Lo ngập khi tiến ra biển

29/04/2013 03:30 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu có thể khiến TP.HCM ngập thêm 30 cm nên đề án phát triển về hướng biển cần được nghiên cứu thận trọng.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa có buổi làm việc với nhóm chuyên gia Hà Lan, VN để tổng kết đề án TP.HCM phát triển về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, định hướng phát triển của TP hướng về phía biển là các ngành công nghiệp và hệ thống cảng, dịch vụ logistics (chu trình khép kín từ nơi cung cấp nguyên liệu, sản phẩm đến nơi tiêu dùng).

Lo ngập khi tiến ra biển 
TP.HCM có chủ trương hướng biển để phát triển kinh tế biển và dịch vụ logistics - Ảnh: Đình Sơn

Cần tính đến thủy triều và lũ

TP.HCM với bờ biển dài 17 km sẽ thuận lợi cho việc phát triển các cảng vận tải nội địa và quốc tế, phát triển hệ thống dịch vụ logistics. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với tiến trình này là tình trạng biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng cao cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh gây ngập nước ngày càng trầm trọng cho khu vực nội đô.

 

Bến cảng cũ làm trung tâm thương mại

Các chuyên gia Hà Lan đề xuất những cảng biển hiện nay đang ở trong hoặc gần trung tâm sẽ được di dời về phía biển, trong đó có khu vực cảng Cát Lái và Hiệp Phước. Các địa điểm bến cảng cũ có tiềm năng lớn để chuyển đổi thành các khu dân cư hoặc các trung tâm thương mại do các khu vực này nằm gần trung tâm và các địa điểm ven sông. Tái phát triển các khu vực này nên kết hợp với việc cải tạo khu bờ sông để khai thác hết tiềm năng hấp dẫn của nó.

Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu biến đổi khí hậu Rotterdam (Hà Lan), đến năm 2020 và 2030, TP.HCM sẽ bị ngập từ 12 - 17 cm và đến năm 2050, tình trạng ngập nước sẽ tăng lên khoảng 30 cm do biến đổi khí hậu gây ra. Ngoài ra, nước biển dâng sẽ khiến tình trạng xâm nhập mặn sâu hơn vào thượng nguồn, đến các điểm thu nước thô của các nhà máy xử lý nước sạch, gây ảnh hưởng việc cung cấp nước sạch cho người dân...

Mặc dù vậy, trong dự thảo quy hoạch tổng thể không gian đến năm 2025 của TP vẫn còn thiếu nhiều giải pháp liên quan đến việc ứng phó biến đổi khí hậu như: không đề cập cụ thể các biện pháp phòng chống ngập lụt cũng như các giải pháp đáp ứng nhu cầu cung cấp nước sạch cho người dân trong trường hợp sông Sài Gòn bị nhiễm mặn…

PGS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM), cho rằng: “Cần lưu ý rằng các kịch bản đưa ra ở đây chưa tính đến ảnh hưởng của cả thủy triều và lũ. Nếu tính đến các tác động này cộng với kịch bản mực nước biển dâng cao hơn thì mức độ ngập sẽ cao hơn nhiều. Khi đó sẽ rất nguy hiểm, trong đó phía nam TP sẽ phải chịu phần lớn tác động của mực nước biển dâng".

Xây dựng hệ thống đê bao như Hà Lan

Để phát triển ra hướng biển - theo một chuyên gia - cần lưu ý việc  khu vực phía nam TP gồm Q.7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ là cái “túi” chứa nước, giúp TP tiêu thoát nước mưa. Nay đẩy mạnh phát triển hạ tầng, bê tông hóa khu vực này sẽ chặn đường thoát nước khu vực nội thành, ngập sẽ càng thêm ngập. Khu Nam còn là vùng trũng và đang bị nước biển xâm nhập, vùng đất yếu và lún nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém. 

Các chuyên gia cũng lo ngại việc mở rộng về phía nam sẽ ảnh hưởng đến khu vực rừng sinh thái ngập mặn Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chống xói mòn bờ biển và triều cường do bão, từ đó sẽ gây tác động xấu đến môi trường.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia của Hà Lan khuyến cáo phía nam không thích hợp để phát triển đô thị theo quy mô lớn. Quy mô và loại hình phát triển đô thị về hướng nam cần được thẩm định lại. Nên tập trung phát triển các khu đô thị vệ tinh ở phía đông mà trọng tâm là Thủ Thiêm, khu vực tây bắc, phía tây… Trong lĩnh vực kinh tế, cần tập trung vào những lĩnh vực có thế mạnh, có hàm lượng chất xám cao.

TS Bùi Trọng Vinh (bộ môn Địa môi trường, Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng để có thể vững vàng tiến ra biển, phát triển kinh tế biển, các khu du lịch sinh thái ở biển Cần Giờ hay các khu đô thị ở Nhà Bè, Q.7... cần xây dựng hệ thống đê bao như của TP.Rotterdam của Hà Lan để ngăn lũ, triều cường cũng như nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra.

Đình Sơn

>> Vỡ đê bao, nước ngập trên diện rộng
>> Sóc Trăng bể đê bao tại nhiều nơi
>> Nỗi lo ngập úng
>> Kỳ họp HĐND TP.HCM: Lo ngập lụt như Hà Nội!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.