Nằm ở rìa làng thuộc các xóm 6, xóm 7 và xóm 8 của xã Quỳnh Liên, các lò ngói thủ công này được ví như “kẻ quấy rối” cuộc sống của người dân địa phương suốt 20 năm qua. “Mỗi khi họ đốt lò, khói bốc lên, tỏa ra mùi khét khó chịu, nhất là vào mùa nắng nóng thì không ai chịu nổi”, một người dân xóm 6 nói. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, xóm trưởng xóm 6, khói độc hại từ các lò ngói ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và làm giảm năng suất hoa màu của bà con. Người dân đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý nhưng đến nay các lò ngói này vẫn tồn tại.
Ông Hồ Ngọc Tăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết, nghề nung ngói ở xã có từ trước năm 2000. Thời cao điểm có 37 lò, tạo công ăn việc làm cho khoảng 400 người. Sau khi Chính phủ có chủ trương xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công, một số gia đình đã bỏ lò, hiện còn 14 lò ngói đang hoạt động. “Mỗi tháng các lò này đỏ lửa 2 lần, mỗi lần đốt khoảng 2 - 3 ngày, khói gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc, xã đã vận động bằng nhiều cách nhưng mới chỉ có 6 hộ cam kết sẽ xóa bỏ lò đốt ngói”, ông Tăng nói.
tin liên quan
Không mặc cả tiêu chuẩn môi trườngTại buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp thủy sản với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ ngành ngày 13.5 tại Hà Nội, các doanh nghiệp than rằng quy chuẩn môi trường đang khiến chi phí của họ rất tốn kém, song Phó thủ tướng cho rằng quy chuẩn không phải là phi thực tế, nên doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ chứ không mặc cả.
UBND xã Quỳnh Liên cũng đã lập đoàn công tác, cử cán bộ đến các địa phương khác đề nghị không cho các chủ lò lấy đất nguyên liệu về làm ngói để các chủ lò phải ngừng hoạt động nhưng chủ lò lại đi tìm nguyên liệu ở nơi khác. Theo ông Tăng, mỗi lần ra lò, mỗi lò cho ra trên 10.000 viên ngói, trừ chi phí, chủ lò thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Do đang cho thu nhập khá nên các chủ lò tìm mọi cách kéo dài thời gian hoạt động bất chấp năm 2015 là thời hạn chót phải chấm dứt hoạt động.
Theo chỉ đạo của UBND TX.Hoàng Mai, đến hết tháng 5 này, UBND xã Quỳnh Liên phải chấm dứt hoạt động các lò ngói thủ công trên địa bàn. “Chúng tôi vận động, yêu cầu phải ngừng nhưng các chủ lò đề nghị địa phương phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Xã đã đề nghị thị xã nhưng thị xã bảo không có nguồn. Có lẽ việc vận động người dân dẹp lò ngói thủ công xem ra không hiệu quả. Nếu đến thời hạn thị xã giao mà các lò ngói vẫn hoạt động thì chúng tôi sẽ cưỡng chế, dù biện pháp này sẽ gây phức tạp”, ông Tăng nói.
Bình luận (0)