy nhiên, tỷ lệ này khi các trường công bố trên website là dữ liệu để xếp hạng 49 trường ĐH VN trong năm 2018 gây nhiều tranh cãi vì tính trung thực của các báo cáo.

Rất khó kiểm soát kết quả khảo sát

Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, để kiểm soát được kết quả khảo sát có trung thực không trong điều kiện hiện nay là rất khó. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các trường bằng mọi cách có con số 90% để tăng chỉ tiêu.
Sẽ hậu kiểm, xử lý nặng các trường hợp vi phạm
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết việc khảo sát tỷ lệ SV có việc làm đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện từ năm 2016.
Trong 3 năm qua, các cơ sở GD ĐH triển khai tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm giải trình trước các cơ quan quản lý nhà nước, trước xã hội về tính trung thực của kết quả khảo sát. Mọi thông tin liên quan đến quy trình khảo sát đều phải được lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Trong thời gian tới, hàng loạt các giải pháp sẽ được tăng cường, trước hết là các giải pháp pháp lý. Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH quy định rõ chế tài để làm cơ sở xử lý vi phạm. Hiện nay, Bộ cũng đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Nghị định 138 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Các chế tài xử lý vi phạm sẽ được tăng cường, phù hợp với cơ chế tăng quyền tự chủ ngày càng cao cho các trường và thực hiện cơ chế hậu kiểm, xử lý nặng các trường hợp vi phạm.
Lo ngại trên của ông Hải có căn cứ khi nhìn vào thực trạng báo cáo việc làm của nhiều trường hiện nay. Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, số SV được khảo sát trả lời phản hồi mới chỉ chiếm khoảng 42% SV tốt nghiệp. Dù kết quả đạt những con số khá đẹp nhưng với nhiều ngành chỉ có tính tham khảo tương đối. Chẳng hạn, ngành ngôn ngữ Pháp tỷ lệ SV có việc làm đạt 100% nhưng đây chỉ là tỷ lệ của 15 SV có trả lời khảo sát trong số 35 người tốt nghiệp. Ngôn ngữ Nhật có 104 SV tốt nghiệp nhưng chỉ có 30 người trả lời khảo sát, 27 người có việc làm và tỷ lệ đạt 93,3%. Ngành sư phạm ngữ văn cũng có tỷ lệ SV phản hồi đạt trên 38% và tỷ lệ việc làm đạt gần 87%...
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng công khai tình hình việc làm của SV tốt nghiệp năm 2018. Trong tổng số 1.347 SV tốt nghiệp có gần 600 người phản hồi. Trong đó, tỷ lệ SV có việc làm trong tổng số người phản hồi đạt trên 82%. Tuy nhiên, chính trong báo cáo này trường cũng thừa nhận, nếu so với tổng số SV tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm khảo sát được mới chỉ đạt trên 36%. Theo thạc sĩ Nguyễn Huy Văn, Phó trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên, tính tổng toàn trường tỷ lệ phản hồi tối thiểu đạt yêu cầu của Bộ nhưng riêng một số ngành chưa đạt.
Theo kết quả khảo sát việc làm SV tốt nghiệp năm 2017 của Trường ĐH Sài Gòn, trong số trên 2.500 SV tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm chung đạt 93%. Tuy vậy, báo cáo cũng ghi rõ, một số ngành tỷ lệ phản hồi của SV tốt nghiệp không đạt được theo yêu cầu khảo sát của Bộ GD-ĐT. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cũng thừa nhận ngay trong báo cáo tình hình việc làm SV sau 6 tháng tốt nghiệp thực hiện vào năm 2018, trong 17 chuyên ngành đào tạo chỉ có 2 chuyên ngành đảm bảo được tỷ lệ phản hồi tối thiểu theo quy định của Bộ.

Chưa đủ tin cậy

Theo văn bản của Bộ GD-ĐT, từ năm 2018 trở đi, trường nào không báo cáo, báo cáo không đạt yêu cầu, không công khai thông tin này theo quy định thì sẽ không được thông báo tuyển sinh. Tuy nhiên thực tế dù trường thừa nhận chưa đạt ngay trong báo cáo nhưng vẫn không có trường nào không được tuyển sinh. Nhiều người lo ngại, việc sử dụng con số này trong xác định chỉ tiêu sẽ gây ra tiêu cực.
Chính vì vậy, dù ủng hộ cách làm mới này của Bộ GD-ĐT nhưng đại diện các trường đều tỏ ra lo ngại trước thực trạng báo cáo việc làm hiện nay của nhiều trường.
Thạc sĩ Nguyễn Huy Văn cho rằng thời điểm này chưa nên sử dụng tỷ lệ việc làm thành căn cứ xác định chỉ tiêu vì thực tế con số này ở một số trường rất đẹp nhưng chưa thực chất. Nếu làm phải thật sự có ý nghĩa, tránh tình trạng đôi khi các trường chạy theo vì chỉ tiêu.
PGS-TS Trần Hoàng Hải kiến nghị: “Cần một tổ chức có uy tín đánh giá khách quan, tránh việc đua theo chạy thành tích”. Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng, ngoài công bố bảng tóm tắt số liệu từng ngành, các trường công khai danh sách từng SV có việc làm và chưa có việc làm thì số liệu này sẽ đáng tin cậy hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.