Hãng thông tấn KCNA hôm qua đưa tin CHDCND Triều Tiên đã đưa chính sách tăng cường lực lượng hạt nhân vào hiến pháp sửa đổi. Quyết định này được đưa ra tại kỳ họp thứ 9 của Hội đồng Nhân dân tối cao khóa 14 (SPA, tức Quốc hội Triều Tiên), diễn ra từ ngày 26 - 27.9.
"Sự kiện lịch sử"
Phát biểu tại kỳ họp của SPA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh Triều Tiên quyết định bổ sung điều 58 chương 4 của hiến pháp để đảm bảo quyền tồn tại và phát triển của đất nước, răn đe chiến tranh và bảo vệ hòa bình khu vực cũng như toàn cầu bằng cách phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân lên tầm cao hơn. "Đây là sự kiện lịch sử mang lại đòn bẩy chính trị mạnh mẽ nhằm tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ quốc gia", ông Kim phát biểu.
Cũng tại kỳ họp trên, nhà lãnh đạo Kim nói rằng việc thành lập cái ông gọi là "liên minh quân sự tam giác" giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản "cuối cùng đã dẫn đến sự xuất hiện của "NATO phiên bản châu Á". Ông Kim còn cho rằng Mỹ cũng "tối đa hóa các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân" bằng cách nối lại các cuộc tập trận chung chiến tranh hạt nhân quy mô lớn và đưa việc triển khai các khí tài hạt nhân chiến lược của mình đến gần bán đảo Triều Tiên trên cơ sở lâu dài.
Từ đó, nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần nhanh chóng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và đa dạng hóa khả năng tấn công hạt nhân, cũng như triển khai khả năng này cho các quân chủng.
Cảnh báo rắn từ láng giềng
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua cho rằng hiến pháp sửa đổi của Triều Tiên cho thấy "ý chí vững chắc" của Bình Nhưỡng trong việc không từ bỏ chương trình hạt nhân. "Chúng tôi tái nhấn mạnh Triều Tiên sẽ đối mặt với sự kết thúc chế độ nếu sử dụng vũ khí hạt nhân", Bộ Thống nhất Hàn Quốc cảnh báo, theo Reuters.
Binh sĩ Mỹ bị Triều Tiên trục xuất đã đến Texas
Binh sĩ Travis King (23 tuổi) đã được máy bay đưa đến một căn cứ quân sự ở bang Texas (Mỹ) vào sáng 28.9 sau khi bị trục xuất khỏi Triều Tiên, theo CNN. Chính phủ Mỹ cho biết khi trở về, King trước tiên sẽ trải qua đánh giá, sau đó là quá trình tái hòa nhập để có thể đoàn tụ với gia đình, theo Reuters.
Trước đó, KCNA ngày 27.9 cho hay Triều Tiên quyết định trục xuất King sau khi binh sĩ này khai rằng anh ta vào Triều Tiên bất hợp pháp vì vỡ mộng về xã hội Mỹ bất bình đẳng. King lẽ ra phải có mặt trên chuyến bay về Mỹ vào ngày 17.7 sau gần 2 tháng bị giam giữ ở căn cứ tại Hàn Quốc do vi phạm điều lệ trong quân ngũ. Tuy nhiên, anh ta lại rời sân bay và tham gia một đoàn du lịch tham quan Bàn Môn Điếm trước khi tách đoàn bỏ trốn sang Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc thả King "chỉ diễn ra một lần" và không phải là dấu hiệu của sự "đột phá" trong mối quan hệ Mỹ - Triều, theo AFP.
Hàn Quốc duyệt binh "dương oai" sau 10 năm gián đoạn, cảnh báo Triều Tiên
Ngoài ra, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cùng ngày cảnh báo: "Việc phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và an toàn của đất nước chúng tôi cũng như cộng đồng quốc tế và không bao giờ có thể được dung thứ". Ông Matsuno nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và phần còn lại của cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ và phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên".
Trong khi đó, AFP dẫn lời một số chuyên gia cho rằng với việc chính sách hạt nhân của Triều Tiên được ghi trong hiến pháp, triển vọng thuyết phục giới lãnh đạo nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân đã mờ nhạt. "Chiến tranh Lạnh mới ở khu vực Đông Bắc Á và căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng", Reuters dẫn lời Giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cảnh báo.
Bình luận (0)