Lo ngại ô nhiễm môi trường biển từ nghề nuôi hàu tự phát ở Vân Đồn

06/12/2021 11:54 GMT+7

Huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và nhiều bãi tắm tuyệt đẹp đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ nghề nuôi trồng, kinh doanh hàu tự phát khi chất lượng nguồn nước đang ở mức có nhiều chỉ số báo động.

Hãi hùng những bè nuôi thủ công trên biển

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, trong khoảng 10 năm gần đây, trên địa bàn các địa phương: Vân Đồn, Quảng Yên và Cẩm Phả nở rộ các mô hình nuôi hàu với hình thức bán tự nhiên. Người dân sau khi thả giống xuống các bè, khu vực khoanh nuôi trên biển thường phó mặc cho tự nhiên.

Không thể phủ nhận nghề nuôi hàu đang đem lại nguồn lợi kinh tế khá giả cho người dân nhưng với mô hình nuôi thủ công như trên đã khiến môi trường biển đang bị ô nhiễm.

Nghề nuôi hàu tự phát ở Vân Đồn đang gây tác động xấu đến môi trường biển

N.H

Tại H.Vân Đồn, nơi được coi là vựa hàu lớn nhất Quảng Ninh, với diện tích nuôi trồng khoảng 4.000 ha, không chỉ được tiêu thụ nội địa, hàu còn là sản phẩm thường xuyên được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với số lượng lớn. Riêng trong 9 tháng năm 2021, tổng sản lượng ruột hàu Thái Bình Dương tươi ướp đá xuất vào thị trường Đài Loan đạt trên 1.020 tấn (tương đương gần 10.200 tấn hàu Thái Bình Dương thương phẩm).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều người dân đã tự ý khoanh nuôi tại các vùng chưa được quy hoạch hoặc tận dụng tối đa diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản để nuôi hàu, cộng với mật độ nuôi quá dày đã khiến chất lượng sản phẩm hàu của Vân Đồn đang có xu hướng giảm, kích thước nhỏ và giá thành thấp.

Đáng chú ý, môi trường biển đang chịu nhiều tác động từ các khu vực khoanh nuôi trên khi vật liệu nuôi trồng phần lớn là các vật liệu độc hại như phao xốp, cao su…

Ghi nhận của Thanh Niên trên địa bàn các xã Đông Xá, Cái Rồng, Hạ Long của H.Vân Đồn cho thấy, từ nhiều năm qua, người dân địa phương đã đua nhau "xí phần" mặt nước để nuôi hàu, cũng như nhiều một số loài nhuyễn thể khác.

Đã vậy, các bè nuôi dùng các can nhựa làm phao nổi để giăng dây treo giá thể là các tấm lợp xi măng làm nơi cho hàu bám vào sinh sống. Chưa kể trong quá trình thu hoạch, sơ chế vỏ, hàu chết được ngư dân vứt thả luôn xuống biển.

Anh Nguyễn Văn Công (46 tuổi, xã Đông Xá, H.Vân Đồn) cho biết, mỗi năm gia đình thường thả nuôi từ 200 - 300 dây giống dài khoảng 200 m. Một dây như vậy lại có thể treo được 600 - 700 dây nuôi hàu. Thông thường, sau 6 tháng kể từ thời điểm thả giống, hàu có thể cho thu hoạch.

Theo anh Công, hàu sữa Vân Đồn càng to thì càng được giá. Theo đó, giá bán buôn đối với loại hàu sữa từ 25 - 28 con/kg đang có giá là 8.000đ/kg, loại 16 - 20 con/kg có giá 14.000 đồng/kg, loại 12 - 15 con có giá 16.000 đồng/kg và loại to dưới 12 con/kg có giá là 21.000 đồng/kg.

Khoảng 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mối tiêu thụ bị đứt gãy, người dân chuyển sang hình thức bán nội tỉnh nhưng không được bao nhiêu. Theo UBND H.Vân Đồn, địa phương này còn khoảng 300.000 tấn hàu đang nằm dưới biển mà chưa được thu hoạch.

Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường biển

Trước tình trạng nuôi hàu ồ ạt trên biển ở Vân Đồn thời gian qua, mới đây Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đã tiến hành kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước tại các khu vực khoanh nuôi đã cho kết quả đáng lo ngại.

Ngư dân Vân Đồn sơ chế hàu theo hình thức thủ công

Theo đó, kết quả quan trắc môi trường các tháng 8, 9,10 tại các vùng nuôi hàu tập trung trên địa bàn H.Vân Đồn đều ghi nhận nhiều thông số vượt ngưỡng cho phép. Đáng lưu ý là các mẫu hàu có ghi nhận bị nhiễm khuẩn các loài thuộc nhóm vi khuẩn Vibrio, dễ làm cho người tiêu dùng ăn sống bị tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.

Cụ thể, nồng độ N-NH4 trong nước ở các vùng nuôi nói trên cao hơn từ 1,13 - 1,38 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép; mật độ Coliform vượt ngưỡng lần lượt là 3,3 lần và 6,7 lần. Còn tại các mẫu hàu ghi nhận cho thấy bị nhiễm vi khuẩn V. alginolyticus­, V. mimicus và V. cholerae với tần suất bắt gặp 1/3 mẫu kiểm tra.

Trong 2 tháng 9 và 10, các mẫu nước cũng vẫn cho thấy nồng độ N-NH4, mật độ Coliforms và Vibrio lần lượt cao hơn từ 1,29 - 1,42 lần, 2,3 - 53 lần và 1,2 - 1,5 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép. Việc nhiễm vi khuẩn Vibrio mediterranei, Vibrio vulnificus và V. fluvialis cũng được bắt gặp với tần suất 1/3 mẫu kiểm tra.

Trước tình trạng ô nhiễm từ nghề nuôi hàu, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã có văn bản khuyến cáo đến địa phương và người nuôi hàu phải thực hiện nghiêm túc duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn.

Ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Vân Đồn, cho biết địa phương thường xuyên phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ninh tổ chức các đợt tuyên tuyên truyền tới ngư dân trong việc bảo vệ môi trường biển; khuyến khích các hộ nuôi chuyển sang vật liệu thân thiện với môi trường...

“Để tránh nguy cơ mất cả chì lẫn chài thì việc giữ môi trường là rất quan trọng; nếu phát hiện hàu chết phải thu gom, xử lý ngay, tránh gây ô nhiễm môi trường, giảm sự phát triển của vi khuẩn và tránh để lây lan sang các cá thể sống; tăng cường theo dõi và quản lý môi trường nước bãi nuôi để có các biện pháp xử lý kịp thời khi xuất hiện các yếu tố bất lợi làm yếu hàu nuôi”, ông Ninh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.