Tuyển sinh đại học: Lo ngại vì 'lạm phát' điểm chuẩn học bạ

23/07/2022 07:00 GMT+7

Theo nhiều cán bộ phụ trách tuyển sinh của các trường đại học , điểm điều kiện trúng tuyển các phương thức xét tuyển sớm năm nay tăng lên nhiều so với năm ngoái. Tuy nhiên, các trường vẫn lo hơn là mừng.

Trường phổ thông “nới tay” hơn khi đánh giá học sinh

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH Giao thông vận tải, mức điểm điều kiện trúng tuyển tăng khá cao so với năm ngoái, có thể vì năm nay Bộ GD-ĐT có một số đổi mới trong chính sách tuyển sinh nên thí sinh (TS) muốn sớm có một chỗ trúng tuyển cho yên tâm, thành thử tăng số lượng em có nhu cầu xét học bạ. Mặt khác, có thể do các trường phổ thông có xu hướng “nới tay” hơn trong việc đánh giá học sinh. Ngoài ra có thể kể đến nguyên nhân số trường tổ chức xét tuyển sớm khu vực phía bắc không nhiều, đặc biệt với những trường có các ngành có tính cạnh tranh cao. Khi chỉ tiêu ít, cộng với số trường xét tuyển sớm ít, thì sẽ dồn TS, khi đó đương nhiên điểm chuẩn sẽ cao. Nguyên nhân này cũng là lý do khiến tỷ lệ đỗ ảo trong các phương thức xét tuyển sớm cao.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào một trường ĐH tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Còn theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Thương mại, một trong những lý do năm nay các phương thức xét tuyển sớm (không chỉ phương thức dựa vào điểm học bạ) có mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển cao là bởi ngày càng nhiều TS chuẩn bị điều kiện cho các phương thức này bằng cách tham gia vào các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế. Ngoài ra, năm nay còn có nhiều em dự thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Tuy nhiên, nếu xét riêng đối tượng TS sử dụng điểm học bạ để xét tuyển thì cũng có thể nhận thấy có chiều hướng “lạm phát” điểm cao.

Sẽ giảm chỉ tiêu với các phương thức sử dụng điểm học bạ ?

Theo bà Hòa, điểm học bạ là kênh đánh giá mà các trường ĐH không trực tiếp kiểm soát được dù bị dư luận xã hội nghi ngờ về mức độ đồng đều trong đánh giá giữa các trường THPT, các địa phương. Nhưng trường ĐH không thể đưa ra chính sách phân biệt trường này trường kia, nơi này nơi kia, trong tuyển sinh, mà tất cả các em đều được đánh giá bình đẳng dựa trên học bạ. Dù e ngại nhưng trong một số năm tới Trường ĐH Giao thông vận tải vẫn phải tiếp tục sử dụng phương thức xét học bạ, tuy nhiên có thể phải điều chỉnh thế nào đó để vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng TS trúng tuyển, vừa đảm bảo tuyển đủ quy mô đào tạo.

“Năm nay là năm thứ 3 trường xét tuyển học bạ. Với 2 khóa tuyển sinh trước, sau khi các em nhập học trường cũng đã tiến hành khảo sát để so sánh, đánh giá chất lượng tuyển sinh giữa các phương thức. Quả là có sự không tương đồng giữa kết quả học tập ở trường ĐH với điểm đầu vào, nhưng sự chênh lệch không đến mức khiến cho mình phải “tẩy chay” điểm học bạ. Vì với các ngành khó tuyển thì chẳng riêng gì sinh viên trúng tuyển bằng học bạ mà cả những sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi, quá trình đào tạo các thầy cô cũng chật vật trong việc giúp các em đạt được chất lượng đào tạo nhà trường yêu cầu”, bà Hòa chia sẻ.

Còn theo ông Trung, Trường ĐH Thương mại, cũng đã dự báo tình huống điểm học bạ cao có thể có xu hướng “lạm phát” nên cũng đã dự kiến sang năm sẽ giảm chỉ tiêu với các phương thức sử dụng điểm học bạ, điểm THPT và tăng chỉ tiêu với các phương thức khác (như đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế).

Ông Lâm nhận xét: “Việc xét học bạ này nếu lựa chọn đối tượng với tỷ lệ phù hợp thì cũng không vấn đề gì. Năm nay là năm thứ 4 trường xét học bạ. Những năm trước, trường đều cho thống kê, đối sánh kết quả học của các em, thấy tình hình vẫn ổn. Trong số những em có kết quả học tập tốt nhất có nhiều em trúng tuyển bằng xét học bạ. Ngược lại, nhiều em đỗ bằng kết quả thi vẫn có trường hợp phải thôi học do học kém quá. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, nếu thấy việc xét tuyển bằng học bạ có vấn đề thì cho dừng”.

Điểm học bạ chỉ nên là một yếu tố xét tuyển

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường có một phương thức xét tuyển sớm là xét tuyển tài năng. Vì đã dự đoán trước xu hướng “lạm phát” điểm học bạ nên điều kiện trúng tuyển của phương thức này gồm nhiều yếu tố, trong đó điểm học bạ chỉ là một.

Chưa nói đến việc xét tuyển phù hợp với yêu cầu đào tạo, chỉ nói đến mục tiêu công bằng thôi thì việc lựa chọn thang đo là rất quan trọng. Hiện nay, những thang đo tạm gọi là đáng tin cậy có kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi nó được kiểm soát nghiêm túc; hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đơn vị đào tạo tổ chức. Còn điểm học bạ thì quả thật mức độ tin cậy khó mà được như các nước có nền giáo dục phổ thông phát triển. “Mình không thể vơ đũa cả nắm, cho rằng mọi điểm học bạ đều là ảo. Do đó, cũng không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị của điểm học bạ. Nhưng không nên dựa hoàn toàn vào điểm học bạ, mà chỉ nên xem đó là một yếu tố bên cạnh các yếu tố khác”, ông Điền nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.