Ngày 5.12, Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN và Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp tổ chức diễn đàn “Đối tác phát triển VN - VDPF 2015” về chủ đề: “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”.
Kinh tế VN cần vượt qua thách thức bằng cải cách đột phá - Ảnh: Ngọc Thắng |
Tại diễn đàn, đại diện các nhà tài trợ vốn ODA cho VN mặc dù ghi nhận kinh tế VN đang trên đà phục hồi, tăng trưởng cao trở lại nhưng vẫn tỏ ý lo ngại với nhiều yếu kém nội tại của VN như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế VN còn thấp, năng suất lao động không tăng, thậm chí có chiều hướng giảm sút...
Cần tạo sân chơi bình đẳng
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết theo kế hoạch 5 năm tới, kinh tế VN sẽ tăng trưởng trung bình đạt 6,5 - 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020 (tức tăng khoảng 1.000 USD so với hiện tại). Theo Bộ trưởng Vinh, để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã đặt ra 3 giải pháp đột phá cho giai đoạn tới là cải cách thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trong đó, tập trung cải cách khu vực doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường tài chính đảm bảo an toàn nợ công, xây dựng thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
|
“Những năm gần đây, tuy VN đã phục hồi tăng trưởng khá tốt sau giai đoạn suy thoái toàn cầu, tuy nhiên, mức tăng năng suất giảm dần là vấn đề đáng quan ngại, hiện chỉ đạt gần 4%, trong khi tại thời điểm có trình độ phát triển như VN hiện nay thì mức tăng năng suất của Trung Quốc trên 7% và Hàn Quốc là hơn 5%”, bà Victoria Kwakwa cảnh báo. Theo bà Kwakwa, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay, VN sẽ không đảm bảo được tăng trưởng nhanh và bền vững đủ mức để từ đó có thể “đi theo quỹ đạo như Hàn Quốc hay Đài Loan”.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng điều Chính phủ VN cần làm là tạo ra một khuôn khổ cho sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, khuyến khích cạnh tranh thực chất và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. “Chính phủ cần rút khỏi các lĩnh vực không cần thiết tham gia, nhằm tạo khoảng trống cho doanh nghiệp tư nhân nhập cuộc. Chính phủ nên tạo cơ chế để người dân có quyền thực hiện giám sát chính sách”, bà Kwakwa nhấn mạnh.
Cần đột phá về cải cách
Lần thứ 3 tham dự VDPF, không nhắc đến những “thành tựu” kinh tế như các kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận trong 5 năm tới, nền kinh tế VN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới để đạt mức tăng trưởng cao như kỳ vọng do kinh tế VN phục hồi chưa bền vững, sức cạnh tranh còn thấp, năng suất lao động thấp... “Những yêu cầu phát triển hạ tầng, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống người dân, các nhu cầu cơ bản về y tế, giáo dục... ngày càng lớn, trong khi nguồn lực VN còn hạn chế; thể chế, cơ chế chính sách còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, VN phải vượt qua những thách thức này với những đột phá về cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhất là nguồn nhân lực chất lượng và đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại... “Chúng tôi cũng xác định một giải pháp quan trọng là phải nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, tập trung hoàn thiện thể chế luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân, theo Hiến pháp 2013”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)