Cần quy định rõ cơ chế tính giá
Trao đổi với Thanh Niên, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đoan Việt (TP.HCM), cho rằng nếu Nhà nước không quy định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu (doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ) thì để cho doanh nghiệp đầu mối tự điều hành giá nhằm có sự cạnh tranh lành mạnh.
Tuy nhiên, cần quy định rõ về các cơ chế cấu thành giá, đảm bảo các khâu phải được tính đúng, đủ; không bán vượt mức giá trần và không bán thấp hơn giá sàn.
Nhìn nhận đây là vấn đề khó khăn nhất, bà Trâm bày tỏ quan điểm: "Nếu Bộ Công thương không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì doanh nghiệp đầu mối lớn sẽ tạo ra luật chơi, dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung nếu tình hình có biến động lớn".
Đề cập khía cạnh hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đặt vấn đề: "Nếu để doanh nghiệp đầu mối được quyết định giá bán, liệu họ có tạo ra luật chơi hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không? Như vậy, mục tiêu tạo ra sự cạnh tranh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường xăng dầu như cơ quan soạn thảo đề ra có đạt được hay không?".
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP.HCM), nếu Nhà nước điều hành giá đúng và tính đủ chi phí trong tất cả các khâu, bao gồm cả khâu bán lẻ thì không nhất thiết phải để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán.
"Hiện, doanh nghiệp bán lẻ phải chi các loại chi phí như mặt bằng, nhân công, lãi suất ngân hàng, điện nước, duy tu bảo dưỡng… Nếu các chi phí này được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá (từ 5 - 6%) thì doanh nghiệp bán lẻ mới đủ sức để duy trì kinh doanh.
Sau cùng, cộng thêm lợi nhuận tối thiểu nếu có từ 2 - 3% trên giá bán lẻ tại thời điểm điều chỉnh giá. Nếu Nhà nước làm được như vậy thì doanh nghiệp đầu mối không cần tự định giá", ông Báu bày tỏ quan điểm.
Kiểm soát chặt, tránh giá xăng tăng "sốc"
Nhìn nhận đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là bước đi mới, song theo PGS-TS Ngô Trí Long, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối.
"Tại dự thảo, Nhà nước vẫn quy định trong cơ cấu tính giá những yếu tố phần "cứng", còn phần "mềm" như chi phí kinh doanh là doanh nghiệp quyết định, tính toán". Phần "mềm" khi trao quyền cho doanh nghiệp thì phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy giá", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Bà Trâm cho rằng một trong những nội dung cần làm rõ nữa là việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ 2 - 3 nguồn. "Nếu việc này không được làm rõ sẽ dễ dẫn tới độc quyền trong kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường", bà Trâm nói.
Một số chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi trao đổi với Thanh Niên chiều 30.3 đều nhìn nhận, hiện nay trên thị trường có một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu chi phối thị trường ở cả khâu nhập khẩu (mua tận gốc - PV) cho đến bán lẻ (bán tận ngọn - PV).
Như vậy, cơ chế mới như đề xuất vẫn chưa giải quyết được vấn đề gốc rễ của thị trường xăng dầu. Nếu trao quyền quyết định giá bán cho doanh nghiệp đầu mối, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, kịp thời, bảo đảm giá xăng dầu không tăng "sốc".
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý 1 của Bộ Tài chính chiều 29.3, ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết hiện bộ này đang nghiên cứu dự thảo để góp ý theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Về nguyên tắc quản lý giá nói chung, luật Giá năm 2023 quy định việc quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước.
"Đối với xăng dầu, đây là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nên sẽ có một số vấn đề cần xem xét cụ thể, thấu đáo về nguyên tắc điều hành giá", ông Bình nói.
Bộ Công thương vừa công bố bản dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các nghị định hiện nay. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất của dự thảo này là công thức và cơ chế giá xăng dầu.
Bộ Công thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu, mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định như tỷ giá ngoại tệ, các loại thuế, phí, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Dựa trên các dữ liệu đó, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa và giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.
Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối có trách nhiệm công bố giá bán lẻ trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên các phương tiện thông tin giá bán lẻ ngay sau khi điều chỉnh giá, niêm yết công khai tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Theo Bộ Công thương, quy định này nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quyết định giá bán của doanh nghiệp. Việc để cho doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán sẽ giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia 2 vùng kiểu xa cảng, xa kho, xa nhà máy như hiện nay.
Bình luận (0)