Hôm qua 10.5, HĐND TP.HCM tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn TP.HCM.
Xe thang không phải là giải pháp duy nhất
Tại phiên họp, các đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi lo ngại khi TP.HCM có tòa nhà cao nhất (Landmark cao 81 tầng), nếu không may xảy ra cháy, Công an TP.HCM sẽ chữa cháy thế nào vì xe thang chữa cháy hiện không đủ chiều cao để dập lửa hiệu quả?
|
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó giám đốc Công an TP.HCM, trả lời hiện nay lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) của TP.HCM có 10 xe thang, trong đó xe thang vươn cao nhất là 75 m. Thực tiễn công tác chữa cháy cho thấy xe thang là phương tiện hỗ trợ chữa cháy đắc lực nhất, hiệu quả nhất nhưng không phải là giải pháp duy nhất để chữa cháy.
tin liên quan
Vụ cháy chung cư Carina: Kết luận điều tra gây tranh cãiĐB Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cũng lo ngại về chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng do lợi nhuận, chủ đầu tư vẫn để người dân vào ở, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; năm 2018 đã xảy ra 15 vụ cháy chung cư, mới đây nhất là cháy chung cư Hà Kiều (Q.Gò Vấp). ĐB Danh chất vấn: PCCC đã làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
Đại tá Hưởng cho rằng theo quy định, khi công trình xây dựng nói chung và chung cư nói riêng chưa được nghiệm thu PCCC thì chưa được cho hoạt động, kể cả kinh doanh hay cho dân vào ở. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình cho dân vào ở lén lút. Đây là việc làm sai trái và cơ quan chức năng phải xử lý, quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ. Tuy nhiên, đại tá Hưởng lo ngại khi việc xử lý đình chỉ và tạm đình chỉ rất khó khăn vì sợ dân phản đối. Những hộ dân đã vào ở thì rất khó vận động họ ra, còn cưỡng chế mạnh hơn thì lại không thuộc thẩm quyền của lực lượng cảnh sát PCCC mà cần các chế tài của TP..HCM
Từ đó, đại tá Hưởng kêu gọi người dân nếu phát hiện chung cư nào trên địa bàn TP.HCM vi phạm về PCCC thì báo ngay cho Công an TP.HCM để lực lượng chức năng xử lý.
Xử lý nghiêm vi phạm về PCCC
Kết luận phiên họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá cao nỗ lực của lực lượng PCCC nhằm đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, bà Lệ cho rằng hiện nay trang bị PCCC tại chỗ còn mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế nếu có cháy xảy ra. Các tổ chức, hộ kinh doanh không quan tâm đến PCCC, thiết bị PCCC còn hạn chế.
Để thực hiện PCCC tiếp tục đáp ứng hiệu quả như mong muốn, bà Lệ đề nghị các sở ngành, UBND quận, huyện tiếp tục phối hợp tốt hơn với lực lượng PCCC, đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC. Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm về PCCC. Tiếp tục kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm kịp thời các chung cư không có hệ thống PCCC, chưa nghiệm thu mà cho người dân vào ở.
“Sở Tư pháp phối hợp cơ quan chức năng rà soát văn bản để tham mưu, đề xuất quy định vướng mắc trong việc quản lý chung cư, nhà cao tầng, nâng cao mức phạt đối với trường hợp chủ đầu tư sử dụng công trình khi chưa nghiệm thu PCCC”, bà Lệ nhấn mạnh.
Chỉ đạo Công an TP.HCM sớm điều tra vụ cháy kho dữ liệu xe buýt
Ngày 10.5, tại cuộc họp UBND TP.HCM về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh tháng 4.2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết UBND TP.HCM chỉ đạo Công an TP.HCM điều tra vụ cháy kho dữ liệu Trung tâm quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT). Việc điều tra phải thực hiện nghiêm túc và sau khi có kết quả công khai để người dân biết, do vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm, có rất nhiều câu hỏi cần giải đáp.
Đại diện Công an TP.HCM cho biết, từ tháng 11.2017 - 3.2019, TP.HCM xảy ra 1.945 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và cứu nạn. Trong đó có 17 vụ cháy lớn, 13 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, 3 vụ nổ.
Những địa bàn xảy ra cháy nhiều là H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.Tân Bình. Các vụ cháy xảy ra nhiều ở nhà ở đơn lẻ, nguyên nhân chủ yếu là do sự cố trong sử dụng hệ thống, thiết bị điện (chiếm 47,5%).
|
Bình luận (0)